TAND TP.HCM đình chỉ vụ kiện của ông Lê Vinh Danh: Có vận dụng “điểm mờ” trong luật?

TAND TP.HCM thông báo đình chỉ vụ kiện của ông Lê Vinh Danh sau gần một tháng thông báo thụ lý vụ kiện này. Tuy nhiên, lý do quyết định đình chỉ vụ kiện gây băn khoăn khi tòa tuyên bố mâu thuẫn giữa bên khởi kiện và bên bị kiện là “vấn đề nội bộ”, dù các Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính đều xác nhận quyền được khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong các cơ quan, tổ chức. 

GS. TS Lê Vinh Danh khi còn là hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng trong một sự kiện tại trường, tháng 6/2019. (Ảnh: Trung tâm Công nghệ Thông tin Ứng dụng – Trường ĐH Tôn Đức Thắng/Facebook)

Truyền thông nhà nước ngày 19/4 đưa tin TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính về việc khiếu kiện hành vi hành chính của ông Lê Vinh Danh – nguyên Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo TAND TP.HCM, ngày 3/3/2021, ông Danh có đơn kiện Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về hành vi không thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai theo Đơn khiếu nại Quyết định đề ngày 15/12/2020 của ông Danh.

Theo đó, ông Danh khiếu nại Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21/10/2020 về việc thi hành kỷ luật viên chức và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định số 1662/QĐ- TLĐ ngày 4/12/2020) của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Quyết định số 1057/QĐ- TLĐ.

Sau khi thụ lý, TAND TP.HCM cho rằng hành vi không giải quyết khiếu nại lần 2 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đối với ông Danh không phải là hành vi hành chính bởi vì ông Danh là viên chức thuộc quản lý của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. “Việc xử lý kỷ luật viên chức và giải quyết khiếu nại liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức là vấn đề nội bộ giữa viên chức và cơ quan quản lý, sử dụng viên chức không phải là một trong các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước mà pháp luật quy định” – tòa thông báo.

Tòa án này dẫn quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, cho hay hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị khởi kiện vụ án hành chính, từ đó đình chỉ giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền (căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 123, Điểm h, Khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính).

Ngoài ra, cơ quan xét xử này cho rằng ông Danh không có quyền khởi kiện lại hành vi không thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai đối với Quyết định 1507/QĐ- TLĐ ngày 21/10/2020 và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định số 1662/QĐ-TLĐ ngày 4/12/2020) của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam…

Sơ lược vụ việc

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được thành lập vào năm 1997, đã chuyển qua các mô hình dân lập, bán công, tới nay là trường công lập.

Về mặt quản lý nhà nước, trường có cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng trường tự chủ tài chính, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay cơ quan chủ quản. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường đại học ngoài công lập.

Tháng 6/2019, một số cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng gửi đơn lên các cơ quan trung ương phản đối đơn vị chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về một số chính sách, trong đó buộc nhà trường phải nộp 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế.

Tranh chấp kéo dài, ngày 1/8/2020, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng TP.HCM đã công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bí thư, ban chấp hành đối với ông Lê Vinh Danh – bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Tiếp đó, ngày 21/8/2020, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng để kiểm điểm, xem xét kỷ luật trách nhiệm do có các khuyết điểm, vi phạm theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM.

Tháng 10/2020, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định cách chức hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Danh (Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21/10/2020).

Cuối năm 2020, ông Danh khiếu nại Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ, với hai nội dung khiếu nại: đề nghị xem xét lại thành phần hội đồng kỷ luật; và người khiếu nại không vi phạm quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bác nội dung khiếu nại. Ông Danh tiếp tục khiếu nại lần hai.

Đến ngày 3/3/2021, ông Danh khởi kiện Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về hành vi không thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai.

Ngày 22/3/2021, TAND TP.HCM xác nhận đã thụ lý vụ án khởi kiện hành chính của ông Danh với nội dung yêu cầu tòa án giải quyết hai sự việc, gồm: hành vi hành chính không thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và buộc Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2 cho ông Danh.

“Điểm mờ” trong Luật Tố tụng hành chính 2015?

Theo thông báo của TAND TP.HCM, ông Danh được xác định là viên chức thuộc quản lý của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Và việc ông Danh khiếu nại về quyết định kỷ luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được xem là vấn đề nội bộ giữa viên chức và cơ quan quản lý.

Quyết định này bất cập ra sao, khi xem kỹ lại các quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong các Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính?

Điều 47, Chương 4 Luật Khiếu nại 2011 quy định: “Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Nghị định 75/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Khiếu nại 2011 xác nhận: “Việc khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; thời hiệu khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức tại Chương 4 của Luật Khiếu nại và Nghị định này.”

Với trình tự khiếu nại căn cứ theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại sẽ khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Điều 115 Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng xác nhận: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó”.

Điều này có nghĩa khi không đồng ý với quyết định của cơ quan quản lý, hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại nhưng không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính. Quyền khởi kiện tiếp tục được bảo lưu khi các quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 và 2 không được người khiếu nại chấp thuận.

Tuy nhiên, Điểm c Khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tức là, trong trường hợp này, nếu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án cũng không thụ lý giải quyết, vì đây là quyết định hành chính, hành vi hành chính “mang tính nội bộ” của cơ quan, tổ chức trong quản lý, tổ chức cán bộ.

Rõ ràng quyền và lợi ích của người dân trong trường hợp này đã bị ảnh hưởng, nhưng không thể khởi kiện. Do đó cần kiến nghị Quốc hội quy định hoặc giao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể những trường hợp nào được gọi là “mang tính nội bộ” của cơ quan, tổ chức.” – Kiểm sát viên Trần Hồng Long, Phòng 10 – Viện KSND TP.HCM từng đưa ra góp ý, bài đăng trên website Viện KSND TP.HCM hồi tháng 11/2020.

Ngoài ra, thông báo đình chỉ vụ án của TAND TP.HCM còn nêu rõ: “Việc xử lý kỷ luật viên chức và giải quyết khiếu nại liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức là vấn đề nội bộ giữa viên chức và cơ quan quản lý…” – điều này là bất hợp lý vì quyết định kỷ luật viên chức mà ông Danh khởi kiện là quyết định kỷ luật buộc thôi việc, không phải các quyết định hành chính được đưa vào khái niệm “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.

Từ các cơ sở phân tích trên, quyết định đình chỉ vụ kiện của ông Lê Vinh Danh của TAND TP.HCM có thể không chỉ vận dụng “điểm mờ” trong Luật Tố tụng hành chính 2015, mà còn xung đột với các quy định trong Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố tụng hành chính 2015.

Xuân Tường

Xem thêm:

Xuân Tường

Published by
Xuân Tường

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

32 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago