Giới chức TP.HCM cho biết đến ngày 6/10 có 9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%.
Tại buổi họp báo của giới chức TP.HCM hôm 7/10, Phó Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19, ông Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18h ngày 6/10, TP có 403.997 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố, bao gồm 403.501 trường hợp nhiễm trong cộng đồng.
Số ca bệnh nặng đang thở máy đang giảm, ngày 3/10 có 724 ca, đến ngày 6/10 còn 631 ca; bệnh nhân phải đặt ECMO, ngày 2/10 có 19 ca, các ngày tiếp theo, mỗi ngày có 18 ca. Số ca tử vong những ngày gần đây liên tục dưới 2 con số. Hiện thành phố đang điều trị cho 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ em dưới 16 tuổi.
Ngày 4/10, TP.HCM có 17 quận, huyện, TP. Thủ Đức; quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn đề nghị công bố đã kiểm soát dịch.
Cũng tại buổi họp, theo ông Hải, số lượng lượng lao động cũng như doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trở lại tăng. Trong 3 ngày, từ 1-3/10, có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đến ngày 6/10 có 9.200 doanh nghiệp.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước 1/10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%), có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 52,8%). Đến 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%).
Tại khu công nghệ cao, trước 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, qua 6 ngày, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%, “đây là bài toán rất lớn TP cần giải quyết”, ông Hải nói..
Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, theo thống kê, tỷ lệ học trực tuyến với khối tiểu học đạt hơn 97%, khối THPT đạt trên 99%. Thành phố có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường. TP.HCM còn hơn 30.000 em vẫn đang kẹt tại các địa phương khác.
Theo ông Hiếu, khoảng giữa tháng 11, có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng cho việc phòng dịch COVID-19 sẽ được trả lại, nên ngành GD&ĐT sẽ có hơn một tháng để sửa chữa cơ sở vật chất, khử khuẩn… Dự kiến đầu tháng 1/2022, Sở sẽ cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Về phương án đi lại giữa TP và 4 tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh, theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An, việc này vẫn còn phụ thuộc vào tình hình phòng dịch của các tỉnh.
Đến nay, thành phố đã nhận được góp ý của các tỉnh và hoàn chỉnh phương án. Tuy nhiên, yêu cầu của các tỉnh khác nhau về cách ly y tế, tiêm vắc-xin phòng COVID-19, xét nghiệm nên không thể thống nhất phương án đi lại chung giữa TP và 4 tỉnh trên. Do đó, Sở “đang hoàn thiện phương án đi lại theo hướng xây dựng phương án đi lại giữa thành phố với từng tỉnh, cố gắng trong ngày mai (8/10) ban hành để người lao động và những người khác đi lại thuận tiện”, ông An nói.
Về vấn đề người lao động chưa tiêm vắc-xin trở về TP, ông An cho biết, theo công văn số 3252 ngày 1/10 của UBND TP, người dân cần tiêm vắc-xin mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã bình phục.
“Do vậy, người lao động muốn quay lại phải đảm bảo điều kiện trên. Nếu làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, gửi phương án đi lại đến các đầu mối, tổng hợp gửi danh sách đến Sở để đi lại bằng xe đưa đón tập trung”, theo ông An.
Về việc giải quyết cấp giấy thông hành cho người dân từ các tỉnh trở lại TP, theo ông An, từ ngày 2/10 đến nay đã nhận hơn 9.000 hồ sơ, trong đó đã giải quyết được 1/3 số lượng nhận.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…