Chuyên đề: Người Hồng Kông không phải người Trung Quốc?
Kỳ I: Tà biến nhân tâm người Trung Quốc
Kỳ II: Người Hồng Kông không phải người Trung Quốc Đại Lục
Kỳ III: Hai thế kỷ khác biệt
Kỳ IV: Dũng khí và niềm tin
Kỳ V: Đối diện khủng bố, người Hồng Kông ngẩng cao đầu
Kỳ VI: Im lặng trước cái Ác, đồng nghĩa với thế giới đã chết
Văn hóa Trung Hoa cổ xưa rất coi trọng khí tiết, nhân cách. Dưới sự thống trị bạo lực của ĐCSTQ suốt 70 năm, người Trung Quốc trở nên hoặc yếu nhược, sợ hãi, hoặc hung bạo, cực đoan. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhân sĩ vì SỰ THẬT, lẽ phải đã không màng sự an nguy của bản thân để vạch trần tội ác và đấu tranh đến cùng với văn hóa dối trá của ĐCSTQ. Những Đàm Hách Thành, Cao Trí Thịnh… ở Đại Lục và các cuộc biểu tình liên miên diễn ra trong nhiều tuần của người dân Hồng Kông đã minh chứng cho điều đó.
Trong dòng chảy lâu dài của lịch sử, triều đại này qua đi, triều đại khác lại đến, đều không thiếu trung thần nghĩa sĩ ôm giữ tín niệm kiên định “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Họ thà nguyện vì sự nghiệp chính nghĩa mà hy sinh chứ không nguyện đánh mất khí tiết, ham sống sợ chết. Ở những con người ấy, luôn toát ra phẩm cách đạo đức cao thượng.
Chỉ sợ không trung thực chứ không sợ chết
Văn hóa truyền thống Trung Hoa nhấn mạnh tinh thần quan lại. Thôi Trữ – đại thần nước Tề thời Xuân Thu Chiến quốc đã giết vua để thâu tóm quyền lực, bèn gọi quan Thái sử Bá đến ra lệnh viết vào sử sách là vua bị bệnh nặng mà chết. Nhưng quan Thái sử Bá đáp rằng: “Lịch sử không thể ghi chép hồ đồ. Viết theo sự thật là bổn phận của Thái sử”, rồi chép vào sử sách: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân” (Tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua). Thôi Trữ nổi giận ra lệnh chém quan Thái sử này.
Quan sử thứ hai là Thái sử Trọng (em trai Thái sử Bá) thay chức vụ của anh và vẫn viết vậy. Thôi Trữ kinh ngạc vì thấy Thái sử Trọng vẫn viết đúng như anh trai mình, liền rít lên: “Ngươi không biết Thái sử Bá đã bị chém hay sao?”. Thái sử Trọng đáp: “Thái sử chỉ sợ viết không trung thực chứ không sợ chết”. Thôi Trữ lại chém Thái sử Trọng.
Quan Thái sử thứ ba tên Thúc, là người em trai kế tiếp được thay vào. Ông cũng chép đúng như hai người anh của mình và lại bị chém. Thái sử Quý – người em út lại được tiến cử vào thay, vẫn viết: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân”. Viết xong ông nói với Thôi Trữ: “Ngài càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu bệ hạ không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ngài có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật”. Thôi Trữ nghe xong lắc đầu, thở dài, không dám giết nữa.
Được Thôi Trữ tha mạng, Thái sử Quý cầm thẻ bài trên đường về Sử quán thì gặp Nam Sử Thị và hỏi đi đâu. Nam Sử Thị đáp: “Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép”. Khi tận mắt nhìn thấy hàng chữ: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân” trên thẻ của Thái sử Quý, Nam Sử Thị lúc ấy mới cáo từ ra về.
Các triều đại Trung Hoa đều xuất hiện không ít những người không sợ cường quyền, khinh thường quyền quý, vì tôn nghiêm và giá trị có thể không tiếc sinh mệnh mà dám nói sự thật. Đây chính là khí tiết, là hạt nhân tinh thần khiến dân tộc có thể sinh tồn trường cửu, cũng là cội nguồn tâm hồn của dân tộc Trung Hoa.
