Đời Sống

Người Trung Hoa ăn gì trong ngày Đông chí truyền thống?

Ngày Đông chí không chỉ là dịp đánh dấu sự chuyển giao của mùa mà còn là thời điểm để người dân Trung Hoa tưởng nhớ và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Tập tục ăn uống truyền thống trong ngày Đông chí, được lưu truyền qua bao thế hệ trong dân gian, cũng thể hiện tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa 5000 năm. Từ những món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe đến những món mang đậm yếu tố tâm linh, tất cả đều phản ánh tinh hoa văn hóa và truyền thống của dân tộc qua hàng nghìn năm. Vậy trong ngày Đông chí, người Trung Hoa thường ăn gì? Và món ăn truyền thống của ngày Đông chí có mối liên hệ gì với văn hóa Trung Hoa? 

Ăn gì trong ngày Đông chí truyền thống? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Vào mỗi dịp Đông chí, tia sáng đầu tiên của bình minh chiếu rọi lên tấm biển chính giữa điện Thái Hòa của Tử Cấm Thành, báo hiệu sự ‘khởi đầu của một năm mới’. Đây là cảnh tượng huy hoàng được các triều đại Nguyên, Minh, Thanh tôn vinh, thể hiện sự kính trọng đối với khởi đầu của năm – ngày Đông chí. 

Tập tục ăn uống ngày Đông chí và nền văn minh Trung Hoa

Bồi bổ trong ngày Đông chí và bài thuốc của lương y

Việc “dưỡng tạng” vào mùa đông là quan điểm dưỡng sinh cổ xưa nhất được ghi lại trong y thư Trung Quốc – ‘Hoàng Đế Nội Kinh’. Trong phần “Tố Vấn – Tứ Khí Điều Thần Đại Luận”, sách nói rằng vào mùa đông phảikhứ hàn tựu ôn” (tránh lạnh, giữ ấm) và tuân theo đạo dưỡng tạng. Dưỡng tạng phù hợp với thuyết âm dương ngũ hành, là phương pháp dưỡng sinh thiên nhân hợp nhất. Vì thế dân gian đã tận dụng thời điểm Đông chí để bồi bổ cơ thể – bổ thận và tàng tinh. Ngày nay, mọi người đều quen thuộc với việc sử dụng dược thiện để “bổ đông”, nhưng bài thuốc bồi bổ sớm nhất có nguồn gốc từ đâu? Tương truyền rằng đó là bài thuốc được Lương y Trương Trọng Cảnh (150 – 219 SCN) để lại vào thời Đông Hán.

Cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, dịch bệnh hoành hành. Lương y Trương Trọng Cảnh từ quan Thái thú Trường Sa, trở về quê nhà Nam Dương (nay thuộc Hà Nam). Ông bận rộn ngày đêm chữa bệnh cho dân nghèo. Ở bờ sông Bạch Hà, những người dân nghèo khổ run rẩy trong giá lạnh mùa đông, đôi tai của họ đều bị tê cóng đến mức lở loét. Vì xót thương họ, ông đã nghiên cứu và chế ra một bài thuốc giúp bảo vệ đôi tai, gọi là “khư hàn kiều nhĩ thang“.

Chữ “kiều nhĩ” gần âm với “giảo nhi” (餃兒, tức bánh sủi cảo), và bánh “giảo nhi” cũng có hình dáng giống đôi tai. Món kiều nhĩ thang này được làm từ các dược liệu chống lạnh kết hợp với thịt cừu, tạo thành bánh sủi cảo, một món ăn vừa bổ dưỡng vừa giúp chống rét.

Từ ngày Đông chí, lương y Trương Trọng Cảnh đã sai đệ tử dựng lều, đặt những chiếc nồi lớn, từ Đông chí cho đến Tết Nguyên Đán, nấu “Khư hàn kiều nhĩ thang” để phát cho người nghèo. Những người nghèo đến đều được ăn một bát canh, trong đó có hai chiếc “kiều nhĩ” lớn. Sau khi ăn, cơ thể họ trở nên ấm áp và đôi tai cũng không còn bị lạnh cóng nữa. 

