Kể từ tháng Ba, Thâm Quyến và Thượng Hải, hai thành phố hạng nhất ở Trung Quốc, lần lượt phong tỏa do dịch bệnh. Giới kinh doanh cho rằng thiệt hại do đóng cửa hai thành phố này là mang tính thảm hoạ, ảnh hưởng đến hậu cần của chuỗi cung ứng, các chuyến hàng bị trì hoãn, chi phí sản xuất tăng cao, doanh nghiệp phải di dời và phá sản nghiêm trọng.
Hình ảnh cây cầu ở Phố Đông, Thượng Hải không một bóng người và xe cộ qua lại. (Ảnh: Getty)
Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông (Edward Huang) phân tích: “Nếu dịch bệnh ở Trung Quốc Đại Lục tiếp tục lây lan, dẫn đến ngày càng nhiều nơi đóng cửa, thậm chí thời gian phong tỏa thành phố ngày càng kéo dài thì sẽ tác động đến kinh tế Trung Quốc trong năm nay.”
Ông nói rằng phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ ám chỉ rằng có thể có khả năng giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ trong tương lai, điều này cho thấy, chính quyền ĐCSTQ đang bi quan về việc liệu có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay hay không.
Theo số liệu chính thức của ĐCSTQ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thượng Hải đã đứng đầu Trung Quốc trong nhiều năm liên tiếp. Xét về các quận, Tân khu Phố Đông có GDP cao nhất, GDP năm 2021 đạt khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ. Phố Đông đã trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này ở Thượng Hải. Theo dữ liệu chính thức, trong số 5.653 người bị nhiễm bệnh tại thành phố Thượng Hải vào ngày 30/3, có 40% đến từ Tân khu Phố Đông và nhiều tiểu khu đã bị đóng cửa trong hơn hai tuần.
Trần Đông (hóa danh), một người kinh doanh ở Thượng Hải, cho biết, “Tại tiểu khu của chúng tôi đã phong tỏa được 7 hoặc 8 ngày, có tiểu khu đã phong tỏa nửa tháng, và bây giờ là ngày 1/4 rồi nhưng vẫn phong tỏa. Tất cả đều không đi làm, hàng quán cũng đóng cửa, siêu thị cũng đóng, chợ cũng đóng, toàn bộ đều cũng đóng cửa hết.”
Trần Đông hiện sống ở Mân Hàng chia sẻ rằng anh lo lắng về sự lây lan của dịch bệnh trong thành phố. Quận Phố Đông, ban đầu được lên kế hoạch gỡ phong tỏa vào ngày 1/4, nhưng cuối cùng vẫn không gỡ được. “Chắc chắn là không gỡ phong tỏa được, và nó sẽ bị phong tỏa cùng với chỗ chúng tôi (Phố Tây), lời mà họ (quan chức) nói không chắc chắn”, Trần Đông nói. Tối ngày 30/3, chính quyền Thượng Hải tuyên bố “toàn bộ Thượng Hải quản lý trong trạng thái tĩnh”, ngày 5/4 liệu có gỡ phong tỏa hay không, thì cũng là ẩn số chưa rõ.
Khu tài chính kinh tế thương mại Lục Gia Chủy, nằm trong Tân khu Phố Đông và được ĐCSTQ chỉ định là “vành đai kinh tế chiến lược quốc gia“, là nơi đặt trụ sở chính ở Đông Á của nhiều ngân hàng đa quốc gia, trong một tuần qua đã hoàn toàn trong trạng thái “đứng im”. Nhiều khu dân cư ở gần đó, bao gồm Tân thôn Lao Sơn và Tân thôn Duy Phường cũng đang bùng phát dịch nghiêm trọng.
Các tháp phát thanh và truyền hình ở hai bên sông Hoàng Phố và các điểm thu hút khách du lịch của khu phố thương mại đường Nam Kinh cũng đã vắng bóng người. Trần Đông nói: “Xe buýt và tàu điện ngầm ở Thượng Hải đều ngừng hoạt động. Phố Đông và Phố Tây đều bị đóng cửa, thiệt hại ít nhất là hàng chục tỷ nhân dân tệ, tổn thất này mang tính thảm họa và rất lớn!”
