“Khi bạn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật với năng lượng Thần Thánh, nội tâm bạn sẽ trở nên an hoà, và tâm hồn bạn cũng không ngừng tu sửa lại theo những giá trị cao thượng hơn. Đó cũng là một con đường đưa người ta dần dần “trở lại thành Thần”. Vậy nên tôi vẽ tranh về Thần Phật để gợi nhớ cho mọi người về cội nguồn Thần Thánh, đó cũng có thể là trách nhiệm quan trọng của hội họa.” – Họa sĩ Dương Minh Lộc.
***
Cách đây hơn 1 năm, bộ phim Trở lại thành Thần của Hãng phim New Realms Studio phát hành trên nền tảng MXH Ganjing World (Thế Giới Kiền Tịnh) đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của khán giả Việt Nam. Anh đã xem bộ phim này chưa? Cảm nhận của anh về bộ phim là gì?
Tôi đã được xem qua bộ phim “Trở lại thành Thần” của Hãng phim New Realms Studio. Bộ phim có dàn diễn viên và kỹ xảo không quá hoàn hảo so với các phim tiên hiệp mà Trung Quốc hay làm, tuy nhiên biểu cảm diễn viên rất có khí chất và vấn đề bộ phim đặt ra là hoàn toàn mới mẻ và chấn động. Trước đây, tôi luôn cho rằng Thần là sinh mệnh cao cả và con người là sinh mệnh thấp kém, chỉ có những người thật sự đặc biệt mới có thể tu luyện thành Thần. Tuy nhiên bộ phim trên đã gợi ý một cái nhìn chưa từng có, đó là ai cũng có thể tu luyện trở thành Thần, ngay cả những người mà biểu hiện bên ngoài xấu tệ, bởi vì trong quá khứ ai cũng đã từng là Thần.
***
“Trở lại thành Thần”, lấy cảm hứng từ bộ phim, cũng là chủ đề Đặc san Xuân Ất Tỵ 2025 của Trí Thức VN. Trí Thức VN rất vui khi được anh nhận lời vẽ trang bìa cho Đặc san. Anh có thể nói một chút về bức tranh không?
Bức tranh tôi vẽ có tên là “Lạc Hồng tái phi”, nghĩa là con cháu Lạc Hồng luôn tự hào về nguồn gốc cao quý con Rồng cháu Tiên, nếu có thể từ cội nguồn đạo đức và văn hoá truyền thống ông bà mà tu dưỡng nhân cách thì có thể một lần nữa thăng hoa trở lại cảnh giới sống cao quý của mình.
Tôi vẽ các em bé được nở ra từ những quả trứng, lấy cảm hứng từ sự tích “trăm trứng nở trăm con” của người Việt, và dần dần theo mình Rồng mà vươn đến ánh sáng của Thiên Quốc, cũng là trở lại thế giới cội nguồn của mình.
***
Anh có thể chia sẻ về quá trình vẽ tác phẩm này không?
Người Việt muốn thăng hoa cuộc sống đến cảnh giới cao hơn, cần bám chặt vào cội nguồn truyền thống cao quý của mình chứ không phải chỉ nhìn vào cơ sở hạ tầng hay vị thế quốc tế.
Ban đầu tôi chỉ có ý tưởng đơn giản là vẽ các em bé cưỡi rồng và bay lên một cách vui vẻ như các bức tranh năm mới cổ xưa. Sau đó tôi thấy ý tưởng bám vào mình rồng cũng có những ý nghĩa rất hay. Người Việt muốn thăng hoa cuộc sống đến cảnh giới cao hơn, cần bám chặt vào cội nguồn truyền thống cao quý của mình chứ không phải chỉ nhìn vào cơ sở hạ tầng hay vị thế quốc tế. Thế nên tôi hình dung cảm xúc của các em bé từ phần đuôi rồng đến đầu rồng giống như trải nghiệm của quá trình thăng hoa tâm hồn, từ thức tỉnh, đến lo lắng, sợ hãi và đạt được tĩnh tại, bao dung. Tôi cho rằng lựa chọn trở về truyền thống là con đường gian nan nhưng là tất yếu của sự sống.
