Người dân tham quan trải nghiệm Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)
TP.HCM đề xuất nối dài các tuyến metro đến Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Giờ, với mục tiêu hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035, theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức phiên họp đầu tiên, thảo luận kế hoạch mở rộng hệ thống metro để đáp ứng nhu cầu phát triển liên vùng trong bối cảnh TP.HCM sẽ hợp nhất với các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề xuất quy hoạch lại hệ thống metro, kết nối các tuyến hiện có đến Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Giờ.
Cụ thể, tuyến metro từ ga Suối Tiên (TP. Thủ Đức, thuộc Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên) đến nhà ga S1 tại thành phố mới Bình Dương dài 32,4 km, tổng vốn đầu tư hơn 64.370 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2031.
Tuyến metro đến Trảng Bom (Đồng Nai) có mức đầu tư 34.719 tỷ đồng. Ngoài ra, hai tuyến đang nghiên cứu là tuyến trung tâm TP.HCM – Cần Giờ (48,7 km) và Thủ Thiêm – Long Thành (41 km).
Việc mở rộng metro nhằm thúc đẩy phát triển đô thị theo mô hình TOD, giúp tối ưu hóa quỹ đất, giảm phương tiện cá nhân và thu hút đầu tư qua hình thức đối tác công tư (PPP), theo ông Được. Đến năm 2035, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km, tổng đầu tư khoảng 1.013.040 tỷ đồng (tương đương 40,2 tỷ USD).
Giai đoạn 2035-2045, thành phố xây thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên 510 km. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dài hơn 11 km (9,2 km ngầm), gồm 9 ga ngầm và 1 ga trên cao, dự kiến khởi công tháng 12/2025.
Để đảm bảo nguồn lực, ông Được nhấn mạnh TP.HCM không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Thành phố sẽ kết hợp ngân sách trung ương, địa phương, vốn ODA, trái phiếu chính quyền và vốn tư nhân trong, ngoài nước.
Ông đề nghị tính toán cẩn thận khi sử dụng vốn ODA để tránh hạn chế như các dự án trước. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt vốn trung hạn giai đoạn 2026-2035, tối đa 209.500 tỷ đồng, trong khi HĐND TP.HCM quyết định phân bổ ngân sách hàng năm từ nguồn thu tăng thêm và tiết kiệm chi tiêu. Thành phố cũng nghiên cứu thu phí theo khu vực và phát triển thương mại tại các nhà ga để tạo nguồn thu.
Hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) thuộc UBND TP.HCM đảm nhận triển khai các dự án. Ông Được đề xuất nâng cấp MAUR thành Công ty vận hành hệ thống Metro để phù hợp với quy mô dài hạn. TP.HCM cũng chú trọng phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Kim Long
Mưa lớn kéo dài từ đêm 22 đến rạng sáng 23/5 khiến nhiều khu vực…
Các hãng Deloitte, PwC, EY và KPMG đã đầu tư tổng cộng hàng tỷ USD…
Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu và Cà Mau nằm trong nhóm 7…
KCNA Triều Tiên tiết lộ hôm thứ Năm (22/5) rằng lãnh đạo tối cao Kim…
4 loại thực phẩm phổ biến có nguy cơ cao gây ngộ độc là thịt…
Nghệ – loại gia vị vàng quen thuộc trong mọi căn bếp – không chỉ…