Oscar 2017, người ta nhắc nhiều đến La La Land, bộ phim mang âm hưởng nhạc kịch lãng mạn khiến sân khấu Academy Awards dậy sóng. Oscar năm nay, người ta nhắc đến Coco, một bộ phim hoạt hình phiêu lưu giả tưởng đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người xem. La La Land và Coco đều nói về đam mê và danh vọng, và đều rất thành công – nhưng theo hai cách hoàn toàn khác…
La La Land hay “Những kẻ khờ mộng mơ” là bộ phim kể về câu chuyện giữa Sebastian, một anh chàng nhạc công ngớ ngẩn muốn phục hưng nhạc Jazz, và Mia, nữ diễn viên đang vật lộn trên con đường tìm kiếm danh vọng. Họ đến với nhau trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ, và cổ vũ nhau để đạt được điều đó. Họ “nguyện” sẽ yêu nhau trọn đời, nhưng vẫn “cam kết” sẽ theo đuổi giấc mơ của bản thân. Tất nhiên, đặt lên trên hết vẫn là một câu hát vang lên giữa lòng Hollywood:
City of stars
Are you shining just for me?
Thành phố của những ngôi sao
Phải chăng bạn đang chiếu sáng chỉ vì tôi?
La La Land xuất hiện trong ánh hào quang của giới truyền thông chủ lưu, với nhiều “đánh giá 5 sao” của các nhà phê bình. Và số tiền bán vé thu về đã gấp hơn 10 lần ngân sách (30 triệu USD) bỏ ra để làm phim. Kỷ lục của La La Land “sơ sơ” là 7 giải Quả cầu Vàng, 5 giải Bafta, và 14 hạng mục Oscar được đề cử. Dù cuối cùng nó không nhận được giải phim hay nhất, nhưng không ai có thể phủ nhận được việc La La Land là tâm điểm của Oscar 2017.
Điều thú vị về La La Land là ở chỗ: Nếu Sebastian sống ngoài đời thật, thì hẳn anh ta sẽ là người đầu tiên buộc tội La La Land vì đã làm mai một ánh hào quang của nhạc kịch chính thống. Còn nếu Mia không phải là hư cấu, thì cô hẳn sẽ khẳng định rằng, La La Land là một bộ phim dành cho những kẻ ít am hiểu về nhạc kịch.
Sự ích kỷ quá lớn của các nhân vật trong phim cũng khiến khán giả không khỏi suy ngẫm. Khi Sebastian đến nhà đón Mia, anh bấm còi xe inh ỏi thay vì bấm chuông, mặc kệ hàng xóm bị phiền lòng, bởi vì Sebastian mới là cái rốn của vũ trụ. Khi Mia tìm kiếm Sebastian trong rạp chiếu phim, cô đã đứng chắn ngay trước màn hình, bởi vì Mia mới là quan trọng nhất chứ không phải những khán giả đang ngồi trước mặt cô.
Người ta nói La La Land ít tính nhân văn vì Seb và Mia đều chạy theo danh vọng và mang hoài bão quá lớn chứng tỏ cái tôi của mình. Nhưng La La Land vẫn được đại chúng đón nhận và đồng cảm, có lẽ là bởi vì bộ phim phản ánh rất thật “căn bệnh” ích kỷ của chính chúng ta,trong bối cảnh nền văn minh tinh thần của nhân loại đang tụt dốc.
Cũng bàn đến đam mê và hoài bão, nhưng Coco – phim hoạt hình của Pixar được chờ đón nhất năm 2017 – lại có một hướng tiếp cận hoàn toàn khác. Bộ phim xoay quanh Miguel, một cậu bé yêu âm nhạc sinh ra trong gia đình có truyền thống đóng giày. Bất hạnh của Miguel là ở chỗ, cụ tổ của cậu đã vì tình yêu âm nhạc mà rời xa vợ con, không bao giờ quay trở lại. Chính vì thế, gia đình Miguel luôn căm ghét âm nhạc dù sống tại Mexico – mảnh đất của âm nhạc đường phố.
Miguel thần tượng Ernesto de la Cruz, một huyền thoại âm nhạc Mexico với câu nói có cánh: “Nghe theo tiếng gọi trái tim và nắm giữ khoảnh khắc của đời mình”. Chính câu nói ấy đã khiến Miguel liều lĩnh lẻn vào ngôi mộ của Ernesto trong “ngày của người đã khuất” để đánh cắp cây đàn của ông, nhằm tham gia cuộc thi âm nhạc bất chấp sự cấm đoán của gia đình. Vô tình, Miguel nhận phải một lời nguyền và bị đưa đến vùng đất của người chết. Cậu được cho biết rằng, nếu không kịp thời trở về trước bình minh của ngày mới, cậu sẽ thực sự chết hẳn. Vậy là Miguel bị cuốn vào một cuộc hành trình đầy căng thẳng, khám phá ra bí mật của gia đình, bí mật của cụ tổ, cũng như mặt hắc ám của thần tượng Ernesto.
Trong cuộc hành trình ấy, Coco đã thầm gợi mở cho người xem nỗi trăn trở về một thế giới nghệ thuật hiện đại đầy méo mó. Hình ảnh Ernesto de la Cruz ích kỷ, háo danh, tàn nhẫn và hào nhoáng bề ngoài, cùng màn trình diễn đầy ma quái trên sân khấu trước khi huyền thoại âm nhạc Mexico bước ra, đã mô tả vô cùng chính xác về nền nghệ thuật hiện đại. Ở cuộc sống thực tại này, khi mà những hộp phân nghệ sĩ Merda d’Artista của Piero Manzoni được bán với giá 182.500£, khi mà tác phẩm tranh trừu tượng Số 5 của cậu bé Jackson Pollock dùng màu rắc lộn xộn được bán với “giá trên trời” 140 triệu USD, khi mà triển lãm của một nữ giáo sư khỏa thân lấy phân động vật bôi khắp người xuất hiện trên một tờ báo danh tiếng, khi các nghệ sĩ truy cầu giải phóng bản thân – phóng túng cá nhân, thì thế giới nghệ thuật chỉ còn là một cái vỏ ích kỷ, trống rỗng, vô hồn.
Nhưng Coco không phải là một bộ phim tràn ngập những mặt tối. Vượt trên sự ích kỷ, vượt trên những bộ xương biết đi, vượt trên những âm mưu và lừa dối, là một thông điệp ấm áp về tình yêu và gia đình. Kết phim, Miguel đã hiểu rằng nghệ thuật không phải là sự đam mê ích kỷ, mà là cống hiến cho người khác những khoảnh khắc tuyệt vời. Cậu bé đã hiểu rằng nghệ thuật chỉ đẹp trong sự bao dung và tình yêu thương. Quả là Coco đã bốc đúng “thuốc” cho nền nghệ thuật của thế giới!
Liệu rằng quan niệm về cái đẹp của nhân loại có thể thoát ra khỏi cái vỏ trống rỗng hiện nay, để trở về với sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ? Câu trả lời hẳn là nằm ở những giọt nước mắt mà Coco mang đến cho người xem. Đã lâu lắm rồi mới có một bộ phim chiếu rạp làm được điều ấy.