Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trumptham dự Hội nghị G20 tại Hamburg, Đức. (Ảnh: PATRIK STOLLARZ/AFP/ Getty Images)
Trong bối cảnh tình hình eo biển Đài Loan gia tăng căng thẳng, ngày 8/7, CNN đã phát sóng một đoạn ghi âm, trong đó ông Trump tại một buổi tiệc gây quỹ vào năm ngoái từng cảnh báo riêng ông Tập Cận Bình không được xâm lược Đài Loan.
Ông Trump nói: “Tôi đã nói với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một câu như vậy. Tôi nói, nếu các ông động đến Đài Loan, tôi sẽ oanh tạc Bắc Kinh tan tành. Ông ấy nghĩ tôi điên rồi, nói ‘ông muốn ném bom Bắc Kinh à?’ Tôi nói, tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi gặp rắc rối rồi, chúng tôi sẽ oanh tạc Bắc Kinh.” Ông Trump mô tả rằng lúc đó ông Tập Cận Bình không hoàn toàn tin lời ông, “ông ta có lẽ chỉ tin 10% khả năng, nhưng 10% đó đã là đủ rồi. Trên thực tế, 5% khả năng cũng đủ để khiến họ e dè.”
Mọi người đều biết, trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden từng 5 lần tuyên bố không loại trừ việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan, tuyên bố của ông rất hiếm thấy trong nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ, nhưng dường như không có hiệu quả rõ rệt, áp lực quân sự của ĐCSTQ đối với Đài Loan vẫn tiếp tục leo thang, thậm chí các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan đã trở thành thường lệ. Đồng thời, cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan năm 2021 và việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 đều khiến năng lực răn đe chiến lược của Mỹ bị suy yếu nghiêm trọng.
Theo ông Trump, điều này không phải vì sức mạnh quốc gia của Mỹ có vấn đề. Ví dụ, ông Trump luôn khẳng định rằng ông Putin không dám xâm lược Ukraine khi ông còn tại vị. Trong đoạn ghi âm nói trên cũng tiết lộ ông Trump nói “Tôi đã có một cuộc nói chuyện rất cứng rắn với Tổng thống Putin, ông ấy hiểu. Tôi không định tiết lộ chi tiết cuộc trò chuyện, vì không ai cần biết những chi tiết đó. Nhưng tôi có thể nói mọi người, việc này (tấn công Ukraine) tuyệt đối sẽ không xảy ra. Tôi không muốn nói nhiều, nhưng họ có sợ tôi không? Tôi đoán là có.”
Tuy lịch sử không thể giả định, chúng ta không thể khẳng định rằng nếu Trump tái đắc cử tổng thống vào năm 2021 thì chiến tranh Nga-Ukraine chắc chắn sẽ không bùng nổ; tuy nhiên, phong cách cứng rắn, hành động không theo lẽ thường, và những quyết định khó đoán của ông đã gia tăng sức mạnh răn đe của ông, khiến ông Putin phải cẩn trọng hơn rất nhiều.
Ví dụ, sau khi Nga thôn tính Crimea chớp nhoáng năm 2014, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa từng ngừng lại. Lúc đó chính quyền Obama cũng ủng hộ Ukraine, nhưng mức độ rất hạn chế, “Poroshenko cầu xin Obama vũ khí, nhưng chỉ nhận được chăn.” Sau khi ông Trump lên nắm quyền thì khác hẳn, ông phê chuẩn bán vũ khí sát thương cho Ukraine, bao gồm vũ khí chống tăng Javelin. Hơn nữa, ông Putin và ông Trump có nhiều lần tiếp xúc trực tiếp, ảnh hưởng của ông Trump trong các tương tác cá nhân với ông Putin cũng không nên coi nhẹ.
Nói đến ông Biden, mặc dù trước khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, tình báo Mỹ đã phán đoán chính xác rằng Nga sẽ tấn công Ukraine, và ông Biden cũng nhiều lần nói với ông Putin rằng nếu xâm lược Ukraine, các nước phương Tây sẽ có hành động phản ứng kiên quyết và nhanh chóng, gây đau đớn trên diện rộng cho Nga, đồng thời làm suy yếu vị thế của họ trên toàn cầu; tuy nhiên, mặt khác, ông Biden lại nhiều lần nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ hiện tại và tương lai sẽ không tham chiến tại Ukraine để đối đầu với quân đội Nga. Có lẽ ông Biden muốn thể hiện sự chân thành, nhưng từ góc độ răn đe, khi chiến tranh chưa xảy ra đã để lộ quân bài chủ chốt, thì làm sao có thể hiệu quả trong việc ngăn chặn chiến tranh?
Dù so với ông Obama hay ông Biden, sự khó lường của ông Trump quả thực đã tăng cường đáng kể hiệu quả răn đe.
Mọi người đều biết, răn đe không phải là hư trương thanh thế, mà là dựa trên thực lực, ý chí kiên cường, khiến người khác không thể nghi ngờ. Về điểm này, ông Trump hiểu rõ và đã vận dụng trong chính sách của mình.
Ngay trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đảo ngược chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng của chính quyền ông Obama, chú trọng xây dựng quân đội mạnh nhất để răn đe đối thủ. Trong nhiệm kỳ thứ hai, khi chính phủ liên bang bận “giảm cân”, ông Trump lại đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng năm tài chính 2026 thêm 13%, lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD, chiếm khoảng 3,5% GDP. Khoản chi tiêu quốc phòng khổng lồ chưa từng có này hỗ trợ quân đội Mỹ đồng thời thúc đẩy nhiều dự án nâng cấp vũ khí, bao gồm xây dựng tàu chiến chủ lực thế hệ mới, mua tiêm kích thế hệ thứ sáu F-47, hiện đại hóa toàn bộ lực lượng tấn công hạt nhân “bộ ba”, và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa thế hệ tiếp theo “Vòm vàng” v.v. Tư thế quân bị mạnh mẽ như vậy tạo thế áp đảo ngay từ đầu, khiến ĐCSTQ không dám dễ dàng bước vào cuộc chạy đua vũ trang toàn diện với Mỹ.
