Hội nghị Chính hiệp và Nhân đại (gọi tắt là Lưỡng hội) đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra, tinh thần “Tập hạt nhân” tiếp tục được giương cao, trong không khí ồn ào náo nhiệt bên ngoài là cuộc đấu đá chính trị căng thẳng bên trong.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, việc tăng cường “đả hổ” trước lưỡng hội đã thành thông lệ, trước lưỡng hội lần này lại tiếp tục có nhiều “hổ to” bị xử lý, trong đó có cả “tổng quản” Chính hiệp.
Ngày 2/3, một ngày trước khi khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc, trên trang thông tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) thông báo Chủ nhiệm Ủy ban Kiều bào Đài Loan – Hồng Kông – Ma Cao Tôn Hoài Sơn (Sun Huoaishan) bị điều tra, trở thành “hổ to” bị sa lưới đầu tiên tại lưỡng hội năm nay.
Ông Tôn Hoài Sơn năm nay 64 tuổi, xuất thân từ hệ thống Đoàn Thanh niên, gia nhập Chính hiệp toàn quốc năm 1994; năm 1999 trở thành Ủy viên Thường vụ Chính hiệp toàn quốc kiêm Phó Trưởng ban Thư ký, năm 2013 lên chức Phó Trưởng ban Thư ký thường trực kiêm Bí thư Tổ đảng, được xem là “tổng quản” Chính hiệp toàn quốc suốt thời gian hơn 10 năm. Tháng Tám năm ngoái mới nhậm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiều bào Đài Loan – Hồng Kông – Ma Cao.
Theo thông tin, vấn đề tham ô của ông Tôn Hoài Sơn chủ yếu trong thời gian làm Phó Thư ký Chính hiệp toàn quốc. Trong thời gian 17 năm giữ chức vụ này, ông Tôn Hoài Sơn trải qua các thời Chủ tịch Chính hiệp Lý Thụy Hoàn, Giả Khánh Lâm, Du Chính Thanh.
Dù chức vụ trong Chính hiệp được cho là không có thực quyền, nhưng trong hơn 10 năm là Mặt trận Thống nhất của thế lực cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, hệ thống này đã trở thành “công cụ chính trị” mua bán, nhiều phú hào, quan to, thậm chí giới thương nhân xã hội đen Hồng Kông mua hàm tước Chính hiệp để có vị thế chính trị. Tờ Thành Báo (Sing Pao) Hồng Kông từng chỉ ra, ông Trương Hiểu Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông đã phát tài nhờ mua bán quan tước Chính hiệp.
UBKLTW Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc một số kẻ lợi dụng bộ máy Chính hiệp để trục lợi.
Theo Nhật báo Đông phương (Hồng Kông), tuy cấp bậc của ông Tôn Hoài Sơn không cao nhưng lại là tổng quản của hệ thống Chính hiệp toàn quốc, có quyền quyết định trong việc tăng giảm số Ủy viên Chính hiệp. Cứ khi hết một khóa (thời điểm đề cử Ủy viên Chính hiệp mới), là thời điểm ông Tôn Hoài Sơn có thêm cơ hội phát tài.
Ngoài ông Tôn Hoài Sơn, giới quan sát còn chú ý đến trong danh sách công bố Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký không có tên ông Đồng Quảng Thành (Tong Guangcheng), người từng là thư ký của ông Giả Khánh Lâm.
Ông Đồng Quảng Thành hiện 64 tuổi, từng nhậm chức Phó Bí thư tổ đảng Chính hiệp toàn quốc, Chủ nhiệm Văn phòng của cựu Chủ tịch Giả Khánh Lâm. Tháng 7/2013, Đồng Quảng Thành nhậm chức Phó Bí thư tổ đảng, Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật, Phó Tổng thư ký Chính hiệp toàn quốc.
Trong số những nhân vật quan trọng của Ủy ban Kiều bào Đài Loan – Hồng Kông – Ma Cao bị thanh trừng, ngoài Ủy viên Vương Tuệ Minh xin từ chức, Tôn Hoài Sơn “ngã ngựa”, còn có cả Phó Chủ nhiệm Ủy ban là ông Trịnh Lập Trung bị hủy tư cách, cũng có thể xem như bị xử phạt kỷ luật.