Nếu tính tổng GDP của Thượng Hải năm 2021 là 4.321,485 tỷ nhân dân tệ, thì một ngày đóng cửa sẽ tổn thất khoảng 11,834 tỷ nhân dân tệ, và một tuần đóng cửa sẽ tổn thất khoảng 83 tỷ nhân dân tệ.
Ông Hoàng Thế Thông nói: “Thượng Hải là một huyết mạch kinh tế rất quan trọng ở Trung Quốc. Toàn bộ trung tâm tài chính của Trung Quốc đều nằm ở Thượng Hải, đồng thời đây cũng là trung tâm xuất khẩu hàng hóa quan trọng dọc theo sông Dương Tử. Một khi phong tỏa thành phố, thì việc ra vào Cảng Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng, và dịch vụ hậu cần của toàn bộ ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.”
Mặc dù chính quyền tuyên bố rằng hoạt động của cảng nước sâu Dương Sơn Thượng Hải và khu vực cảng Cầu Ngoại Cao sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng theo Caixin đưa tin, do khu vực cảng đã thắt chặt các yêu cầu xét nghiệm axit nucleic, các tài xế lo lắng sẽ bị cưỡng chế cách ly nên đã từ chối rời Thượng Hải. Các công ty vận tải biển cho biết “hoạt động thực tế đã ở trạng thái tê liệt”. Một số tàu hàng đã chọn chuyển đến Ninh Ba. Hiện tại, tàu hàng đang neo ở ngoài cảng Thượng Hải và Ninh Ba đã tăng từ 120 lên 168 tàu trong vài ngày.
Cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Getty)
Thâm Quyến, thành phố lớn thứ tư của Trung Quốc, cũng trải qua một tuần phong tỏa từ ngày 14/3 đến ngày 20/3. Sau khi phong tỏa được dỡ bỏ, trong hai ngày qua, một số khu vực bao gồm phố Liên Đường ở quận La Hồ, phố Long Hoa ở quận Long Hoa và phố Sa Đầu ở quận Phúc Điền đã bị đưa vào trong phạm vi phong tỏa kiểm soát do lại xuất hiện ca nhiễm.
Ông Lý Hằng (hóa danh), chủ sở hữu của một công ty liên doanh ở miền nam Trung Quốc có hoạt động tại Thâm Quyến, nói với Epoch Times rằng các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh tác động rất lớn đến ngành công nghệ, “phần lớn ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo chip tập trung ở Thâm Quyến, và do Thâm Quyến bị phong tỏa trong thời gian dài, việc sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử công nghệ cao liên quan đến chip bị ảnh hưởng. Chu kỳ sản xuất bình thường bị chậm trễ không thể tiến hành được.”
Ông lấy ví dụ, công ty gần đây có lô hàng điện tử xuất khẩu sang quốc gia khác, nhưng do thiếu chip nên đơn hàng ban đầu có thể lắp ráp trong vòng 1 tháng, nay phải chờ 6 tháng mới có hàng. Đặc biệt do ảnh hưởng của đợt dịch ở Hồng Kông gần đây, “hậu cần (logistics) thường xuất hiện các vấn đề, một số chip phải được vận chuyển từ Hồng Kông trước khi chúng có thể được lắp ráp và hiện tại việc giao hàng đã bị trì hoãn.”
Ngoài ngành công nghiệp điện tử, Thâm Quyến cũng là nơi lắp ráp và sản xuất của những ngành mang tính tổng hợp như ngành sản xuất truyền thống, sản phẩm tiêu dùng, ông Lý Hằng cho biết, các biện pháp phong tỏa “ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian giao hàng của hàng hóa toàn cầu, do biến động tỷ giá hối đoái và việc kéo dài chu kỳ sản xuất, dẫn đến chi phí của các doanh nghiệp tăng vọt.”
Ông nói rằng điểm liên kết quan trọng bị ảnh hưởng bởi làn sóng là “hậu cần” (logistics): “Dịch bệnh đã gây khó khăn rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa lên xuống các kênh của nhà máy Thâm Quyến, thậm chí cả nguồn cung cấp thực phẩm, và các sản phẩm từ Hồng Kông vào Đại Lục lắp ráp và phân phối, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hậu cần.”