Đồng thời, ông Trump cũng thúc giục các đồng minh chia sẻ trách nhiệm, tăng chi tiêu quốc phòng, và đã đạt được tiến triển đáng kể. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở The Hague vào tháng Sáu, các quốc gia thành viên cam kết trong vòng 10 năm tới sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP (hiện tại khoảng 2%), trong đó mỗi năm ít nhất 3,5% dùng cho chi tiêu quốc phòng cốt lõi, 1,5% dành cho bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu, an ninh mạng và tăng cường nền tảng công nghiệp quốc phòng.
Bước tiếp theo, phía Mỹ sẽ thúc đẩy các đồng minh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tăng ngân sách quốc phòng. Trong số các đồng minh chính tại châu Á – Thái Bình Dương, chi tiêu quốc phòng của Úc chỉ cao hơn chút ít so với 2% GDP; của Nhật Bản là 1,8% trong năm nay, dự kiến đến năm 2027 sẽ tăng lên 2%; Hàn Quốc năm nay là 2,32%. Ngày 26/6, người phát ngôn Nhà Trắng Lavett nói: “Nếu các đồng minh ở châu Âu và NATO có thể làm được, tôi tin rằng các đồng minh và bạn bè của chúng ta ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có thể làm được”, và nói rằng các cuộc thảo luận cụ thể liên quan sẽ do Tổng thống Trump đích thân giải thích. Điều này sẽ tạo áp lực trực tiếp đối với ĐCSTQ, tái định hình môi trường chiến lược quân sự của họ.
Nếu nói những điều trên thuộc về biểu hiện của thực lực, thì ngày 22/6, Không quân và Hải quân Hoa Kỳ bất ngờ tấn công 3 cơ sở hạt nhân của Iran, chính là biểu hiện của ý chí Trump – vận dụng ý chí thông qua sức mạnh quân sự – điều này đã đánh trúng dây thần kinh nhạy cảm của ĐCSTQ.
Thực ra, ngay trong nhiệm kỳ đầu, trong tương tác với ông Tập Cận Bình, ông Trump đã thể hiện rõ ý chí của mình. Tháng 4/2017, khi ông Trump mới nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để gặp mặt. Trong bữa tiệc quốc yến giữa hai người, ông Trump nghiêng người nói với ông Tập: Chúng tôi vừa ném bom và phá hủy sân bay của Syria, các sân bay đó được dùng để tiến hành tấn công hóa học vào người dân Syria. Đây là lằn ranh đỏ của chúng tôi. Họ vượt qua rồi, chúng tôi phá hủy họ. Ông Tập Cận Bình nhìn ông Trump nói: Nói lại lần nữa?! Ông Trump lặp lại một lần nữa, sau đó phiên dịch lại lặp lại một lần nữa. Sau đó ông Tập Cận Bình lại nói: Nói lại lần nữa?! Khi đó ông Trump mời ông ăn bánh sô-cô-la. Ông Trump nói bữa tối của họ rất tuyệt vời.
Kết hợp những điều nêu trên, khi nhìn lại lời ông Trump nói với ông Tập Cận Bình rằng “nếu các ông động đến Đài Loan, tôi sẽ ném bom Bắc Kinh tan tành”, thì không còn cảm thấy đột ngột và khó tin nữa, mà thấy điều đó phù hợp với phong cách của Trump – không phải bịa ra một câu chuyện, mà là một đòn tấn công tâm lý của ông nhắm vào ông Tập Cận Bình.
Ngăn chặn ĐCSTQ phát động chiến tranh tại eo biển Đài Loan là một trong những thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Kế sách hàng đầu của ông là “thượng binh phạt mưu” và “bất chiến tự khuất nhân chi binh”, tức là thành công vận dụng chiến lược răn đe. Trong bài phát biểu nhậm chức lần hai, ông Trump nói: “Cũng như năm 2017, chúng tôi sẽ một lần nữa xây dựng quân đội mạnh nhất thế giới. Tiêu chuẩn để chúng tôi đánh giá thành công không chỉ là những cuộc chiến chúng tôi giành được, mà còn là những cuộc chiến chúng tôi kết thúc, và có lẽ quan trọng nhất là: những cuộc chiến chúng tôi chưa từng bị cuốn vào” – chính là tư duy đó.
CNN phát sóng đoạn ghi âm ông Trump trong buổi tiệc gây quỹ năm ngoái từng cảnh báo riêng ông Tập Cận Bình không được xâm lược Đài Loan, có lẽ chỉ là một hành động đưa tin; nhưng đối với ĐCSTQ, đây lại là lời cảnh báo nghiêm khắc nhất.
Một phong trào tại Iran “Giao Ước Máu” tuyên bố đã quyên góp được hơn…
Hôm thứ Hai (14/7), phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mở…
Ông Trump cho biết, ông thường xuyên nói chuyện với nhà lãnh đạo Điện Kremlin…
TP. Hà Nội đang nghiên cứu hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng…
Nếu bạn đã từng kết thúc một ngày dài với cảm giác như đôi vai…
Từ ngày 18/12/2025, Hà Nội dự kiến sử dụng hệ thống camera AI để điều…