***
Họa sĩ Dương Minh Lộc sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Việt Nam. Từ lúc còn đi học, anh đã say mê hội họa Phục Hưng. Hiện tại, anh Lộc làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và chủ yếu vẽ tranh kỹ thuật số. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là bức tranh mang tên “Tâm bất động”. Bức tranh nhận được giải thưởng “Nhân văn” (Humanity and Culture) trong Cuộc thi Tranh sơn dầu năm 2019 do Đài truyền hình NTD (Hoa Kỳ) tổ chức. |
***
Quá trình sáng tạo những bức tranh khác của anh thì sao?
Phải nói thật rằng tôi không phải người quá đam mê việc vẽ tranh. Tuy nhiên trong khoảng 6, 7 năm gần đây, có những cảnh tượng đến trong suy nghĩ của tôi, khiến tôi thực sự xúc động. Có thể là trong mơ, hoặc là khi tâm trí đang thư giãn. Cảnh tượng đến như một dạng không gian 3 chiều, và tôi được ở trong không gian đó mà ngắm tất cả các nhân vật và sự kiện. Cảm giác đó vượt qua cái nhìn thị giác thông thường, vì tôi có thể vừa đồng thời ngắm được toàn cảnh, vừa đồng thời có thể ngắm được từng nhân vật và chi tiết. Và khung cảnh thường chỉ diễn ra vài giây ngắn ngủi. Vì quá xúc động bởi nội dung của cảnh tượng, tôi sẽ cố gắng vẽ lại khung cảnh đó trên mặt phẳng 2 chiều của bức tranh. Quá trình bố cục tranh là quá trình khó khăn nhất, vì thật sự khó thể hiện được hết khung cảnh đã đến trong tâm trí của mình. Sau khi tạm ưng ý với bố cục, tôi sẽ tạo hình các nhân vật trong khung cảnh đó. Việc tạo hình nhân vật thì tương đối thoải mái hơn, vì tôi để mỗi nhân vật có được tâm hồn riêng của họ, tôi chỉ quản lý cảm xúc chính của khung cảnh. Sau khi vẽ được nhân vật thứ nhất, rồi thứ hai… thì các nhân vật sau càng dễ vẽ hơn, vì họ tương tác với nhau dưới cảm xúc chung của khung cảnh. Tôi không quá áp đặt nhân vật phải theo ý mình. Và hiệu quả tranh thường là sẽ tốt hơn những gì tôi tưởng tượng. Đó là những bức tranh đột ngột đến trong tâm trí của tôi. Có những tranh là tôi cố ý muốn vẽ, để phục vụ cho một hoạt động nhân văn nào đó. Khi đó tôi ngồi trước bản phác thảo, nghĩ về những điều tốt đẹp mà cuộc sống này cần có, và lần lượt các khung cảnh tranh sẽ đến trong đầu tôi. Và quá trình vẽ lại lặp lại như ở trên.
***
Nếu không ngại, chúng ta có thể xem thêm một số bức tranh đã nhận được sự yêu mến rộng rãi, cũng như nhận được giải thưởng của anh, được chứ? Anh đã vẽ chúng như thế nào?
