Theo Bộ GTVT, phía Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam…
Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT cho biết dự án đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020. Công tác nghiệm thu cũng được Bộ hoàn thành và gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu dự án.
Dự kiến, Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021. Sau đó, Bộ GTVT sẽ bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác.
Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn vướng mắc liên quan tới công tác thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thực hiện năm 2018).
“Phía Tổng thầu EPC Trung Quốc cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam…”, Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT cũng tiếp tục liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn như: vướng mặt bằng, thiếu quy định về hợp đồng trọn gói (EPC); Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ; các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, đặc biệt khâu thiết kế, dẫn tới phải điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm hơn 9.231 tỷ đồng…
Dự án Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD), sau điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD).
Dự án có vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Được khởi công tháng 10/2011, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án đã 8 lần chậm trễ nên chốt mốc vận hành vào năm 2020. Đến thời điểm này, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa rõ bao giờ về đích.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại dự án trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Năm 2020, Việt Nam phải trả khoảng 152 tỷ đồng nợ gốc số tiền vay từ Trung Quốc để làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
ĐBQH Thuận Hữu (Hải Phòng) từng nhận định đường sắt Cát Linh – Hà Đông là “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”.
Còn TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng có lẽ trên thế giới chưa có công trình nào đạt nhiều dấu mốc đáng buồn như dự án Cát Linh – Hà Đông, theo báo Pháp luật TP.HCM.
Ông cho biết nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm là do chúng ta chọn đối tác kém.
“Do không biết đối tác của mình từng thi công những công trình gì, có hiệu quả không, năng lực đến đâu để rồi khi vào Việt Nam thực hiện dự án yếu kém đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn về vấn đề công nghệ, tài chính, kể cả quan hệ quốc tế điều này được thể hiện rõ ở dự án Cát Linh – Hà Đông. Ngoài ra, hợp đồng ký với đối tác cũng chưa có nhiều điều khoản ràng buộc về trách nhiệm, thời gian, hiệu quả tài chính dẫn đến dễ bị “dắt mũi””, ông Thủy nói.
“Một vấn đề khác cũng cần phải lưu tâm là xác định có hay không nhóm lợi ích, Chính phủ, Bộ GTVT cần đặc biệt lưu ý, lựa chọn nhân sự quản lý dự án, cần tránh tình trạng cài cắm người thân cận để tạo ra lợi ích nhóm, bớt xén tiền của người dân”, ông nói thêm.
Kim Long
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…