Nhưng từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã gieo rắc sự sợ hãi, khủng bố tinh thần và bức hại mọi tầng lớp người dân, cố tình hủy hoại đi tinh thần nghĩa hiệp cao quý của người xưa. Giới trí thức tinh hoa, doanh nhân hoặc bị đe dọa trở nên yếu nhược hoặc bị mua chuộc mà hùa theo giúp ĐCSTQ bịa đặt nhiều lời dối trá để bóp méo lịch sử, lừa gạt dân chúng với đích cuối là bảo vệ đến cùng sự thống trị độc tài của Đảng.
“Đất nước của những kẻ hèn nhát”
Tháng 1/2017, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng bởi bài viết của một bà mẹ có nickname yashalong2000 trên WeChat. Bài viết mô tả sự thất vọng và nỗi sợ hãi của người Trung Quốc trước thảm họa sương mù ô nhiễm, nhưng sâu xa hơn, bài viết cho thấy nỗi sợ hãi đã ngấm vào từng tế bào của mọi thế hệ người Trung Quốc, từ già đến trẻ. Chẳng phải người Trung Quốc sợ sương mù ô nhiễm, chẳng phải họ sợ bị bệnh mà chính là họ sợ sự dối trá, và trên hết là nỗi sợ chính quyền của chính họ.
“Những ngày này tôi cảm thấy khó chịu vì sương mù. Con tôi bị viêm họng và ho. Tôi đã cho nó nghỉ học một ngày. Trên WeChat, tôi ủng hộ việc lắp đặt máy lọc không khí trong các trường học, nhưng tôi không chắc hiệu quả sẽ thế nào. Các bậc phụ huynh thường cảm thấy chán và nản bất lực ở Trung Quốc…
Chúng tôi bị “sương mù xám” trong nhiều năm. Lúc đầu, chúng tôi không biết nó là gì. Chúng tôi chỉ nghĩ một cách khờ khạo rằng đó là sương mù, là bụi hoặc là thứ gì đó. Chúng tôi không biết thứ gì gọi là PM2.5 đang thâm nhập vào các tế bào phế nang phổi và các dòng máu trong cơ thể mình.
Chúng tôi phải cảm ơn Đại sứ quán Hoa Kỳ đã loan rộng thông tin này. Chỉ sau khi họ nhấn mạnh về việc công bố chỉ số PM2.5 mỗi ngày, nhiều người trong chúng tôi mới biết về nó và sự khủng khiếp của nó.
Lúc đầu, truyền thông Trung Quốc chế giễu Đại sứ quán Hoa Kỳ, nói rằng đây là can thiệp vào việc nội bộ của nước ta và đang áp các giá trị của Hoa Kỳ lên Trung Quốc. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười trên gương mặt của các chuyên gia trên TV nói rằng PM2.5 không có gì đáng lo, và rằng Trung Quốc không cần phải công bố dữ liệu.
Cho đến khi họ không còn có thể che giấu sự thật của vấn đề được nữa, họ mới thừa nhận rằng những gì họ nói với chúng ta là không thật. Nhưng không có ai đứng ra xin lỗi. Chưa bao giờ có một câu xin lỗi nào.
Chính quyền không xin lỗi. Các kênh truyền thông không xin lỗi. Các chuyên gia không xin lỗi. Mọi chuyện được xem như chưa có gì xảy ra, như thể Đại sứ quán Hoa Kỳ chưa bao giờ bị chế nhạo và các chuyên gia chưa từng nói rằng PM2.5 không có gì đáng lo ngại…
… Đôi lúc tôi thật sự muốn nói với họ vì sao tôi không thể thù hận nước Mỹ. Tôi biết có mâu thuẫn về lợi ích và cạnh tranh giữa các quốc gia. Nhưng tôi cũng biết là một nhóm người Mỹ nói với người Trung Quốc chúng ta là không khí của nước bạn rất nguy hiểm và rằng có một chỉ số gọi là PM2.5 vượt ngưỡng một cách trầm trọng. Họ bảo chúng ta nên tìm cách làm sạch không khí và đeo mặt nạ, nếu không thì sức khỏe của chúng ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Vậy mà truyền thông của chúng ta nói rằng những người Mỹ này đang nói dối. Tôi nên thù ghét ai đây?
Tôi rất buồn vì con mình bị đau họng và tâm trí tôi cứ tràn đầy những lời phàn nàn về việc các nhà lãnh đạo thiếu sự quan tâm. Tôi trút nỗi thất vọng của mình trên bàn ăn tối: “Tại sao có hệ thống lọc không khí tại trụ sở của chính quyền trong khi trường học thì không có? Cách tốt nhất để những nhà lãnh đạo làm gì đó về việc sương mù là bắt họ làm việc ngoài trời!”.