Bức tranh “Tâm bất động” được ra đời khi tôi gặp một sự việc chấn động rất khó lý giải trong cuộc sống, và bạn bè xung quanh tôi đều bị cuốn vào sự kiện đó. Họ không ngừng cập nhật và tìm kiếm thông tin xung quanh sự kiện để tìm ra câu trả lời xác đáng nhất. Tuy nhiên tôi nhận ra việc tìm kiếm sự thật đôi khi thật vô vọng, vì luôn có những “sự thật” khác rộng lớn và bao trùm sự thật mà bạn vừa khám phá ra. Vậy là tôi quyết định ngừng tìm kiếm ở bên ngoài mà nhìn vào bên trong. Xem đối với sự kiện trên, thì trong tâm tôi đã bộc lộ ra những điều gì ích kỷ, tiêu cực chăng. Sau khi tôi loại bỏ những suy nghĩ xấu của mình, câu trả lời lập tức đến trong đầu tôi. Tôi liền biết mình cần ứng xử thế nào trước sự kiện trên. Cảm giác rất bao dung và thoáng đãng. Tôi nhận ra rằng những sự thật ngắn hạn thì bạn có thể tìm thấy nó qua việc nghiên cứu và tranh luận. Nhưng những sự thật cao hơn thì nó sẽ tự tìm đến bạn, nếu bạn xứng đáng được biết. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ này với bạn bè tôi qua hội hoạ. Vậy là cảnh tượng em bé ngồi thiền trước bầy sói liền hiện ra trong đầu tôi. Bức tranh “Tâm bất động” đã đạt giải “Nhân văn” trong cuộc thi vẽ tranh sơn dầu quốc tế của Đài truyền hình NTD (Mỹ).
Sau giải thưởng của bức tranh “Tâm bất động”, tôi được khích lệ và bắt đầu vẽ các nội dung về Thần Phật. Tôi có ý tưởng muốn vẽ một bức tranh về luật nhân quả, rằng người tốt sẽ được Thần đánh giá và bảo hộ. Tôi bắt đầu với hình ảnh một em bé gái che dù cho một người đang ngồi thiền dưới cơn mưa. Sau đó tôi có ý định vẽ một vài thiên thần nhỏ bay xung quanh khen ngợi em bé gái tốt bụng. Tuy nhiên luôn có một suy nghĩ gì đó chưa hài lòng nhảy vào đầu tôi, mặc dù tôi cảm thấy bố cục như vậy cũng đã thể hiện được mong muốn ban đầu rồi. Suy nghĩ khó chịu đó khiến tôi chưa thể hoàn thành việc bố cục tranh được. Vậy là tôi lại phải thay đổi ý tưởng. Các nhân vật xung quanh bắt đầu nhiều lên đến mấy chục vị Thần, khiến quy mô bức tranh trở nên hoành tráng hơn nhiều so với dự định. Tôi luôn có cảm giác được chính bức tranh dẫn dắt để vẽ ra được đến tiêu chuẩn mà bức tranh đó cần có. Tôi cảm thấy những gợi ý dẫn dắt ấy phù hợp, và thật sự có ích cho nhiều người xem tranh, vậy nên tôi quyết định thực hiện. Và bức tranh “Lựa chọn của tương lai” ra đời.
Một bức tranh khác được vẽ trong khoảng thời gian trước đó mấy năm, mà câu chuyện của nó rất ấn tượng với tôi, bức tranh có tên là “Tôi sẽ ăn nó để các bạn không bị trừng phạt”. Tôi bị chấn động trước câu chuyện của bà Bạch Căn Đệ, một học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ trái phép tại Trung Quốc. Cảnh sát ra sức ép bắt các tù nhân khác đánh đập và đi tiểu vào đồ ăn của bà. Với lòng bao dung, bà đã ăn món ăn có nước tiểu đó và nói “Tôi sẽ ăn nó để các bạn không bị trừng phạt”. Một người dùng Facebook đã bình luận “Thật tâm thần!” và cho rằng học viên Pháp Luân Đại Pháp có vấn đề thần kinh vì ăn món ăn dơ bẩn. Tôi muốn phản bác lại luận điểm của bạn ấy, để bảo vệ danh dự cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp, mà tôi cũng là một thành viên đang theo học. Tuy nhiên, vì được tiếp nhận các giáo lý về Chân Thiện Nhẫn của môn tu luyện trên, tôi nhận ra vấn đề có thể bắt nguồn từ cái tâm của tôi khi vẽ tranh. Tôi muốn được người ta khen ngợi khi vẽ một bức tranh đẹp. Vậy là tôi đã bình luận xin lỗi người kia vì cái tâm xấu của mình. Ngạc nhiên thay là anh ấy đã rút lại bình luận tiêu cực, và động viên tôi hãy vẽ thêm nữa. Sau sự kiện đó, tôi nhận ra những đánh giá đẹp xấu của con người rất dễ thay đổi. Giống như bị tác động bởi một năng lượng vô hình nào đó phía sau bức tranh, chứ không phải bởi những kỹ thuật hay phong cách vẽ tranh.
***
Dường như anh vẽ rất nhiều về chủ đề các vị Thần, Phật và Thiên giới, cả Đông phương và Tây phương. Vì sao anh lại lựa chọn chủ đề này?
Vì luôn có những ý tưởng thù thắng đến trong suy nghĩ, nên tôi cảm thấy cần vẽ ra những khung cảnh ấy vào tranh. Trước tiên là cho bản thân tôi, vì tôi luôn muốn gợi nhớ lại cảm giác mỹ hảo đó. Kế đến là tranh về Thần Phật cũng có ích cho người xem, truyền cảm hứng để con người sống hướng thiện hơn. Và quá trình vẽ những nhân vật Thần Phật thật sự rất khác biệt so với vẽ những nhân vật con người thông thường. Thứ nhất là tôi không thể dùng hình ảnh người mẫu để vẽ gương mặt của Thần Phật, vì dù cho vẽ tốt đến thế nào thì cũng không đạt được cảm giác kính ngưỡng khi nhìn vào tranh. Giống như khi bạn nhìn vào gương mặt của những vị Thần trong tranh của các hoạ sĩ Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Raphael… trong tâm hồn bạn nảy sinh cảm giác kính ngưỡng chứ không phải suy nghĩ muốn chiếm hữu vẻ đẹp đó cho riêng mình. Cho nên phần lớn gương mặt của nhân vật Thần Phật là tôi phải tự vẽ ra từ tưởng tượng, và không ngừng chỉnh sửa đến khi có được cảm giác Thần Thánh cần có. Có một lần khi vẽ bức “Đường về”, tôi bị mắc kẹt vì không thể vẽ ra được gương mặt của một vị Bồ Tát. Sau đó cuộc sống của tôi gặp một số vấn đề khó khăn, nên tôi tạm ngừng vẽ bức tranh đó. Một năm sau khi vượt qua được các chướng ngại trong cuộc sống bằng sự nhẫn nại, một lần ngẫu hứng, tôi vẽ ra được ngay gương mặt của vị Bồ Tát.
Cho nên ngoài vấn đề sử dụng mẫu tham khảo, con đường bạn hoàn thành một bức tranh về Thần Phật cũng thật sự rất khác biệt. Nó gần giống như việc bạn mời các vị Thần vào tranh của mình vậy. Nếu cảnh giới của bạn chưa xứng đáng, họ sẽ không đến dù cho kỹ thuật của bạn giỏi đến đâu.
***
Anh có được những ý tưởng này như thế nào?
Kể từ khi tôi có tâm nguyện muốn dùng nghệ thuật hội hoạ để làm việc tốt cho đời, nhắc nhở mọi người sống hướng Thiện, thì các ý tưởng tranh cứ đến ồ ạt trong đầu tôi. Tôi thật sự tin rằng các ý tưởng này không phải do tôi nghĩ ra, mà nó tự nhiên đến vì một sứ mệnh nào đó cho cuộc sống.
Tôi chỉ là người lựa chọn ý tưởng nào phù hợp, thời gian nào phù hợp, và sắp xếp thể hiện ý tưởng ấy qua bề mặt tranh 2 chiều, để nhiều người hơn có thể thưởng thức vẻ đẹp của ý tưởng ấy.
***
Điều này gợi cho tôi một suy nghĩ: Không phải chỉ riêng trong sáng tác hội họa, mà trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống khác, và cả trong khoa học, dường như những phát kiến lớn lao nhất đều không đến từ nỗ lực lý trí của con người. Người ta hay nói về quả táo rơi của Newton, hay giấc mơ về Bảng tuần hoàn Nguyên tố hóa học của Mendeleev. Einstein cũng từng nói rằng: “Trực giác là thứ duy nhất có giá trị”. Phải chăng các khái niệm như “trực giác”, hay “linh cảm” này, là những điều mà anh muốn đề cập đến?
Tôi thích vẽ tranh, nhưng công việc chính của tôi là làm trong ngành quảng cáo sáng tạo. Vậy nên tôi được tiếp xúc với rất nhiều phương pháp để tìm ý tưởng. Có phương pháp là không ngừng liệt kê các ý tưởng mà không đánh giá, có phương pháp là ghi lại ý tưởng hiện ra trong đầu sau một giấc ngủ… Hoặc các bạn cũng có thể thấy nhiều nghệ sỹ dùng đến rượu và chất kích thích trong quá trình sáng tạo của mình… Hoặc có người thì dùng các phương pháp thiền định, thôi miên để tìm ý tưởng… Điểm chung của các phương pháp ấy chính là đưa tư duy logic, các quan niệm đánh giá của con người vào trạng thái hạn chế hoạt động, để các ý tưởng có thể tự do phản ánh vào não bộ. Phân tâm học gọi đó là phản ánh đến từ phần vô thức trong đời sống tâm thần của con người. Nhưng tôi thấy rằng có nhiều ý tưởng là không đến từ trải nghiệm trong quá khứ của tôi, ví dụ như các khung cảnh Thần Tiên thù thắng. Nhà khoa học Nikola Tesla ví von bộ não của con người như một chiếc radio, nó không ngừng “bắt sóng” những suy nghĩ đến từ bên ngoài. Tôi nghĩ rằng những ý tưởng, “linh cảm”, “trực giác” của con người là đến từ một thế giới khác.
***
Anh có bị “bế tắc” trong ý tưởng sáng tạo không? Vì sao những lúc đó những ý tưởng lại không đến?
Nếu khi bản thân quá mong cầu vào kết quả, hoặc lo sợ quá trình thực hiện cực khổ, hoặc nghĩ đến những đánh giá của người khác đến bức tranh mới, thì quá trình vẽ tranh sẽ gian nan hơn. Có thể nói là bế tắc, cả về ý tưởng nội dung lẫn kỹ thuật thể hiện.
Tôi hình dung rằng ý tưởng nghệ thuật giống như ánh sáng, còn hoạ sĩ là lăng kính. Nếu tâm hồn của hoạ sĩ bị bám bẩn bởi những suy nghĩ ích kỷ, thì sẽ rất khó phản chiếu được những vẻ đẹp thuần khiết.
Tôi rất thích xem các nghệ sĩ cải lương xưa chia sẻ quá trình làm nghề của họ. Phần lớn họ rất khiêm tốn trước khán giả, và đặc biệt cung kính trước Tổ nghiệp, trước mỗi buổi diễn đều thắp nhang trước bàn thờ Tổ để vở diễn được thuận lợi. Bởi vì trải qua một đời thăng trầm với nghệ thuật, hơn ai hết họ ý thức được rằng chỉ có tu dưỡng đạo đức làm nghề mới có thể tồn tại lâu dài trong thế giới nghệ thuật.
***
Trong một bài phỏng vấn khác, anh có nói rằng: “Những thứ xấu xa cũng muốn được tôi vẽ ra”. Vì sao lại thế?
Tôi cho rằng cái tốt và xấu luôn tồn tại tự nhiên. Một trái táo chín sẽ rất tốt cho sức khoẻ nhưng để lâu ngày sẽ trở thành trái táo hỏng, ăn vào sẽ giống như ăn chất độc. Cái tốt luôn muốn gieo mầm sinh sôi trong khi nhiệm vụ của cái xấu là phân huỷ sự sống.
