Theo yêu cầu, các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế – xã hội phải được quy định trong Luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ra văn bản về việc xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang khẩn trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Dự kiến dự thảo luật sẽ được sớm trình Quốc hội.
Theo yêu cầu, trong luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị; các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế – xã hội phải được quy định trong luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Trong thời gian chuẩn bị xây dựng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trình Quốc hội, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ động xây dựng Đề án Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, định hướng phát triển, đầu tư, vào những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện thực tế của từng địa phương, chuẩn bị tốt công tác cán bộ để khi Luật ban hành là triển khai thực hiện được ngay.
Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương liên quan xây dựng các đề án đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Ngoài ra, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, hoàn thiện đề án và tài liệu liên quan để cung cấp cho Quốc hội nghiên cứu, góp ý.
Trước đó, từ tháng 10/2013, Chính phủ có chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Đến tháng 11/2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thuộc tỉnh. Theo yêu cầu, mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có để khai thác lợi thế so sánh, phát triển theo vùng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước.
Hiện Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành vẫn đang ở dạng dự thảo, gồm 7 chương, 37 điều. Các chính sách ưu đãi đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt bao gồm từ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng, ưu đãi thuế, đất đai, tạm trú…, thậm chí cho phép kinh doanh casino, cho phép thuê tư vấn quốc tế xây dựng thể chế và lập quy hoạch tổng thể, được phép chỉ định thầu các công trình kết cấu hạ tầng…
Theo lộ trình, dự kiến tới tháng 7/2017 sẽ trình dự thảo “luật đặc khu” lên Chính phủ để thông qua nội dung; tháng 10/2017 dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến nội dung dự án luật và đến tháng 5/2018 dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua nội dung dự án luật.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…