Thế giới này đầy đau khổ; không phải bởi kẻ xấu hành ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt – Napoleon Bonaparte
Đêm ngày 13/5, hai hiệp sĩ trong đội bắt cướp tại Sài Gòn bị những tên trộm xe phản kháng đâm chết. Trong khi cả xã hội tiếp tục bàng hoàng khi chứng kiến sự ác độc và vô nhân tính cùng cực của thế giới tội phạm tại TP.HCM, những vấn đề về luật pháp và mức độ tham gia của công dân lại tiếp tục được đặt ra. Một xã hội tốt phải chăng là một xã hội được vận hành bởi pháp luật chứ không phải bằng nghĩa hiệp?
Sài Thành là đầu tầu kinh tế của cả nước. Gọi là đầu tầu không chỉ vì nó đi trước, mà bởi nó phải gánh trách nhiệm kéo toàn bộ các tỉnh thành khác đi theo, bởi sự đóng góp nhiều nhất vào ngân sách. Kinh tế Sài Gòn thừa hưởng một lịch sử thị trường tự do mà cũng năng động và phát triển hơn hẳn các tỉnh thành khác. Do vậy, số lượng tội phạm dạt về đây hoành hành cũng đông hơn. Hằng năm, thuận theo các báo cáo kinh tế khả quan, cùng tỷ lệ đóng góp ngân sách quốc gia ngày càng cao của TP. HCM, tình hình tội phạm ở đây ngày càng ngang ngược, trắng trợn hơn. Người ta giờ đã chẳng lạ với những dòng tít “chặt tay cướp điện thoại”, “dàn cảnh cướp xe”, “giết người cướp của” với tần suất ngày càng dày đặc trên mặt báo. Thế giới tội phạm ở TP. HCM còn thành công trong việc gieo vào đầu người dân sự khiếp sợ về những câu chuyện trả thù man rợ sau khi giúp người bắt trộm cướp. Dân cứ im lặng cúi đầu khi nhìn người khác bị cướp, công an cũng ngoảnh mặt vì “đây không phải địa phận quản lý của tôi”, và vì thế đạo tặc được nước hoành hành.
Trong hoàn cảnh đó, một lực lượng tự phát gọi là Hiệp Sĩ sinh ra. Những hiệp sĩ này, ngoài cái biệt hiệu cao quý, họ nhìn không khác những người lao động chân tay bình thường – những anh cửu vạn hay bác xe ôm. Họ không có công cụ đầy đủ để bảo vệ bản thân, không có áo giáp, không áo chống đạn, không còng tay – bởi những dụng cụ này quá khả năng chi trả của những anh em vốn hầu hết xuất thân từ lao động bình dân. Những người được người dân yêu mến gọi là Lục Vân Tiên thời hiện đại này, có thể vì “cái máu hiệp sĩ” trong người, vì sự bức xúc không thể ngồi yên khi nhìn thấy cái ác hoành hành, hay đơn giản chỉ vì thích phiêu lưu hành hiệp, đã lựa chọn đứng chắn giữa tội phạm và những người dân thường bất lực. Họ không mong chờ sự công nhận truy phong của nhà nước hay sự cảm kích của người được họ giúp. Chỉ riêng điều này đã khiến họ xứng đáng được ca ngợi là những người hùng của xã hội.
Người Mỹ có câu sự tốt đẹp nhất của linh hồn con người là việc sẵn sàng từ bỏ sinh mạng của mình vì người khác. Nước Mỹ đã hy sinh các thanh niên trai tráng của họ tại Châu Âu trong Thế chiến II, bảo vệ Hàn Quốc trước cuộc xâm lăng của Bắc Triều Tiên và tại chảo lửa Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố. Ở một phạm vi nhỏ hơn, chúng ta có thể tự hào về những “hiệp sĩ” tại Sài Gòn, Bình Dương hay các bạn trẻ trong nhóm chống đinh tặc tại Đồng Nai, những người tuy nhỏ bé và vô danh nhưng hằng ngày cũng sống đúng với tinh thần đó. Sự hy sinh của họ trong khi bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác là một điều cao thượng, và xứng đáng phải được tôn vinh trong một xã hội trọng thiện và lành mạnh.
Điều đầu tiên cần thừa nhận rằng, các hiệp sĩ đã lựa chọn lẽ sống của họ là đối đầu với nguy hiểm. Giống như cảnh sát lúc nào cũng có khả năng bị tội phạm bắn chết, bác sĩ cấp cứu có khả năng bị phơi nhiễm bệnh từ bệnh nhân, chừng nào họ còn đội chiếc mũ hiệp sĩ, họ còn chấp nhận nguy cơ bị mất đi sinh mạng. Sự việc đêm 13/5 là một việc đau lòng, nhưng không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Sự hình thành tự phát của nhóm hiệp sĩ, với mục đích rõ ràng và chức năng hoạt động tách biệt khỏi chính phủ chính là tạo hình cơ bản của một xã hội dân sự vốn là nòng cốt của một xã hội tốt đẹp và lành mạnh. Xã hội dân sự là nơi những con người tự phát tụ hợp cùng nhau, cùng hành động vì mục đích cao đẹp hơn là sự sung túc và khỏe mạnh cho cá nhân. Các hội từ thiện, hội nghề nghiệp không có liên đới với chính quyền, nhà thờ, nhà chùa là các ví dụ đơn giản nhất về xã hội dân sự.
