Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo quyết định thành lập này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ làm Chủ tịch hội đồng. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ làm Phó chủ tịch hội đồng.
Hội đồng này sẽ được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo dự án theo đúng quy định.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã báo cáo lên Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho rằng với chiều dài hàng ngàn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc – Nam khoảng 200 km/giờ là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án cần khoảng 26 tỷ USD.
Phương án này tiết kiệm hơn so với phương án trước đó Bộ GTVT đã trình là 32 tỷ USD.
Trước đó, Bộ GTVT từng đề xuất đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ, tổng vốn xây dựng lên tới khoảng 58 tỷ USD. Thời gian dự kiến xây dựng khoảng 30 năm, từ 2020 – 2050.
Việc lựa chọn phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang tạo nên những tranh cãi trái chiều trong giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách.
Theo GS Lã Ngọc Khuê – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, phương án của Bộ KH&ĐT khả thi hơn vì chi phí thấp hơn, có thể dùng để chở cả khách và chở hàng, tận dụng được tối đa công suất sử dụng. Hơn thế, kỹ thuật xây đường sắt cao tốc thì DN Việt Nam chưa đủ sức tiếp cận, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài; tất yếu các doanh nghiệp Việt sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
GS Khuê cũng đưa ra dẫn chứng nhiều nước đã nhận thấy việc xây dựng và khai thác đường sắt tốc độ cao trên 300 km/h là không hợp lý và không kinh tế, không thể cạnh tranh được với máy bay mà cũng không phù hợp với thị hiếu của người đi tàu, nhất là khách du lịch, giá vé thì đắt đỏ nên các đoàn tàu cao tốc không có đủ lượng hành khách cần thiết. Trong khi đó chi phí vận hành cao do phải mua sắm các phụ tùng thay thế khiến cho doanh nghiệp khai thác tàu cao tốc thua lỗ.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Bộ KH&ĐT với chi phí khoảng 26 tỷ USD để đạt tốc độ 200km/h là lạc hậu, không nắm bắt được công nghệ thế giới và không cạnh tranh được với hàng không.
Trong khi nhiều người tranh cãi nhau về phương án nào hợp lý hơn, thì cũng có những ý kiến khác cho rằng với quy mô GDP 240 tỷ USD (năm 2018), kể cả bỏ ra gần 30 tỷ USD hay 60 tỷ USD thì cũng là con số quá lớn, không thích hợp trong bối cảnh nợ công quốc gia còn đang rất cao (bằng gần 60% GDP). Hơn nữa, khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro chưa được làm rõ.
Mặc dù cần thiết phải đa dạng hoá các hình thức vận tải để phù hợp với nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp và phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhưng với những dự án có vốn đầu tư lớn, thì làm trong thời điểm nào là một vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra còn phải tính toán hiệu quả kinh tế – xã hội, tài chính. Với dự án này, hiệu quả mang lại so với tổng mức đầu tư còn là một vấn đề còn phải cân nhắc.
Thanh Thuỷ
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…