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, vào mùa đông, khí của thận mạnh nhất, vì vậy việc dưỡng sinh trong mùa đông tập trung vào việc bổ thận, với mục tiêu ‘dưỡng tinh xúc nhuệ’. Dùng thực phẩm bổ dưỡng hàng ngày tốt hơn so với việc dùng thuốc bổ. Trong ‘Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận’ có nói rằng mùa đông ‘thuộc về thận, màu sắc là đen’, và cũng nói: ‘Lạnh sinh nước, nước sinh mặn, mặn sinh thận’. Do đó, y học cổ truyền khuyên rằng vào mùa đông nên bổ thận bằng cách ăn nhiều thực phẩm có màu đen và vị mặn.

Sau này, trong dân gian cũng có nhiều món ăn bổ dưỡng giàu protein và thực phẩm theo mùa để ‘bổ đông’, chẳng hạn như: canh thịt cừu nấu với gừng già và củ cải, canh thuốc hầm gà vịt, canh sườn hầm thuốc bắc, v.v. Còn có món bánh ngọt làm từ long nhãn thích hợp cho việc bổ mùa đông.

Ăn bánh cảo trong dịp năm mới.
(Ảnh: Shutterstock)

Ăn sủi cảo ‘giao tử’ mừng năm mới

Sủi cảo là một trong những món ăn đặc trưng của ngày Đông chí. Trên thực tế, sủi cảo cũng đồng âm với “giao tử” (交子), mang ý nghĩa lịch sử tượng trưng cho sự chuyển giao năm mới.

Ở Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, sủi cảo là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Đông chí. Chữ “giao tử” biểu thị thời khắc chuyển giao giữa tháng Tý (子月) – tháng đầu tiên trong âm lịch cổ đại, báo hiệu năm mới đã đến. Ăn sủi cảo vào ngày Đông chí mang ý nghĩa đón chào năm mới.

Theo lịch Hoàng Đế và Chu lịch, tháng Tý (tháng 11 âm lịch) được coi là tháng đầu năm, và ngày Đông chí chính là ngày Nguyên Đán. Trước khi nhà Tây Hán sử dụng lịch Thái Sơ, ngày Đông chí vẫn được xem là ngày đầu tiên của năm mới. Trong ‘Sử Ký’ có ghi rằng Đông chí được gọi là “sơ tuế”, phản ánh phong tục và quan niệm lịch pháp của người xưa rằng Đông chí là khởi đầu của  năm mới. Vì thế, câu nói “Đông chí lớn như Tết” không phải là một tục ngữ nói suông mà bắt nguồn từ lịch pháp cổ đại được lưu truyền đến nay.

Thời Hán, vào ngày Đông chí, quân đội ngừng đánh trống, triều đình ngừng nghị sự, quan phủ không giải quyết công việc, tổ chức lễ cúng lớn vào cuối năm. Các quan nhỏ ở địa phương và người dân đều được nghỉ lễ, tiệc tùng để tiễn mùa đông. Vào ngày Đông chí, các biên giới cũng được đóng cửa, vì vậy mọi người phải trở về quê trước ngày này.

Người dân thời Tống coi ngày Đông chí như một dịp Lễ Tết. Sách ‘Đông Kinh Mộng Hoa Lục’ của triều đại Tống có ghi: “Tháng 11, vào ngày Đông chí, kinh đô coi trọng ngày lễ này nhất… Chúc mừng nhau qua lại, giống như lễ Tết. Mỗi nhà, dù là gia đình nghèo, cũng đều lấy tiền tiết kiệm hoặc vay mượn để chuẩn bị quần áo mới, đồ ăn, cúng tổ tiên, sum họp vui chơi, khiến không khí chợ búa trở nên vô cùng náo nhiệt”.

Một số thành phố cổ lâu đời, như khu vực Tô Châu (xưa gọi là Ngô Trung), vẫn lưu giữ tập tục ăn Tết vào ngày Đông chí. Người dân mặc quần áo mới, đội mũ mới và chúc mừng nhau, không khác gì không khí của Tết Nguyên Đán. Sách ‘Tây Hồ Du Lãm Chí Dư’ của triều đại Minh ghi lại: “Ngày Đông chí gọi là ‘Á tuế’, quan phủ và dân gian đều chúc mừng nhau, giống như nghi lễ của ngày đầu năm (Tết Nguyên Đán). Tô Châu là nơi sôi động nhất…” Sách ‘Thanh Gia Lục’ cũng ghi chép lại tập tục này, được truyền từ thời nhà Ngô cách đây 3.000 năm.

Trong ‘Sử Ký – Chu Bản Ký’ có ghi lại rằng thủ lĩnh bộ lạc Chu, Cổ Công Đản Phụ (tức Chu Thái Vương), có 3 người con trai: trưởng tử Thái Bá, thứ tử Trung Dung và tam tử Kỳ Lịch. Trong đó, Kỳ Lịch tài giỏi, con trai của Kỳ Lịch là Thương có những điềm lành của bậc thánh nhân.

Cổ Công Đản Phụ muốn truyền ngôi cho Kỳ Lịch, để cháu trai Thương có thể kế vị. Thái Bá và Trung Dung hiểu được tâm nguyện của cha, vì vậy cả hai cùng rời nhà đến đất Giang Nam (nay là khu vực Ngô Trung), xăm mình cắt tóc, công khai thể hiện rằng họ không thể tiếp nhận ngôi vị, để nhường ngôi cho Kỳ Lịch. Sau đó, Thương kế vị và trở thành Chu Văn Vương. Thái Bá đến đất Giang Nam, tự xưng là Câu Ngô. Người dân Giang Nam cảm động trước nghĩa hành của Thái Bá, vì vậy đã có hơn nghìn gia đình kéo đến quy thuận, lập Thái Bá làm Ngô Thái Bá.

Sau khi Thái Bá qua đời mà không có con, người em Trung Dung trở thành vị vua thứ hai của Câu Ngô. Từ dòng họ Thái Bá, nhà Ngô kéo dài đến đời thứ năm là Chu Chương, khi Chu Vũ Vương đánh bại nhà Ân, tìm kiếm hậu duệ của Thái Bá và Trung Dung. Lúc này, Chu Chương đã là vua Ngô, vì vậy Vũ Vương phong Chu Chương làm vua Ngô. (“Sử Ký – Ngô Thái Bá Thế Gia”)

Lịch pháp của nhà Chu tự nhiên cũng được áp dụng tại Tô Châu, và phong tục lấy Đông chí làm ngày Tết tại Tô Châu đã được truyền từ đời này qua đời khác.

Đông chí – ngày khí dương được sinh ra, ăn bánh trôi đón Tết

Ngoài việc ăn sủi cảo, bánh trôi và hoành thánh cũng là những món ăn đặc trưng trong đêm Đông chí, phổ biến ở cả miền Bắc và miền Nam.

Bánh trôi, một món ăn làm từ gạo nếp, từ xưa đã được người dân Hoa Hạ yêu thích. Trong cung đình nhà Hán, có quan chức “Thang Quan” phụ trách các món bánh và quả khô. Ngược dòng lịch sử, vào thời nhà Chu đã có chức vụ “Biên Nhân”, chuyên cung cấp các món bánh cúng tế và đãi khách, trong đó có một loại bánh được làm từ bột gạo hoặc bột mì, hấp với đậu đỏ, táo và các gia vị, giống như bánh trôi.

Bánh trôi còn gọi là thang thốn, đoàn tử, viên tử, hoàn tử, hay đoàn viên tử. Hình tròn đầy đặn của bánh tượng trưng cho trời, cho sự sinh trưởng của dương khí và đoàn viên. Vào ngày Đông chí, “nhất dương sinh”, đêm dài nhất của mùa đông đã qua, dương khí đã bắt đầu sinh ra từ trời đất, mùa xuân mới sắp đến. Vì thế, mỗi nhà đều ăn bánh trôi để chúc mừng, đồng thời mang ý nghĩa sum họp cuối năm.