Những dấu hiệu cho thấy trong tương lai vài tháng tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhân vật Chính hiệp quan trọng liên quan bị thanh trừng.
Một tuần trước lưỡng hội Trung Quốc, cả hai cơ quan Nhân đại và Chính hiệp đều bổ sung thêm các Phó chủ nhiệm khối Ủy ban chuyên môn, đó là những quan chức địa phương vừa bị cách chức và một số quan chức trung ương mới giải nhiệm. Ví dụ: cựu Tỉnh trưởng Quảng Đông Chu Tiểu Đan (Zhu Xiaodan), cựu Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Cơ Phàm (Huang Jifan) đều tham gia vào Nhân đại, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển Từ Thiệu Sử và Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành đều bố trí nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chính hiệp toàn quốc.
Nhưng cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Ngô Ái Anh giải nhiệm cùng thời kỳ lại không được bố trí vào Chính hiệp theo thông lệ. Trước đó, ông cựu Chủ nhiệm Ban Chính trị Bộ Tư pháp Trác Ân Quang bị rớt chức, ngoại giới suy đoán vì liên quan đến ông Ngô Ái Anh, đồng hương và cấp trên quan chức này.
Ngoài Ngô Ái Anh, hàng loạt tướng quân đội sau khi giải nhiệm đã không được bố trí vào Nhân đại và Chính hiệp cũng là dấu hỏi lớn.
Trước đây, thông thường những tướng lĩnh cao cấp chủ quản một bộ phận thuộc cấp Chiến khu khi nghỉ hưu sẽ được đưa về làm “quan nhàn rỗi tuyến hai” (Chính hiệp và Nhân đại). Ví như Lưu Nguyên (con Lưu Thiếu Kỳ) sau khi giải nhiệm Chính ủy Tổng cục Hậu cần đã được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nhân đại toàn quốc. Trong số những Phó Chủ nhiệm các Ủy ban chuyên môn Chính hiệp có nhiều tướng lĩnh giải ngũ như: Thượng tướng Trương Tấm Sinh (Zhang Qinsheng) – cựu Tổng cục phó Tổng cục Tham mưu; cựu Chính ủy Pháo binh 2 Bành Tiểu Phong và Trương Hải Dương; cựu Tư lệnh Cảnh sát vũ trang Ngô Song Chiến; cựu Chính ủy Hải quân Lưu Hiểu Giang, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Hầu Thụ Lâm.
Theo cấp bậc, các quan to như Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng; Chử Ích Dân, cựu Chính ủy Chiến khu phía bắc; các cựu Phó Tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu gồm Tôn Kiến Quốc, Từ Phấn Lâm, Thích Kiến Quốc, Vương Quân Trung; hai Phó Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị là Ngô Xương Đức và Cổ Đình An; Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Đỗ Kim Tài, nếu chiếu theo thông lệ thì khi nghỉ hưu sẽ được đưa vào ngay hệ thống Nhân đại hoặc Chính hiệp, nhưng thời gian vài tháng qua những tướng lĩnh này đã bặt vô âm tín, hiện đã không thấy xuất hiện tên tuổi của họ trong hệ thống Nhân đại và Chính hiệp. Như vậy, đây cũng là hiện tượng không bình thường.
Tờ Thành Báo có phân tích cho rằng, tình trạng này có vài khả năng: một là số nhân sự quá tải nên không thể tức thời thu nạp thêm nhiều tướng quân nghỉ hưu như thế; hai là những tướng lĩnh này có liên quan đến hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, đang trong quá trình điều tra; cuối cùng là các tướng lĩnh quân đội khi nghỉ hưu không còn được về “dưỡng lão” trong Chính hiệp và Nhân đại.
Vai trò “Tập hạt nhân” được xác lập tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 vào năm ngoái, đã trở thành chủ đề tâm điểm tại lưỡng hội năm nay.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Chính hiệp khóa 12 Trung Quốc khai mạc ngày 3/3 vừa qua, Chủ tịch Du Chính Thanh đã đọc báo cáo công tác, theo đó ít nhất 7 lần nhấn mạnh bảo đảm vai trò “Tập hạt nhân”, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của “Tập hạt nhân”, là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngày 5/3 khai mạc Hội nghị Nhân đại toàn quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu Báo cáo công tác Chính phủ đã thể hiện cùng quan điểm với Du Chính Thanh, ít nhất 6 lần nhắc đến “Tập hạt nhân”, nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của “Tập hạt nhân”.