Ông Lý Hằng cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán đến nay đã 2 năm, ít nhất 50.000 doanh nghiệp trong ngành sản xuất ở Thâm Quyến đã rời đi, bao gồm cả chính sách bảo vệ môi trường trước đây đã đuổi một lô các doanh nghiệp đi. “Hiện giờ, đối với doanh nghiệp Thâm Quyến mà nói, rủi ro lớn nhất không thể kiểm soát được chính là chính sách phong tỏa. Sau một tháng phong tỏa, mức lương cơ bản và quyền lợi của người lao động vẫn phải trả, lại còn phải bố trí ăn ở. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ với 50 nhân viên sẽ phải trả hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu nhân dân tệ, đây là một mức giá rất cao.”
Ông nói: “Ngày càng có nhiều công ty phá sản. Nhiều bạn bè xung quanh tôi đều lắc đầu nói: Không muốn làm ở Thâm Quyến nữa, muốn về quê làm.”
Ngày 28/3, Văn phòng Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước ĐCSTQ đưa ra biện pháp “Một số hộ kinh doanh ở các khu vực có mức độ rủi ro trung bình và cao có thể được giảm hoặc miễn tiền thuê nhà trong nửa năm”.
Trần Đông cho biết: “Biện pháp này dành cho những cửa hàng thuê nhà của nhà nước, thì mới có thể cho miễn hoặc giảm nửa năm tiền thuê nhà, nhưng một số cửa hàng bên đường thuê nhà của người dân bình thường sẽ không được giảm một xu”. Phong tỏa thành phố gây ra tổn thất, chính phủ sẽ không màng tới chuyện này, truyền thông đưa tin một số hoạt động đưa đồ ăn, hoặc giúp đỡ người già, “trong video tôi thấy có rất nhiều là được sắp đặt sẵn để quay.”
Cô Tăng, một đại lý bán nhà ở Phố Đông, Thượng Hải, nói với phóng viên rằng công việc của cô đã được chuyển thành làm tại nhà, nhưng cô thực sự không thể làm gì được. Cô nói: “Hiện tại không có việc kinh doanh gì, chắc là bị ảnh hưởng, đã một tháng rồi, đến tháng sau (tháng Tư) lại bắt đầu như thế. Giá cả ở Thượng Hải bây giờ quá đắt, những người nhập cư ở nơi khác đến Thượng Hải như chúng tôi, tiền mua nhà trả góp, tiền thuê nhà, tiền thực phẩm và sinh hoạt làm sao mà đủ khi không có việc làm? Không thể sống nổi.”
Ông Lý Hằng nói, ở Thâm Quyến, một số người nước ngoài không có chỗ ở, đã bị phong tỏa tới một tháng, không có tiền trả tiền thuê nhà hay mua đồ ăn, còn có tin đồn rằng có người chết đói. Phong tỏa thành phố vì dịch bệnh khiến cho đời sống của những người dân ở tầng thấp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài Thượng Hải và Thâm Quyến, các biện pháp phong tỏa đang lan rộng ở nhiều thành phố cấp hai, ba và bốn ở Trung Quốc. Tại một số thành phố chưa có báo cáo về ca bệnh, chẳng hạn như thành phố Bi Châu, tỉnh Giang Tô, ông Cốc, một người dân sống ở thành phố này, chia sẻ với Epoch Times rằng địa phương ông đã bị phong tỏa, không ai được ra vào tiểu khu, và thực hiện xét nghiệm axit nucleic trong liên tiếp 2 ngày. Người dân ở Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây cũng tiết lộ đã bị phong tỏa rất lâu, và làm 7 lần xét nghiệm axit nucleic đến khi không một ca nhiễm nào được báo cáo, thì mới bắt đầu gỡ phong tỏa.
Ông Hoàng Thế Thông nói rằng năm nay, các nơi ở Trung Quốc liên tiếp phong tỏa thành phố, điều này đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền đưa ra các biện pháp miễn giảm thuế, nhưng e là ‘như muối bỏ bể’, “chính quyền cũng không chắc chắn có thể kiểm soát được dịch bệnh, họ lo lắng do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế năm nay”.
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.
Một nghiên cứu tại Anh đã theo dõi 324 cặp song sinh nữ trong suốt…