Làm nghệ thuật giống như bước vào một vườn trái cây tự nhiên, bạn cần lựa chọn đúng thứ cây trái tốt cho cuộc sống của mình và mọi người.
***
Điều này khiến tôi có cảm thụ rằng Họa sĩ có một sứ mệnh tiền định, được lựa chọn để sáng tạo, nhưng cũng xuất phát từ ý chí tự do lựa chọn đức hạnh, hay sự suy đồi?
Tôi nghĩ rằng mọi người nghệ sĩ luôn có ý chí tự do của mình, nhưng dù tự do đến mức nào, họ vẫn cần sống thuận theo những nguyên lý tốt đẹp của tự nhiên. Bởi vì nghệ thuật và bản thân người nghệ sĩ là sản phẩm của Tạo hoá, của Trí Tuệ ở cao hơn. Khi bạn muốn vươn đến sự thăng hoa trong nghệ thuật, bạn cần nhận ra đâu là điều mà sự sống mong muốn, cũng chính là điều mà sinh mệnh ở cảnh giới cao hơn mong muốn.
***
Vậy theo anh, việc tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống có ý nghĩa như thế nào trong thế giới sáng tạo hiện nay?
Tôi thấy người ta hay nói “Khi bạn khao khát điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn”. Tôi cho rằng vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng trong câu nói đó. Vì nếu điều bạn khao khát không thuận theo những nguyên lý của Tạo hoá, thì vũ trụ không có lý do gì giúp sức cho bạn cả. Tôi tin rằng bản chất của thế giới này là lương thiện. Khi bạn mong muốn làm điều lương thiện, tốt đẹp cho người khác, thì Trí tuệ trên cao mới trợ lực cho bạn.
Khi người nghệ sỹ muốn dùng nghệ thuật để ca ngợi những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thì họ sẽ cảm thấy nguồn cảm hứng tuôn trào bất tận từ một nơi nào đó chảy về suy nghĩ của mình. Tôi cũng cho rằng đạo đức truyền thống là những tinh tuý ông cha ta để lại, để con cháu đời sau có thể duy trì được một lối sống thuận với Đất Trời. Khi các tác phẩm nghệ thuật hướng về giá trị truyền thống, người nghệ sĩ sẽ tìm được sự thăng hoa bền vững trong nghệ thuật.
***
Sau cùng thì, điều gì thực sự đã dẫn anh đến lựa chọn vẽ về Thần, Phật và thế giới Thiên Quốc?
Tôi vẽ tranh về chủ đề Thần Phật trước tiên là để thanh lọc tâm hồn mình. Vì để vẽ ra được sự uy nghi thánh khiết của các vị Thần, bạn cần dần dần trừ bỏ những ích kỷ trong con người mình, cũng là những nhân tố khiến bản thân mình khổ đau. Tôi cho rằng bản chất của cuộc sống là khổ đau, nhưng bản chất của con người là hạnh phúc. Khi tâm hồn bạn bị tạp nhiễm bởi cuộc sống, bạn sẽ dễ quên mất nguồn gốc thánh khiết của mình.
Vậy nên hội hoạ đối với tôi giống như tấm gương soi, giúp tôi tìm ra được chân ngã. Vậy nên tranh tôi vẽ không phải để ca ngợi một tôn giáo nào cả. Tôi vẽ các vị Thần vì tôi tin rằng họ tồn tại như một lẽ dĩ nhiên của cuộc sống, vượt trên những giới hạn của dân tộc hay hình thức tôn giáo. Và nếu bạn tin rằng “trăm triệu hạt mưa, không hạt nào rơi nhầm chỗ”, thì bạn cũng sẽ phát hiện ra rằng tài năng Thiên phú cũng không phải là điều ngẫu nhiên. Nếu bạn được Trời Đất ban cho một năng khiếu nghệ thuật nào đó, ấy là một món quà, và cũng là trách nhiệm. Người nghệ sĩ theo góc nhìn này, chính là người kết nối nhân loại đến thế giới của Thần, thông qua tác phẩm nghệ thuật thuần khiết.
