Điện thoại thông minh: "ký sinh trùng" lớn nhất của thời hiện đại. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Trong xã hội ngày nay, điện thoại thông minh không chỉ chiếm dụng phần lớn thời gian và sự chú ý của con người mà còn trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống. Một số chuyên gia thậm chí đã gọi chúng là “ký sinh trùng lớn nhất” của thời hiện đại.
Trên chuyên trang The Conversation, Rachael L. Brown – phó giáo sư triết học tại Đại học Quốc gia Úc – và Rob Brooks – giáo sư khoa học tiến hóa tại Đại học New South Wales – cho rằng, ký sinh trùng lớn nhất hiện nay không phải là sinh vật hút máu, mà chính là chiếc điện thoại thông minh bóng loáng với khả năng gây nghiện cao.
Điện thoại thông minh hoàn toàn không phải là một công cụ lành mạnh; nó ký sinh trên thời gian, sự chú ý và thông tin cá nhân của chúng ta — tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích của các công ty công nghệ và các nhà quảng cáo của họ.
Hai học giả này trong một bài luận đăng trên Tạp chí Triết học Úc (Australasian Journal of Philosophy) đã cho rằng điện thoại thông minh mang đến những rủi ro xã hội đặc biệt, và từ góc độ ký sinh, những rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn.
Các nhà sinh vật học định nghĩa ký sinh trùng là sinh vật hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi với vật chủ, đồng thời gây hại cho vật chủ đó. Ví dụ, chấy rận hoàn toàn phụ thuộc vào con người để sinh tồn. Chúng chỉ hút máu người và không thể sống sót lâu nếu tách khỏi vật chủ, đồng thời khiến con người cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Tương tự, điện thoại thông minh cũng đã làm thay đổi cuộc sống hiện đại một cách sâu sắc. Tuy mang lại sự tiện lợi, nhưng không ít người đã trở thành “nô lệ” của việc liên tục lướt màn hình – không thể rời mắt ngay cả khi đang cần nghỉ ngơi. Cái giá của sự lệ thuộc này là thiếu ngủ, rối loạn cảm xúc, và suy giảm chất lượng các mối quan hệ xã hội.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người trẻ thức khuya trong 10 ngày liên tiếp không thể phục hồi hoàn toàn chức năng nhận thức ngay cả sau khi đã ngủ đủ giấc trong một tuần.
Ban đầu, mối quan hệ giữa con người và điện thoại thông minh mang tính cộng sinh – đôi bên cùng có lợi. Điện thoại giúp kết nối, chỉ đường, tra cứu thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, theo hai học giả, mối quan hệ này đã dần bị lệch hướng, trở thành ký sinh.
Tình trạng này không hiếm trong tự nhiên: nhiều mối quan hệ cộng sinh có thể chuyển thành ký sinh nếu một bên lạm dụng lợi ích của bên kia. Và đó chính là điều đang xảy ra với điện thoại thông minh và các ứng dụng được thiết kế để khai thác hành vi người dùng.
Các ứng dụng phổ biến hiện nay được lập trình nhằm kéo dài thời gian sử dụng, điều hướng hành vi khiến người dùng liên tục vuốt, nhấp và phản ứng – đặc biệt là với nội dung gây kích động cảm xúc. Những dữ liệu thu thập từ hành vi này sau đó được dùng để tối ưu hóa quảng cáo và tiếp tục lôi kéo người dùng, tạo ra một vòng luẩn quẩn khó dứt.
Trong bối cảnh như vậy, việc ví người dùng là vật chủ và điện thoại là ký sinh trùng trở nên hoàn toàn hợp lý.
Liệu con người có thể kiểm soát được điện thoại thông minh và khôi phục mối quan hệ cộng sinh ban đầu không? Theo hai học giả, điều này phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng: khả năng nhận diện khi bị khai thác, và khả năng phản ứng kịp thời như ngừng sử dụng dịch vụ hoặc ứng dụng độc hại.
Tuy nhiên, cả hai điều kiện này đều không dễ đạt được. Các công ty công nghệ cố tình thiết kế các tính năng “gây nghiện” mà không công khai điều đó. Ngay cả khi người dùng nhận ra, việc từ bỏ hay giới hạn sử dụng vẫn vô cùng khó khăn – đặc biệt trong bối cảnh nhiều dịch vụ công và tài chính chuyển sang nền tảng kỹ thuật số.
Hơn nữa, việc phụ thuộc quá mức vào điện thoại có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung và tư duy phản biện. Một khi điện thoại thông minh trở thành cổng duy nhất để tiếp cận ngân hàng, dịch vụ công hay mua sắm, người dùng gần như không còn sự lựa chọn.
Phân tích của hai học giả cho thấy, các quyết định cá nhân – như cố gắng giảm thời gian sử dụng – không đủ để đối phó với ảnh hưởng mang tính hệ thống mà các công ty công nghệ đang gây ra. Trong cuộc chiến không cân sức này, bên nắm dữ liệu và kiểm soát hành vi là những “kẻ ký sinh” công nghệ – còn người dùng luôn ở thế yếu.
Một ví dụ cho hành động tập thể là lệnh cấm mạng xã hội đối với trẻ vị thành niên mà chính phủ Úc đã ban hành. Những động thái như vậy có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các nền tảng kỹ thuật số lên sức khỏe tâm thần và sự phát triển nhận thức của giới trẻ.
Để giành lại quyền kiểm soát, chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn: hạn chế chức năng gây nghiện của các ứng dụng, siết chặt quy định về thu thập và mua bán dữ liệu cá nhân.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại quá mức – thậm chí nghiện – có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm cả trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng sinh sản và chậm phát triển não bộ. Vì vậy, việc tách khỏi điện thoại, dù chỉ là vào ban đêm cũng là bước đầu tiên để lấy lại sự tự chủ.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Epochtimes
Các đại biểu của EU đang tiến tới gói trừng phạt lần thứ 18 nhắm…
Tổng thống Donald Trump vào ngày thứ Bảy (12/7) vừa qua đã bác bỏ “hồ…
Tháng 6, HNX ghi nhận 144 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá…
Chỉ thị 20 áp lực lên ngành điện lực để giải quyết nhu cầu điện…
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) tiết lộ dữ liệu mới nhất cho…
Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ hơn 151 tỷ đồng cho gia đình chỉ…