Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trên thực tế ngành hàng không đã nảy sinh một số bấp cập, có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), đặc biệt bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Văn phòng Chính phủ vừa công bố kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 17/6/2019 về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng thực tế đã cho thấy một số bấp cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), đặc biệt bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Thời gian qua, báo chí có phản ánh về tình trạng thiếu nhân lực của ngành hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên tàu bay. Điều này khiến mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời hay ký hợp đồng mua thêm tàu bay, cuộc chiến tuyển dụng, níu kéo nhân lực hàng không lại diễn ra căng thẳng giữa các hãng với nhau. Không chỉ nhân lực phục vụ các hãng, ngay nhân lực quản lý từ phía Cục Hàng không cũng thiếu.
“Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không và gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Trước đó, Bamboo Airways cho biết vào ngày 23/4, doanh nghiệp có “nhặt” được một văn bản dưới dạng photo của Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) gửi tới Bộ Giao thông vận tải.
Thông tin văn bản này nêu Bamboo Airways có hành vi “giành giật lực lượng phi công của VNA”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA và cho rằng điều này trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm.
Đồng thời, “văn bản” trực tiếp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với máy bay B787 của Bamboo Airways.
Bamboo cho biết nếu cho rằng hãng có hành vi không lành mạnh, VNA hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện và đề nghị sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia đã sử dụng công văn đóng dấu “mật” để báo cáo, đồng thời dựa vào đó để đề nghị cơ quan chức năng đưa ra quyết định cản trở hoạt động của doanh nghiệp khác, có thể xem là hành vi trái với nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, và trái với quy định về quyền tự do kinh doanh.
Trong buổi họp báo thường kì Chính phủ chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận, ngày 24/4 Bộ đã nhận được báo cáo của VNA về tình trạng phi công chuyển sang đến đơn vị khác.
Ông cho biết, Bộ GTVT đang kiểm tra tình trạng chuyển việc của phi công mà VNA phản ánh trong báo cáo, xem có sai quy trình hay phạm luật hay không, nhưng thực chất, đây là một hoạt động của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu được.
Thanh Thuỷ (t/h)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…