Nhà máy sản xuất sữa của Rance Pharma và Haconfood. (Ảnh: Cắt từ video giới thiệu công ty)
573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại vừa được Bộ Công an phát hiện, do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group (cùng quận Hà Đông, TP. Hà Nội) sản xuất và tiêu thụ từ tháng 8/2021, thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Các loại sữa trên dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này.
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam 8 người có liên quan.
Trước vụ việc trên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các nhóm danh mục sữa bột giả thuộc Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ.
“Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý”, đại diện Bộ khẳng định.
Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp này hoạt động trong suốt 4 năm mà không bị phát hiện, Bộ Công Thương cho biết lực lượng quản lý thị trường luôn theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa nói chung, bao gồm cả mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp này không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, nên bộ không thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của họ. Bộ chỉ có thể tiến hành kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2021 – 2024 các lực lượng thuộc bộ này đã kiểm tra, xử lý 783 vụ sai phạm liên quan mặt hàng sữa; số tiền xử phạt là 2,2 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp.
Theo Bộ Y tế, căn cứ theo Nghị định 15/2018, các doanh nghiệp có trách nhiệm tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tính pháp lý của hồ sơ công bố.
Với các nhóm sản phẩm đặc biệt như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ công bố sẽ được tiếp nhận và cấp giấy xác nhận tại UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không kiểm nghiệm mẫu sản phẩm trước khi cấp phép.
Bộ Y tế cho rằng với vai trò là thường trực ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, hàng năm bộ xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch của mình.
Trong vụ việc trên, các chuyên gia cho rằng phần lớn sản phẩm thuộc nhóm sữa tăng cân, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Do đó, theo Bộ Y tế, trách nhiệm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, UBND và chi cục an toàn thực phẩm địa phương cũng như các vị có chức năng kiểm tra, hậu kiểm, trong đó có quản lý thị trường.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva sẵn sàng tiếp tục đàm phán với…
Hoa Kỳ sẽ triển khai khoảng 9.000 binh sĩ tới Philippines để tham gia cuộc…
Một ngày nào đó, những người trong cuộc đời của bạn sẽ kể lại những…
Một tài liệu giải mật được đăng trên trang web của CIA đang gây chú…
Ông Tập Cận Bình thăm 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia…
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang khi cả hai quốc gia…