Phong tục ăn đậu đỏ và bánh trôi vào ngày Đông chí có một lịch sử lâu dài. (Ảnh: The Epoch Times)

Theo sách ‘Phúc Kiến Chí Thư’, ghi chép về phong tục Đông chí ở các vùng:

– Tại huyện Kiến An, người dân dùng bột gạo nếp làm thành viên tròn, hoặc gọi là thiên viên, dương khí. Lấy hình tròn để đạt được dương khí. Cúng tế tổ tiên và tặng quà cho bà con bạn bè, gọi là đoàn viên tử.

– Tại huyện Phúc Thanh, vào ngày này, chuẩn bị cúng tế gia súc và rượu, trước tiên làm bánh trôi từ bột gạo, mang ý nghĩa đoàn viên.

– Phong tục ở huyện Chương Phổ là người dân làm bánh trôi, cả nhà đoàn tụ ăn cùng nhau, gọi là ‘thêm tuổi’.

– Tại Phúc Kiến, bánh trôi cũng được dùng để cúng tế tổ tiên, và bánh trôi được dán lên cột cửa, lấy hình tròn để đạt được dương khí.

Trong bài ‘Liên Câu Nguyên Tiêu’ của Hoàng đế Càn Long, có nhắc đến bánh trôi là “Đạo cổ truyền ở Giang Chức, nay đầy khắp chợ thành”, điều này cho thấy phong tục ăn bánh trôi ở dân gian đã có từ thời Nam Bắc triều ở khu vực Giang Chức (vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang). Lúc đó, người dân Châu cũng có phong tục ăn cháo đậu đỏ vào Đông chí để xua đuổi bệnh dịch. ‘Giang Chức Tuế Thời Ký’ ghi lại: “Vào ngày Đông chí, căn cứ vào bóng mặt trời, nấu cháo đậu đỏ để trừ dịch bệnh. Theo truyền thuyết, Cộng Công có người con bất tài, chết vào ngày Đông chí, trở thành quỷ dịch, sợ đậu đỏ. Vì vậy, vào ngày Đông chí, người ta nấu cháo đậu đỏ để trừ tà”. 

Sách ‘Hà Nam Chí Thư’ ghi lại phong tục của thành phố Trần Châu: “Vào ngày Đông chí, phong tục là nấu đậu đỏ ăn, và rải nước canh xuống đất để xua đuổi dịch bệnh. Vì vậy, trong ngày Đông chí, ngoài bánh trôi còn có đậu đỏ, chính là một bát bánh trôi đậu đỏ.”

Phong tục ăn đậu đỏ và bánh trôi vào ngày Đông chí có một lịch sử lâu dài, phản ánh nền văn hóa của sự tương sinh và tương khắc giữa âm dương. Người dân ở các vùng ven biển miền Nam thích ăn một bát bánh trôi đỏ và trắng. Bánh trôi đỏ tượng trưng cho dương, còn bánh trôi trắng tượng trưng cho âm. Một bát bánh trôi đỏ trắng cùng nhau, tượng trưng cho sự hòa hợp của âm dương, vạn vật sinh trưởng thịnh vượng.

Bánh trôi Đông chí với màu sắc đỏ trắng xen kẽ, tượng trưng cho sự giao hòa âm dương vào Đông chí, khởi đầu của một vòng tròn mới, vạn vật tươi tốt.

canh bánh trôi nhiều màu sắc. (Ảnh: The Epoch Times)

Ăn hoành thánh chúc mừng sự tái sinh

Vào thời nhà Tống, người dân ăn bánh trôi vào Tết Nguyên Tiêu (như trong bài thơ của Chu Bí Đại mô tả “Nguyên Tiêu nấu bánh trôi nổi”), còn vào ngày Đông chí lại chủ yếu ăn hoành thánh. Trong sách ‘Vũ Lâm Cựu Sự’ của Nam Tống có ghi rằng, vào ngày Đông chí, người dân kinh đô rất coi trọng ngày này. Vào ngày Đông chí, hoành thánh được dùng để cúng tổ tiên, và trong dân gian có câu “Đông chí ăn hoành thánh, Tết ăn bánh bột”. Các gia đình giàu có muốn thử những món mới, một bát hoành thánh có hơn mười loại màu sắc, gọi là “Hoành thánh trăm vị”.

Sách ‘Chính Tự Thông’ của triều đại đầu nhà Thanh có đề cập: “Hoành thánh là tên gọi khác của sủi cảo, thường làm từ bột gạo hoặc mì nghiền thành bột, rồi bao nhân trong đó, hình dáng giống cái tai, lớn nhỏ không đều, hấp chín và ăn”.

Ăn hoành thánh vào ngày Đông chí là để tưởng nhớ đến tổ tiên người Trung Hoa là Bàn Cổ, ông sinh ra khi trời đất hỗn độn. (Ảnh The Epoch Times)

Ăn hoành thánh có ba ý nghĩa về hình thức, âm thanh và nghĩa. Từ “hoành thánh” (餛飩) có âm gần giống với “hỗn độn” (混沌), và vỏ bánh hoành thánh mỏng, bao lấy một viên nhân, tạo thành hình dáng tượng trưng cho sự hỗn độn trong trời đất. Người ta truyền rằng, ăn hoành thánh vào ngày Đông chí là để tưởng nhớ đến tổ tiên người Trung Hoa là Bàn Cổ sinh ra trong “hỗn độn”, đồng thời có ý nghĩa chúc mừng năm mới. Sách ‘Chí Thư’ của tỉnh Chiết Giang ghi lại phong tục ở Bao Phong: “Vào ngày Đông chí… người ta dùng bánh hoành thánh để cúng tế, sau đó ăn bánh, ý nghĩa là để tượng trưng cho việc khai mở hỗn độn”.

Thực ra, về mặt lịch pháp, ‘Đông Chí’ là ‘lịch nguyên’ của lịch thư, tức là trong lịch cổ, lấy đêm rằm tháng mười một âm lịch năm Giáp Tý vào ngày Đông Chí làm điểm khởi đầu cho chu kỳ lịch pháp. (Trong ‘Tứ Thư Chương Cú Tập Chú’ có nói: ‘Người tạo lịch lấy đêm rằm tháng mười một âm lịch năm Giáp Tý vào ngày Đông Chí làm lịch nguyên.’) Từ góc độ này, việc ăn hoành thánh vào ngày Đông Chí không chỉ tưởng niệm mà còn biểu thị cho nền văn minh lịch thư của văn hóa Trung Hoa đã đưa nhân loại từ ‘hỗn độn’ đến một trang mới của nền văn minh, mang ý nghĩa sâu sắc.

Thông qua những phong tục ẩm thực trong ngày Đông chí, chúng ta có thể thấy được lịch sử văn hóa lâu dài và tinh thần nhân văn sâu sắc. 

Dung Nãi Gia

Published by
Dung Nãi Gia

Recent Posts

Brazil đình chỉ thị thực làm việc tạm thời cho BYD liên quan ‘lao động nô lệ’

Bộ Ngoại giao Brazil hôm thứ Sáu (27/12) cho biết, chính quyền Brazil đã đình…

30 giây ago

Giai thoại hài hước về bản giao hưởng “Tiễn biệt” của Joseph Haydn

Chuyện hài hước về người được mệnh danh “cha đẻ của nhạc giao hưởng”.

2 phút ago

Tiếp xúc với ánh sáng ảnh hưởng đến tuổi thọ như thế nào

Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, thời lượng tiếp xúc với ánh sáng…

15 phút ago

Nhà Trắng: Công ty viễn thông thứ 9 bị gián điệp Trung Quốc tấn công mạng

Công ty viễn thông thứ 9 của Mỹ được xác nhận đã bị tấn công…

21 phút ago

Bố cái và bác mẹ

Thời Bố Cái Đại Vương, người ta gọi cha mẹ là bố cái. Qua ca…

21 phút ago