Về tình hình kinh tế Trung Quốc suy thoái, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra kế hoạch kích thích nhằm thay đổi tình hình, nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Trước viễn cảnh đó, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài bắt đầu chương trình cắt giảm giá cả, chi phí, và thu hẹp quy mô kinh doanh tại Trung Quốc.
Đối với tình hình hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc, Reuters ngày 28/10 đưa tin một số công ty lớn như Hermès, L’Oreal, Coca-Cola, United Airlines, Unilever, Mercedes… cho biết rằng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc vẫn ở mức cao do cuộc khủng hoảng bất động sản, nhìn chung người tiêu dùng Trung Quốc đang hạn chế chi tiêu.
Vào cuối tháng 9, Bắc Kinh đã vạch ra các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng nhiều biện pháp vẫn chưa chi tiết, càng chưa thể nói đến tác động đáng kể gì được đến niềm tin của người tiêu dùng.
Một số công ty nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược của họ do khó cạnh tranh với các đối thủ địa phương, tiêu biểu như tuần trước nhà sản xuất than chì carbon Mersen của Pháp cho biết họ sẽ đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc sản xuất các sản phẩm truyền động điện; hay như một số công ty thực phẩm quốc tế gồm Danone và Nestle đã tăng cường giảm giá hoặc tìm cách đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến…
Hôm 23/10, CEO James Quincey của Coca-Cola cho biết trong một hội nghị trực tuyến về tài chính rằng môi trường hoạt động của Trung Quốc vẫn còn đầy thách thức. Ông nói với các nhà đầu tư: “Nền kinh tế Trung Quốc dường như không khởi sắc”.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ cung cấp thêm trợ giúp, nhưng phạm vi và thời gian của các biện pháp kích thích tiếp theo vẫn chưa chắc chắn, các nhà đầu tư vẫn còn đầy nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp kích thích kinh tế đó. “Chúng tôi từng có khoảng 10 chuyến bay đến Trung Quốc mỗi ngày, nhưng điều đó đã không còn nữa”, CEO Scott Kirby của United Airlines nói với Reuters.
United Airlines hiện có 3 chuyến bay mỗi ngày từ Los Angeles đến Thượng Hải, dự kiến tình hình như vậy sẽ không thể sớm thay đổi. “Đó là một bức tranh hoàn toàn khác”, ông Kirby nói thêm.
Hiện đang là mùa Báo cáo tài chính Quý III, hiệu quả kinh tế từ báo cáo của các công ty đa quốc gia lớn đã cho thấy thị trường Trung Quốc không còn khả năng tạo đà tăng trưởng như trước đây. Một số CEO công ty cho biết môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đã bị tác động mạnh từ suy thoái kinh tế của Trung Quốc, vì bất ổn kinh tế đè nặng lên tầng lớp trung lưu và thậm chí cả những người giàu có, khiến họ không muốn chi tiêu xa xỉ.
Công ty hàng đầu về hàng xa xỉ LVMH tuần trước đã báo cáo thu nhập không như mong đợi. Công ty cho biết niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, khiến nhu cầu về các sản phẩm thời trang trở nên tồi tệ hơn. Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Kering cũng cảnh báo vào tuần trước rằng do nhu cầu yếu ở Trung Quốc khiến lợi nhuận năm nay của họ có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, gây cản trở phục hồi của thương hiệu chính Gucci.
Nhà sản xuất túi Birkin Hermès dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các đối thủ, nhưng để bù lại lượng khách giảm từ Trung Quốc, đã hướng đến cách tăng giá trị giỏ hàng trung bình và tăng doanh số bán đồ trang sức, đồ da và quần áo may sẵn cho nam và nữ.
Ermenegildo Zegna, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn hàng xa xỉ Ý Ermenegildo Zegna, cho biết ông dự đoán giai đoạn “khó khăn” của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất đến đầu năm 2025.
Sự kiện mua sắm Ngày Độc thân (11/11) đã bắt đầu, nhiều nhà cung cấp địa phương dự tính mức tăng trưởng doanh số không đổi, họ chia sẻ rằng người tiêu dùng vẫn rất lo ngại về tình hình u ám của kinh tế Trung Quốc.
Zheng Li (46 tuổi) nói với Reuters rằng cô từng rất coi trọng mua sắm Ngày Độc thân, thời gian này cô hay mua sắm quần áo và nhu yếu phẩm hàng ngày, nhưng giờ thì phải hạn chế. “Có lẽ tôi sẽ mua một chiếc áo khoác cho con trai tôi”, cô nói.
Ngành công nghiệp nặng cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục.
Sau khi báo cáo thu nhập của Quý III vào ngày 17/10, CEO Silvio Napoli của nhà sản xuất thang máy và thang cuốn Thụy Sĩ Schindler chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc cho đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi nào”.
Sau khi trở về từ Trung Quốc hồi đầu tháng, Napoli cho biết ông không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thị trường Trung Quốc đã chạm đáy. Ông nói rằng ông không tin các biện pháp kích thích của ĐCSTQ mang lại khởi sắc cho nền kinh tế. Tình hình có thể rõ ràng hơn khi công ty công bố kết quả cả năm vào tháng Hai năm sau.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 15% doanh thu của công ty Schindler.
Tương lai có thể còn nhiều đánh giá bi quan hơn, vì trong số hàng trăm công ty thuộc chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu và S&P 500 của Mỹ thì cho đến nay chỉ một số ít báo cáo kết quả.
Ngoài ra, các công ty đa quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức tiềm tàng khác.
Ví dụ ngay tại thị trường bản địa châu Âu, các hãng xe hơi cũng như các hãng điện tử hàng đầu như Electrolux cũng đang cạnh tranh khó khăn với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.
Liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, giới quan sát cũng chỉ ra bất kể ai thắng cử thì tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp tục.
Ông Trump từng tuyên bố nếu thắng cử sẽ áp thuế nhập khẩu 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên các ngành công nghiệp Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden tuần trước cũng nhấn mạnh lại chiến lược “sân nhỏ, tường cao” để đối phó với làn sóng tấn công thứ hai từ Trung Quốc.
Tuần này, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng mức thuế lên tới 35,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, làm trầm trọng thêm tranh chấp thương mại với Bắc Kinh; Trung Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp trả đũa.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…