Tại TP. HCM, mặc dù đã có hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư để xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nhưng chỉ sau vài cơn mưa lớn, tình trạng ngập úng chẳng những không được cải thiện mà nhiều nơi còn ngập nặng hơn. Vậy đâu là nguyên do?
Báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa, trong đó có đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú).
Trong trận mưa lớn tối 19/5, ở TPHCM có ít nhất 30 điểm ngập. Các tuyến đường vừa được công bố xoá ngập như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Tân Hương bị ngập nặng, đặc biệt là đường Nguyễn Xí đoạn từ chân cầu Đỏ đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, nước ngập lút bánh xe khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, trong khi nhiều người đi xe máy bị ô tô chạy qua tạo sóng xô ngã.
Không chỉ ngoài đường, các con hẻm, nhà dân trên hai tuyến này cũng bị nước tràn vào ngập sâu gần nửa mét gây hư hỏng nhiều tài sản, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Được biệt tình trạng ngập đã diễn ra nhiều năm nay cho dù lực lượng chức năng triển khai các dự án chống ngập.
Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) lần lượt được đầu tư 163 tỷ đồng và 136 tỷ đồng để chống ngập, nhưng tình trạng ngập vẫn không dứt. Người dân tại đây mỗi khi mưa ngập lại phải thức trắng đêm tát nước, lau nhà.
Theo các chuyên gia, việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, chống ngập chạy theo hiện trạng “ngập đâu chống đó” khiến các công trình không được đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả. Có nhiều công trình chống ngập chỉ mang tính chất cục bộ, phân theo tuyến, quy hoạch lộn xộn chứ không xét theo từng lưu vực để đặt mốc về cốt nền cho phù hợp. Một số công trình thi công chưa hoàn thiện cũng dẫn đến việc không đánh giá chính xác được hiệu quả như hồ điều tiết, cống ngăn triều.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, hơn 45 con kênh tại TP.HCM đã biến mất, nhiều hồ chứa nước lớn của thành phố bị san lấp một phần hoặc hoàn toàn. Theo các chuyên gia, TPHCM có độ dốc từ Bắc xuống Nam, hướng thoát nước cũng vậy. Do đó, ngay khi hình thành một Sài Gòn hiện đại với quy hoạch kiểu châu Âu vào năm 1860, các nhà quy hoạch người Pháp khuyến cáo không được phép phát triển xuống phía Nam như Nhà Bè và quận 7 bởi đó là khu đất trũng – nơi được cho là túi chứa nước cứu ngập cho toàn thành phố khi mưa to, triều cường và nước từ các sông Đồng Nai, Sài Gòn đổ dồn về với lưu lượng lớn. Nếu xây nhà thì chỉ là thấp tầng, mật độ thưa và giữ nguyên các kênh rạch, đầm hồ để đảm bảo an toàn cho thành phố.
Nhưng thực tế là TPHCM đã phát triển quá mạnh mẽ và quá nhanh về phía Nam, khiến toàn bộ vùng đất trũng này bị đổ đất lấp kín với cao trình cao hơn các khu vực khác của thành phố, các kênh rạch bị lấp gần như toàn bộ. Hệ quả của việc phát triển này là làm cho TPHCM bị ngập nặng, lượng nước mưa và triều cường lúc trước được chứa ở túi nước phía Nam Sài Gòn thì nay bị đẩy sâu vào trong nội địa làm cho gần như toàn bộ thành phố bị ngập rộng và sâu.
Chuyên gia quy hoạch thủy lợi và chống ngập úng Hồ Phi Long cho biết dân số tăng dẫn đến việc đô thị hoá ngày càng mở rộng về vùng ven đô vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Điều này không chỉ làm diện tích ao, hồ, kênh rạch bị san lấp khiến cho khả năng chứa nước giảm; mà khi diện tích bê tông hoá tăng lên khiến lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất.
Để giải quyết bài toán chống ngập, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM dự trù chi gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 82.000 tỷ đồng cho quy hoạch tổng thể thoát nước và 15.000 tỷ đồng cho thủy lợi chống ngập úng. Đến đầu năm 2017, thành phố còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp quận, huyện quản lý; 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố quản lý và 9 điểm ngập do triều cường.
Theo các chuyên gia, TP.HCM cần triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể như: Đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, công trình thủy lợi… thì mới có thể chống ngập hiệu quả.
Trong các cuộc trao đổi kinh nghiệm chống ngập với TP.HCM, các chuyên gia đến từ thành phố Rotterdam của Hà Lan đề cao các giải pháp phi công trình. Nghĩa là thay đổi quan điểm trong quy hoạch không gian, lối sống, điều tiết dân số, giảm mật độ công trình xây dựng tại cộng đồng, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên, giáo dục nâng cao ý thức môi trường.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…