Tôi còn nói một số điều khác mà tôi không lặp lại ở đây. Bố chồng tôi rất căng thẳng khi nghe tôi nói những điều này trước con cái. Ông bảo tôi: “Sẽ thế nào nếu đứa nhỏ đi nói ra ngoài?”. Lời ông nói làm tôi thậm chí còn giận hơn nữa. Chất lượng không khí quá tệ, tôi không được nói một lời nào để chỉ trích chính quyền hay sao? Xã hội này là cái loại gì vậy?
Dĩ nhiên, tôi hiểu xuất thân của bố chồng tôi. Ông thuộc về thế hệ những người bị dày vò bởi sự sợ hãi. Họ trải qua sự sợ hãi mà chúng ta chưa từng trải qua, và nỗi sợ hãi này cuối cùng đã biến thành sự tôn sùng. Tôi không có nhiều hy vọng cho cả một thế hệ như vậy; tinh thần của họ hầu như đã bị dập tắt hoàn toàn. Tôi chỉ ước gì họ không làm ảnh hưởng nhiều đến thế hệ tiếp theo. Tôi luôn từ chối lời khuyên của thế hệ cũ một phần cũng vì như vậy.
Nhưng chẳng lẽ thế hệ trẻ chúng ta không có nỗi sợ này sao? Dĩ nhiên, nó không mạnh mẽ như vậy nhưng ai có thể phủ nhận sự tồn tại của nó? Viết bài này, tôi đã cố tình bỏ qua nhiều điều mình muốn nói đấy thôi.
Đây là đất nước của những kẻ hèn nhát. Những người dũng cảm dám nói phải trả giá. Có nhiều ví dụ, chẳng hạn như vụ tai nạn của Sun Zhigang. Các phóng viên đưa tin về vụ này đã phải trả giá bằng cả tương lai của họ và rồi họ đã bị chúng ta lãng quên.
Tôi nghĩ chúng ta khá hơn thế hệ trước bởi chúng ta biết sự tồn tại của nỗi sợ hãi, và chúng ta biết rằng sự sợ hãi là không thật. Chúng ta cũng biết rằng dưới nỗi sợ đó là sự chọn lựa giữa đúng và sai. Đây giống như là một hạt giống có thể nở hoa trong tương lai để khôi phục lại bầu trời trong xanh cho các thế hệ tiếp theo”.
Rõ ràng, sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với người dân bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vẫn chưa bao giờ kết thúc, ngay cả khi Đại Cách mạng Văn hóa cùng “cha đẻ” của nó là Mao Trạch Đông đã tiêu vong từ năm 1976. Cho dù Trung Quốc bước vào thế kỷ 21 với vị thế của một cường quốc kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng hệ thống chính trị của quốc gia này vẫn duy trì sự độc tài vốn có: Kiểm soát khắp lãnh thổ bởi một bộ máy an ninh rải đầy đặc vụ, chỉ điểm và du côn trá hình. Bóng ma của những lời buộc tội, đấu tố, truy tố, chỉ điểm, khai báo… luôn bủa vây rình rập mọi tầng lớp trong xã hội và cho đến nay di sản của chủ nghĩa Mao vẫn còn “nguyên vẹn”. Chỉ là giới chóp bu cộng sản Trung Quốc sẽ “tái” sử dụng bất cứ khi nào thấy phù hợp, và Hồng Kông hiện nay là một ví dụ.
Bài viết của người mẹ trẻ đã bị gỡ bỏ bởi hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc. Tuy nhiên nó vẫn còn được lưu giữ trên các website hải ngoại. Những dòng chữ cảm khái của cô đã đánh trúng tâm lý người Trung Quốc: “Đây là đất nước của những kẻ hèn nhát. Những người dũng cảm dám nói phải trả giá. Có nhiều ví dụ, chẳng hạn như vụ tai nạn của Sun Zhigang. Các phóng viên đưa tin về vụ này đã phải trả giá bằng cả tương lai của họ và rồi họ đã bị chúng ta lãng quên.”