Pháp luật không phải là chìa khóa vạn năng, nó được tạo ra chỉ để được sử dụng khi la bàn đạo đức của con người thất bại. Pháp luật cũng không được thiết kế để biến con người thành tốt hơn, và nó không thể làm được như vậy, nó chỉ là công cụ để trừng phạt kẻ xấu.
Cũng giống như thực thể thực thi nó là chính phủ, pháp luật cũng là con dao hai lưỡi khi mà càng bành trướng, sự tự do của cá nhân càng bị hạn chế. Đã quá nhiều bài học trong lịch sử và cả hiện tại khi mà những người lãnh đạo chính phủ đã tiến đến độc tài bằng chiêu bài sử dụng rất nhiều luật lệ với danh nghĩa đảm bảo sự an toàn và ổn định của xã hội. Sự áp dụng rập khuôn của pháp luật mà không tồn tại ước chế của đạo đức cũng tạo ra những người công an ngoảnh mặt trước cái ác với lý do đúng quy trình: “đây không phải địa bàn quản lý của tôi”.
Tại Mỹ có hai trường phái chính trị đối nghịch nhau, một cho rằng chính phủ cần lớn và pháp luật cần nhiều để đảm bảo công bằng xã hội. Chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc phân phối của cải, thu thuế cao hơn để làm công tác phúc lợi xã hội, chăm lo đầy đủ cho người nghèo, người thất nghiệp và người già và bệnh nhân – họ được gọi là những người theo cánh tả, cấp tiến. Trường phái còn lại, những người bảo thủ, cánh hữu yêu cầu đặt chính phủ trong một hạn chế tối thiểu, tức là giới hạn trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước chống ngoại bang, bắt giữ tội phạm đảm bảo an toàn xã hội. Những nhiệm vụ còn lại là do các tổ chức dân sự gánh vác: người hoạn nạn có thể tới nhà thờ nương nhờ, người đói khổ có thể tới các tổ chức từ thiện nhờ trợ giúp. Chính phủ chỉ ra tay khi cần đến phương sách cuối cùng, tức là khi xảy ra thiên tai nhân họa, khi các tổ chức xã hội dân sự khác không có tác dụng.
Con người trở nên tốt đẹp hơn khi tự mình làm điều tốt cho người khác. Những khảo sát cũng chỉ ra rằng những người cánh tả yêu cầu tăng thuế và tăng sự bành trướng của chính phủ bỏ tiền túi ra làm từ thiện ít hơn nhiều những người ở trường phái bên kia. Những người cánh tả đó được gọi là người thích làm từ thiện bằng tiền của người khác. Khi luật lệ gia tăng, những người này có thể ngoảnh mặt trước những đồng bào đói khổ của mình mà tự vỗ về lương tri rằng: “Tôi đã nộp thuế rồi, tôi đã làm phần trách nhiệm của mình, đã có chính phủ lo”.
Hai hiệp sĩ đã chết, có người nói những người còn lại nên giải tán vì sự vận hành của xã hội phải là bằng pháp luật chứ không phải nghĩa khí. Nhưng rõ ràng ở xứ Sài Thành hoa lệ này, pháp luật và lực lượng an ninh đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản nhất là giữ an toàn cho người dân lương thiện. Đả kích lòng tốt của một nhóm người sẵn sàng lao vào nguy hiểm cứu giúp người khác không làm cho tội phạm ở thành phố này bớt hung hăng hơn, mà chỉ làm thỏa mãn cái tôi tính ích kỷ hẹp hòi của những người vốn đã quen hèn nhát trước cái ác, lại còn muốn người khác cũng đớn hèn như mình. Không phải ai cũng có thể làm hiệp sĩ bắt cướp, cũng giống như không phải ai cũng có thể làm cảnh sát hay bác sĩ, nhưng cái mà chúng ta có thể làm, ít nhất là không im lặng.
Trả lời câu hỏi đầu tiên, khi nào xã hội chết, nhà vua Pháp nổi tiếng Napoleon có câu: “Thế giới này đầy đau khổ; không phải bởi kẻ xấu hành ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt”, lương tri của chúng ta bắt đầu chết khi mà những người tự nhận mình là tốt ngoảnh mặt làm ngơ trước đau khổ của đồng loại, còn xã hội của ta có lẽ sẽ bắt đầu chết khi mà những hiệp sĩ từ bỏ lòng hào hiệp, buông xuôi công lý của mình để tham gia cùng đám đông im lặng trước cái ác hoành hành.
Trọng Đạt
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…