Về giới truyền thông, tiêu biểu như báo Giải phóng quân Trung Quốc đăng bài viết nhấn mạnh bảo vệ hạt nhân, nghe theo ý Đảng trong số ra ngày 3/3. Sau đó, ngày 6/3, báo Giải phóng quân lại tiếp tục có bài viết “Kiên định bảo vệ Tập hạt nhân…”, dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long tại một buổi họp phân tổ Nhân đại đã nhấn mạnh vấn đề “bảo vệ hạt nhân” và “nghe theo ý Đảng”…
Trả lời phỏng vấn báo ngoài Trung Quốc, “thái tử Đảng” La Vũ (con cố Đại tướng La Thụy Khanh) cho rằng, vì Hội nghị toàn thể lần thứ 6 vào năm ngoái đã xác lập “Tập hạt nhân”, cho nên lưỡng hội năm nay đã tập trung vào vấn đề “Tập hạt nhân”. Nếu ông Tập Cận Bình muốn tập trung quyền lực để có thể từng bước thực hiện dân chủ hóa xã hội diễn ra trong hòa bình thì ý định độc tôn quyền lực cũng không phải việc xấu, tuy nhiên hiện cũng chưa rõ ông ta sẽ đi theo hướng nào.
Tại Hội nghị mở rộng Ủy ban Kỷ luật Quân đội Trung ương Trung Quốc vào trước lưỡng hội, Bí thư Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) của Ủy ban Kỷ luật Quân đội đã chủ trì và báo cáo công tác, báo cáo nhắc đến ông Đỗ Kim Tài đã bị cách chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương. Ông Đỗ Kim Tài vừa 65 tuổi, là quan chức quân đội cao tuổi nhất.
Theo Tin sáng Nam Hoa, có thể quan chức này bị điều tra vì liên quan đến hai “hổ to” Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Ngày 5/3, trong Báo cáo Chia tổ của lưỡng hội, Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long lại nhất mạnh “nghiêm trị từ Đảng”, “quét sạch ảnh hưởng độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu”. Có thể nói việc ông Đỗ Kim Tài bị hạ bệ phần nào cho thấy ông Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm loại trừ ảnh hưởng của ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trước Đại hội 19.
Theo thông tin, còn nhiều Thượng tướng nữa đang bị điều tra, bao gồm Cổ Đình An, Lý Kế Nại, Liêu Tích Long, Trương Thụ Điền, Chu Phúc Hi, Thái Anh Đình và Trương Sĩ Ba. Những người này đều là thân tín của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, là vây cánh của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Tại Hội nghị toàn thể Trung ương Trung Quốc năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã lên án gay gắt tình trạng “người rơm, nội gián, cá sấu to” trong lĩnh vực tài chính. “Người rơm” là chỉ bệnh hình thức tràn lan trong quản lý; nội gián là chỉ giới quyền quý trong và ngoài hệ thống cấu kết trục lợi; còn cá sấu to là chỉ thủ đoạn đen tối của giới tài phiệt hùng mạnh.
Có nhận định, sở dĩ ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc căm phẫn vì thảm họa thị trường chứng khoán hơn một năm trước không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng đối với dân chơi chứng khoán và Chính phủ, thậm chí còn làm loạn kế hoạch cải cách Trung Quốc, nguyên nhân được cho là do tình trạng liên kết trục lợi giữa giới quan chức ‘tinh anh’ và tư bản quyền quý, mục đích muốn gây chính biến kinh tế nhằm hạ bệ ông Tập Cận Bình.
Sau thảm họa thị trường chứng khoán năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ, thị trường vốn bất ổn, những ngân hàng tư nhân âm thầm thực hiện mánh khóe gây rối loạn…
Tình hình an ninh tài chính Trung Quốc đang vô cùng nguy hiểm, có phân tích cho rằng vì có “nội gián” phá hoại, chính Phó Chủ tịch công ty chứng khoán Citic Securities Lưu Lạc Phi (con trai của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn) là nhân vật chính gây ra thảm họa thị trường chứng khoán, dĩ nhiên còn nhiều quan chức cấp cao cùng phe phái tham gia.
Ngày 30 Tết năm nay, ông tỷ phú Tiêu Kiến Hoa, người kiểm soát cổ phần tập đoàn Tomorrow đã bị bắt về Trung Quốc đại lục từ Hồng Kông để phụ vụ điều tra. Được biết, tỷ phú này chính là thân tín của Tăng Vĩ (con trai nhân vật số 2 phái Giang là ông Tăng Khánh Hồng).
Như vậy, giới tài chính phe chống đối ông Tập Cận Bình cũng đang bị truy cứu ráo riết.
Tối ngày 1/3 trước lưỡng hội Trung Quốc, quan to Trần Húc (Chen Xu), Kiểm sát trưởng thành phố Thượng Hải bị điều tra, là quan to Thượng Hải thứ hai “ngã ngựa” sau Phó Thị trưởng Ngải Bảo Tuấn.
Ông Trần Húc năm nay 65 tuổi, là người làm việc lâu năm trong ngành Chính pháp tại Thượng Hải, từng là Phó Chánh án Tòa án Cấp cao Thượng Hải, Phó Bí thư Ban Chính pháp Thượng Hải, nhậm chức Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát thành phố Thượng Hải vào tháng 2/2008, là người rất thân với ông Ngô Chí Minh (Wu Zhiming), cháu ngoại của ông Giang Trạch Dân.
Báo mạng Caixin đã từng chỉ ra, vài năm qua người dân Thượng Hải đã không ngừng gửi đơn kiện Trần Húc.
Thương nhân Hồng Kông Nhậm Hùng Lương là ông chủ công ty bất động sản Dụ Thông Thượng Hải từng tố cáo Trần Húc liên quan đến 4 vụ án mạng: vợ chồng Vương Hâm Minh (Wang Xinming), Tổng giám đốc công ty đấu giá Hoa Tinh Thượng Hải; Phàm Ngọc Minh (Pan Yuming), Thẩm phán tòa án cấp trung Thượng Hải, và Phạm Bồi Tuấn (Fan Peijun), Thẩm phán tòa án Hồng Khẩu Thượng Hải.
Ngoài ra, trong số người tố giác công khai tên tuổi còn có ông Dương Hải Bằng (Yang Haipeng), cựu Chủ tịch Tạp chí Tài chính; hai cán bộ hưu trí từng là quan chức cấp cao tại Thượng Hải…
Ông Dương Hải Bằng nói: “Con đường tôi đi quá gian truân, đời người không thể sống hai lần. Tôi bị hắn ta (Trần Húc) ăn cướp. Vô số quan chức Thượng Hải bị hắn ta bỏ bùa, chỉ biết nghe theo lệnh, làm theo hệ thống lợi ích do hắn ta thao túng”.
Theo ông Trịnh Ân Sùng, luật sư về nhân quyền tại Thượng Hải, nhiều người đều biết Trần Húc chính là “đao phủ” của bang Thượng Hải, ông ta thăng tiến nhanh chóng nhờ đã có công nương tay trong vụ án “đại gia” Chu Chính Nghị (Zhou Zhengyi), thân tín của Giang Miên Hằng (con trai ông Giang Trạch Dân), sau đó đã được đề bạt làm Phó Bí thư Ban Chính pháp Thượng Hải, trở thành phụ tá của ông Ngô Chí Minh. Sau này lại được đề bạt lên Phó Thư ký trưởng thành phố Thượng Hải, là thư ký cho nhân vật số ba tại Thượng Hải là ông Lưu Vân Canh (Liu Yungeng).
Luật sư Trịnh Ân Sùng từng tố giác hai “hổ to” Lưu Vân Canh và Trần Húc lên trung ương, nhưng vì được bang Thượng Hải phái Giang che chở nên không làm gì được, ngược lại Trần Húc còn được lên làm Kiểm sát trưởng.
Theo ông Trịnh Ân Sùng, rất nhiều quan chức tại Thượng Hải hiện nay có liên quan đến Trần Húc. Sự kiện quan to này bị “ngã ngựa” ngay trước lưỡng hội cho thấy tín hiệu rõ ràng: Bang Thượng Hải đã hoàn toàn tan rã.
Nguyễn Đoàn (T/H)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…