Trung Quốc thời xưa đã dệt nên biết bao câu chuyện về những người anh hùng nghĩa khí thì Trung Quốc ngày nay, bị kìm kẹp bởi sự sợ hãi đã trở thành “đất nước của những kẻ hèn nhát”. Tuy nhiên, tác giả cũng mang đến cho độc giả niềm tin le lói: “Tôi nghĩ chúng ta khá hơn thế hệ trước bởi chúng ta biết sự tồn tại của nỗi sợ hãi, và chúng ta biết rằng sự sợ hãi là không thật. Chúng ta cũng biết rằng dưới nỗi sợ đó là sự chọn lựa giữa đúng và sai. Đây giống như là một hạt giống có thể nở hoa trong tương lai để khôi phục lại bầu trời trong xanh cho các thế hệ tiếp theo”.
Im lặng trước cái Ác, đồng nghĩa với thế giới đã chết
Đàm Hách Thành – người đã phơi bày sự thật kinh hoàng về vụ thảm sát tại huyện Đạo tỉnh Hồ Nam và Cao Trí Thịnh – một trong số ít luật sư danh tiếng nhất của Trung Quốc thời mở cửa những năm cuối thế kỷ 20, vì lên tiếng và bảo vệ tới cùng những học viên Pháp Luân Công, đã phải chịu sự bức hại man rợ của chính quyền ĐCSTQ. Họ đã ghi tên mình vào sử sách như là những người dũng cảm của đất nước tỷ dân đã vượt qua sợ hãi để bảo vệ công lý
Cao Trí Thịnh sinh ra trong gia cảnh bần hàn ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Khi còn trẻ, anh phải lao động cơ cực trong một mỏ than, và vì không có tiền chi trả học phí, nên anh thường ngồi nghe giảng bên ngoài cửa sổ trường làng. Sau đó, một người họ hàng đã giúp anh theo học trung học, đủ điều kiện để gia nhập quân đội và trở thành đảng viên ĐCSTQ.
Năm 1991, anh ghi danh học một khóa học về luật và nhờ trí thông minh tuyệt vời, Cao Trí Thịnh đã vượt qua các kỳ thi một cách ngoạn mục vào năm 1995 với mong muốn “có thể góp phần cải biến xã hội Trung Quốc.” Anh bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Nghề nghiệp đã cho anh cơ hội đi khắp Trung Quốc và chứng kiến nhiều vụ án oan sai mà nạn nhân là những người dân nghèo khổ.
Với tấm lòng rộng lượng và cảm thông sâu sắc với tầng lớp “thấp cổ bé họng”, Cao Trí Thịnh đã đặt ra một quy tắc làm việc: Đó là dành ⅓ quỹ thời gian trong năm để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và những người bị áp bức. Sự tận tụy của anh trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được Bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp anh vào nhóm “10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc”. Khi đó, Cao Trí Thịnh mới 34 tuổi.
Năm 2004, luật sư Cao Trí Thịnh bắt đầu hỗ trợ pháp lý cho một học viên Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử tại tòa án. Chứng kiến một cộng đồng lớn những người tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn lại bị chính quyền ĐCSTQ vu khống, bức hại tàn bạo, Cao Trí Thịnh đã nỗ lực giải cứu học viên Pháp Luân Công bằng cách đưa vụ việc ra Tòa án. Nhưng mọi ngả đường để đưa ra ánh sáng Công lý đều bị chặn đứng.
Cuối năm 2005, Cao Trí Thịnh quyết định giải quyết vấn đề đặc biệt “nhạy cảm” này theo một cách cũng hết sức đặc biệt: Công bố thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Ngô Bang Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhằm làm rõ sự kháng cáo của anh bằng cách vạch trần sự tra tấn dã man của giới công quyền đối với học viên Pháp Luân Công.
Bức thư có đoạn:
“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài đến như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”.
Rất nhanh chóng, Cao Trí Thịnh nhận được “hồi đáp”: 24h/7 mật vụ giám sát quanh nhà riêng, Sở Tư pháp Bắc Kinh thu hồi giấy phép hành nghề và văn phòng luật sư của anh bị ép phải đóng cửa. Bất chấp mối đe dọa bị ám sát, hay các chiêu bài quấy rối gia đình…, luật sư Cao Trí Thịnh không chùn bước, vẫn tiếp tục đi thu thập thông tin ở những địa phương nơi học viên Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất.
Năm 2006, Cao Trí Thịnh gửi tiếp một bức thư trực tuyến nữa cho lãnh đạo Trung Quốc, công khai thông tin về Phòng 610 – Cơ quan mật vụ chuyên theo dõi và trấn áp học viên Pháp Luân Công. Tiếp theo, Cao Trí Thịnh xin rút tên khỏi danh sách đảng viên ĐCSTQ mà anh công khai chỉ trích là “tàn bạo, bất nhân”. Với những động thái quyết liệt ấy, Cao Trí Thịnh chính thức bị ĐCSTQ coi là “kẻ thù của chế độ”.
Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh bị nhóm an ninh bắt cóc, tra tấn và buộc anh phải ký nhận tội “kích động lật đổ chế độ”. Anh bị kết án 3 năm tù giam và 1 năm quản chế, nhưng không rõ lý do gì lại được tạm tha. Năm 2007, Cao Trí Thịnh gửi thư tới Nghị viện Hoa Kỳ, tố cáo ĐCSTQ là “phát xít” và yêu cầu xét xử những người đàn áp học viên Pháp Luân Công về “tội ác chống nhân loại”. Anh lập tức bị biệt giam từ tháng 9/2007.
Ngày 7/8/2014, Cao Trí Thịnh ra tù nhưng bị quản thúc tại tỉnh Thiểm Tây. Luật sư Cao Trí Thịnh đã phải trải qua 8 năm trong và ngoài nhà tù, nơi anh bị tra tấn theo cách thức giống hệt như các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng, bao gồm các hình thức đánh đập man rợ, sốc điện, châm tăm vào bộ phận sinh dục và không cho ngủ.
Tháng 11/2017, RFA công bố một đoạn ghi âm ngắn, trong đó Cao Trí Thịnh cho biết anh hiện đang bị nhốt trong một căn phòng mà cửa sổ bị sơn đen, bị giới hạn trong thứ “bóng tối vô tận”. Anh cũng mô tả tình trạng của bản thân còn tồi tệ hơn trong thời gian 3 năm tù giam tại nhà tù Shaya ở phía Tây Bắc tỉnh Tân Cương.
Ngày 13/8/2017, anh lại bị mất tích tại nơi ở và bặt vô âm tín cho tới nay. Cao Trí Thịnh đã trở thành biểu tượng cho CÔNG LÝ tại các tòa án Trung Quốc, khi anh kiên quyết bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và Kitô hữu. Anh được đề cử hai lần Giải Nobel Hòa Bình vào năm 2008 và 2010. Người ta đặt câu hỏi: Vì sao Cao Trí Thịnh, đang có vị trí được trọng vọng trong xã hội lại chọn cách dấn thân vào hoàn cảnh tồi tệ và làm nên những điều phi thường.
Pháp Luân Công là chủ đề vô cùng nhạy cảm tại Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công phải chịu sự tra tấn tàn độc của chính quyền Giang Trạch Dân mà không được quyền lên tiếng, và cũng không ai dám lên tiếng bênh vực trước sự đe dọa, sách nhiễu của chính quyền ĐCSTQ. Giới luật sư Trung Quốc khi đối mặt với áp lực từ bộ máy bạo lực, thù hằn của Giang Trạch Dân, hầu hết đều chọn cách né tránh. Số khác thậm chí còn tham gia hùa vào với “bạo chúa” vì lợi ích cá nhân. Nhưng có một nhóm luật sư chính nghĩa đã cất lên tiếng nói bênh vực những con người yếu thế. Tuần báo Le Nouvel Observateur đăng bài “Luật sư can đảm của Trung Quốc” có đoạn: “Cao Trí Thịnh là một trong những luật sư đầu tiên dám đứng ra bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Anh ấy đã phải trả giá đắt”.
Giữa sự giám sát gắt gao của mật vụ, Cao Trí Thịnh vẫn thể hiện chí khí không hề lay chuyển sau những trận tra tấn dã man tàn bạo trong một lá thư đề ngày 28/6/2016, được gửi đi từ làng quê nghèo hẻo lánh ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây:
“Im lặng trước cái Ác đồng nghĩa là một thế giới đã chết – nhưng đối với chế độ độc tài ngu ngốc, đó là một thế giới của giấc mơ… Lịch sử luôn ghi lại một cách trung thực và cần mẫn, cũng như cuối cùng nó luôn trừng phạt những kẻ bất lương… Nối dài danh sách các tội ác sau Thảm sát Thiên An Môn và cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công, những kẻ lạm dụng nhân quyền dã man này sẽ được đưa ra công lý, từng người một, trong các tòa án đặc biệt sau năm 2017”.
Anh Minh
Xem thêm: