Đừng tiếc nồi chảo cũ, nếu thấy dấu hiệu này hãy thay ngay. (Shutterstock)
Nhiều người có thói quen chỉ thay nồi chảo khi chúng đã tróc lở, cong vênh hoặc bốc mùi khét khi nấu. Tuy nhiên, mỗi loại nồi chảo đều có “hạn sử dụng” riêng, và nếu tiếp tục dùng sau thời điểm đó, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn mà còn tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Vậy đâu là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay mới?
Nồi và chảo là hai vật dụng quen thuộc trong mọi gian bếp, đặc biệt đối với những người nội trợ hoặc thường xuyên nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng các loại nồi chảo cũng có “hạn sử dụng” nhất định. Vậy đâu là dấu hiệu cho thấy bạn nên thay nồi, chảo? Và mỗi loại nên dùng trong bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu qua chia sẻ của các chuyên gia và đầu bếp giàu kinh nghiệm.
Dụng cụ nấu ăn tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao và thực phẩm mỗi ngày. Theo thời gian, các yếu tố như lớp chống dính bong tróc, kim loại bị oxy hóa, hoặc tay cầm lỏng lẻo đều có thể khiến việc nấu nướng trở nên nguy hiểm hoặc không vệ sinh.
Theo Daniel Modlin – cựu biên tập viên của tạp chí ẩm thực Food & Wine, nhiều người thường có thói quen giữ lại nồi chảo càng lâu càng tốt để tiết kiệm. Tuy nhiên, Modlin cho rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng đắn. “Một chiếc chảo chống dính đã bong tróc có thể làm nhiễm hóa chất vào thức ăn. Một chiếc nồi cong vênh cũng khiến thức ăn chín không đều. Khi ấy, sự tiết kiệm lại trở nên không đáng.”
Không có con số chính xác tuyệt đối, bởi tuổi thọ của nồi chảo còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, tần suất sử dụng và cách bảo quản. Tuy nhiên, dưới đây là khuyến nghị chung từ các chuyên gia như đầu bếp Maricel Gentile – chủ nhà hàng và lớp dạy nấu ăn tại New Jersey – và Daniel Modlin:
Chảo chống dính (Teflon hoặc phủ gốm)
Chảo chống dính thường có tuổi thọ trung bình từ 1 đến 5 năm, tùy thuộc vào tần suất sử dụng và cách bảo quản. Chuyên gia khuyến nghị bạn nên thay chảo sau khoảng 2 đến 3 năm hoặc ngay khi lớp chống dính bắt đầu trầy xước, bong tróc, bởi lúc này chất chống dính có thể không còn an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, bạn nên tránh sử dụng các loại chảo Teflon được sản xuất trước năm 2013 vì chúng có thể chứa hợp chất PFOA – một chất có thể gây hại cho sức khỏe.
Để kéo dài tuổi thọ lớp chống dính, hãy sử dụng dụng cụ nấu bằng gỗ hoặc silicone, đồng thời hạn chế dùng các vật cứng để cọ rửa, tránh làm hỏng bề mặt chảo.
Chảo phủ gốm
Chảo phủ gốm là lựa chọn an toàn hơn cho sức khỏe vì không chứa Teflon hay các hóa chất độc hại. Tuy nhiên, loại chảo này thường có độ bền không cao, nhất là khi sử dụng thường xuyên – trung bình chỉ dùng tốt trong khoảng 1 đến 3 năm.
Khi lớp phủ bắt đầu mất khả năng chống dính, xuất hiện các vết nứt, trầy xước hoặc có dấu hiệu bong tróc, bạn nên thay chảo ngay để tránh tình trạng dính cháy thực phẩm hoặc nứt vỡ trong quá trình nấu nướng.
Nồi hoặc chảo nhôm
Nồi, chảo nhôm có tuổi thọ dao động từ 1 đến 10 năm tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và tần suất sử dụng.
Nếu thấy bề mặt xuất hiện các vết trầy xước sâu, lõm lớn hoặc rỗ nặng, bạn nên thay mới ngay để tránh ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và an toàn sức khỏe.
Lưu ý: Nhôm dễ phản ứng với các loại thực phẩm có tính axit như cà chua hoặc giấm, đặc biệt khi lớp phủ bảo vệ đã bị mòn. Vì vậy, không nên sử dụng nồi nhôm để nấu các món có tính axit ở nhiệt độ cao, và tuyệt đối không dùng để bảo quản thực phẩm sau khi nấu.