Khi bạn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật với năng lượng Thần Thánh, nội tâm bạn sẽ trở nên an hoà, và tâm hồn bạn cũng không ngừng tu sửa lại theo những giá trị cao thượng hơn. Đó cũng là một con đường đưa người ta dần dần “trở lại thành Thần”. Vậy nên tôi vẽ tranh về Thần Phật để gợi nhớ cho mọi người về cội nguồn Thần Thánh, đó cũng có thể là trách nhiệm quan trọng của hội họa.
***
Trong tranh của anh còn thể hiện một số chủ đề khác nữa. Trong đó bức tranh này thực sự đã khiến tôi rơi nước mắt (bức tranh “Hẹn mẹ trên kia”). Vì sao anh lựa chọn vẽ về chủ đề này?
“Hẹn mẹ trên kia” là một bức tranh liên quan đến sự kiện cô Vương Lệ Huyền, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc đã bị bức hại tàn nhẫn cùng đứa con 8 tháng tuổi của cô. Tôi cảm thấy tò mò không biết trong giây phút sinh tử ấy, điều gì đã hiện ra trong suy nghĩ của cô, khi phải lựa chọn giữa việc bảo vệ đứa con bé bỏng và không phản bội đức tin của mình. Vì có những dấu hiệu cho thấy người ta đã tra tấn đứa bé trước khi chết, có thể là để thuyết phục cô từ bỏ tu luyện. Đối với tôi, đó là một hoàn cảnh khốc liệt trong nội tâm, thật sự là ranh giới phân cách giữa tình cảm con người và cảnh giới của Thần. Rồi đột nhiên tâm trí tôi được đưa đến không gian của buổi tra tấn đó, tôi có thể đồng thời cảm nhận được nỗi đau của cô, biểu cảm của những kẻ ác, không khí nặng nề trong căn phòng… Tôi lập tức nhận ra được câu trả lời. Tôi vẽ bức tranh “Hẹn mẹ trên kia” không chỉ để minh họa cho sự kiện trên, mà còn là sự khám phá những cảnh giới cao hơn của hạnh phúc. Tôi cho rằng cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang gánh chịu tại Trung Quốc cũng không phải chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia hay một môn tu luyện, mà đó là một tham chiếu để con người có được lựa chọn cho tương lai khi đứng trước những lựa chọn khốc liệt của sự sống. Vậy nên tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục sáng tác về chủ đề trên.
***
Năm mới đến rồi! Anh có điều gì muốn chia sẻ với độc giả Trí Thức VN hay không?
Năm mới đến thật là một năm đặc biệt. Có thể mọi người cũng có cảm nhận giống tôi, là thời khắc con người phải đưa ra những lựa chọn khốc liệt cho ý nghĩa cuộc sống đang càng lúc càng đến gần, người tốt người xấu ngày càng có phân cách, giả dối và sự thật ngày càng hiển lộ ra, sự bình yên chỉ có thể được tìm thấy khi bạn có những lựa chọn đúng đắn. Tôi xin kính chúc quý độc giả Tri Thức VN một năm mới sức khoẻ, trí tuệ và thức tỉnh.
***
Xin cảm ơn Họa sĩ đã dành thời gian để chia sẻ với độc giả Trí Thức VN. Kính chúc anh và gia đình năm mới vui vẻ, kiên tín, thêm thành tựu!
***
Vào năm 2025, hãy đưa ra cam kết chăm sóc bản thân. Hãy đảm bảo…
Năm Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Việt lại tất bật chuẩn bị cho…
Đêm giao thừa là ngày cuối cùng trong năm âm lịch, là thời điểm quan…
Câu chuyện của tôi hôm nay là về một nền văn hóa đẹp đã mất,…
Đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là…
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng gặp gỡ chính trị gia đồng cấp Hoa…