Nồi hoặc chảo đồng
Các sản phẩm từ đồng có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm, thậm chí lâu hơn nếu được bảo quản tốt. Tuy nhiên, hầu hết nồi chảo đồng đều được tráng lớp lót bên trong (thường là thiếc hoặc thép không gỉ) để ngăn kim loại phản ứng với thực phẩm. Khi lớp lót này bị mòn hoặc bong tróc, bạn nên tráng lại hoặc thay mới hoàn toàn.
Nếu sử dụng nồi chảo đồng không có lớp lót, kim loại đồng có thể thôi nhiễm vào món ăn – đặc biệt khi nấu các món có tính axit – và gây các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy nếu tích tụ lâu dài.
Dù có chi phí cao, đồng là chất dẫn nhiệt tuyệt vời, giúp món ăn chín đều và nhanh. Tuy nhiên, không nên tiếp tục sử dụng khi nồi đã đổi màu nghiêm trọng hoặc xuất hiện các vết nứt.
Chảo gang
Chảo gang nổi tiếng với độ bền vượt trội – có thể dùng hàng chục năm, thậm chí cả đời nếu được bảo quản đúng cách.
Loại chảo này càng dùng càng “lên nước”, tức là càng chống dính tốt hơn theo thời gian. Miễn là không bị nứt vỡ, bạn hoàn toàn có thể yên tâm tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, cần tránh ngâm lâu trong nước hoặc rửa bằng chất tẩy mạnh vì dễ khiến chảo bị gỉ. Trong trường hợp lớp gang bị gỉ hoặc mất khả năng chống dính, bạn có thể tái tạo lại bằng cách “season” – phủ một lớp dầu rồi đem nung – để khôi phục độ bền và hiệu quả nấu nướng.
Dù chưa đến hạn khuyến nghị, bạn nên thay nồi chảo nếu thấy các dấu hiệu sau:
– Lớp chống dính bong tróc, trầy xước nhiều.
– Đáy nồi bị cong vênh.
– Tay cầm bị lỏng gây mất an toàn khi bưng bê.
– Có vết nứt, rỗ, gỉ sét hoặc đổi màu bất thường.
– Xuất hiện mùi khét hoặc vị lạ trong thức ăn.
Modlin cho rằng không cần thiết phải đầu tư hàng triệu cho một bộ nồi cao cấp nếu bạn chỉ nấu ăn vài lần mỗi tuần. Điều quan trọng là chọn loại phù hợp với nhu cầu và biết cách kiểm tra khi mua.
Khi chọn mua nồi chảo hãy lưu ý:
– Đặt nồi lên bề mặt phẳng để kiểm tra độ cong.
– Xem kỹ bề mặt chống dính, tay cầm có chắc chắn không.
– Nếu ngân sách hạn chế, có thể tìm sản phẩm chất lượng ở cửa hàng đồ cũ hoặc nhóm mua bán online.
Đầu bếp Gentile cho biết cô vẫn sử dụng cả những chiếc chảo đã qua sử dụng, miễn là chúng còn tốt và an toàn. “Tôi tin vào việc tận dụng hợp lý. Đôi khi, một chiếc chảo cũ lại cho ra món ăn tuyệt vời hơn cả chảo mới giá rẻ,” cô chia sẻ.
Hầu hết các loại nồi chảo kim loại (nhôm, inox, đồng, gang) đều có thể mang đi tái chế tại các điểm thu gom phế liệu. Riêng với chảo chống dính, một số hãng hiện đã có chương trình tái chế riêng, trong đó lớp phủ Teflon sẽ được loại bỏ và phần kim loại được tái sử dụng.
Nếu không tái chế được, bạn cũng có thể sáng tạo: dùng chảo cũ làm chậu trồng cây, đĩa đựng đồ, hoặc vật trang trí trong bếp.
Đừng đợi đến khi nồi cháy khét, tay cầm gãy, hay món ăn bị dính đầy đáy chảo mới nghĩ đến việc thay thế. Nồi chảo là người bạn đồng hành thầm lặng trong mỗi bữa ăn. Hãy chăm sóc và thay mới đúng lúc để bảo vệ sức khỏe và giữ gìn đam mê nấu nướng của bạn.
Dự thảo Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự đề xuất trưởng hoặc…
Tối ngày 18/5, tại một quán nướng ngoài trời ở quận Kiều Khẩu, Vũ Hán,…
Hành khách trên tuyến metro Cát Linh - Hà Đông bất ngờ phải che ô…
Viện Dinh dưỡng khẳng định đề tài nghiên cứu từng hợp tác với Nestlé Việt…
Sử dụng cây trồng trong vườn để đuổi chuột hiệu quả
Một tòa án ở Moskva hôm thứ Hai (19/5) đã phạt gã khổng lồ công…