Cựu quản lý cấp cao của công ty ByteDance Mỹ, ông Dư Ấn Đào (Yintao Yu) đã đệ đơn kiện chủ cũ của mình ở California. Ông tiết lộ rằng ByteDance “đã trở thành một công cụ tuyên truyền hữu ích cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” và cho phép đảng này trực tiếp đọc dữ liệu người dùng Mỹ thông qua cửa hậu.
Từ tháng 8/2017 đến tháng 11/2018, ông Dư Ấn Đào là chủ quản phòng kỹ thuật của công ty ByteDance Mỹ. Ông nói rằng ông đã bị sa thải vì vạch trần “hành vi sai trái” của công ty.
Theo bản cáo trạng gỡ niêm phong của Tòa án cấp cao San Francisco vào ngày 12/5, ông Dư Ấn Đào nói rằng Chính phủ Trung Quốc có một văn phòng đặc biệt trong ByteDance, còn được gọi là “ủy ban“. Ủy ban này không làm việc cho ByteDance, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của công ty, ủy ban này có trách nhiệm hướng dẫn công ty thực hiện sâu sắc các giá trị quan cốt lõi của ĐCSTQ.
Ông Dư Ấn Đào cũng tiết lộ rằng ByteDance đã hối lộ ông Lỗ Vĩ (Lu Wei), cựu quan chức của Cục Quản lý Không gian mạng ĐCSTQ và là cựu phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ.
Ông Lỗ Vĩ bị kết án 14 năm tù vào ngày 26/3/2019 và bị phạt 3 triệu Nhân dân tệ. Theo Tân Hoa xã, cơ quan chức năng nêu rõ trong cáo trạng truy tố rằng từ năm 2002 đến năm 2017, Lỗ Vĩ đã trực tiếp hoặc thông qua người khác nhận và chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp của các đơn vị và cá nhân nêu trong cáo trạng, với tổng số tiền hơn 32 triệu nhân dân tệ.
Vụ kiện dân sự lần đầu tiên được tờ New York Times đưa tin vào thứ Sáu (12/5).
Ông Dư Ấn Đào cáo buộc rằng các quan chức Chính phủ Trung Quốc có quyền ra quyết định đóng ứng dụng ByteDance và cũng có thể truy cập dữ liệu ByteDance, bao gồm cả dữ liệu được lưu trữ ở Mỹ. ĐCSTQ có thể lấy dữ liệu của người dùng Mỹ thông qua “kênh cửa hậu trong mã [lập trình]” của ByteDance.
Ông Dư cũng cáo buộc ByteDance quảng bá nội dung theo chủ nghĩa dân tộc để “tăng cường sự tham gia trên trang web của ByteDance và thúc đẩy sự ủng hộ đối với ĐCSTQ.”
Ông cũng đề cập rằng ByteDance đã tích cực hưởng ứng yêu cầu của ĐCSTQ về việc “quảng cáo hoặc xóa” các video ngắn trên nền tảng này. Ví dụ: ByteDance duy trì thống nhất cách giải quyết vấn đề với ĐCSTQ trên nền tảng, và quảng bá nội dung thù hận Nhật Bản. Tương tự, ByteDance cũng đang cố tình kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc thù hận Mỹ và các quốc gia khác. Ngoài ra, công ty đã xóa các video ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, và quảng bá rầm rộ nội dung chỉ trích người biểu tình Hồng Kông.
Ông Dư đã làm việc một thời gian tại văn phòng Trung Quốc của ByteDance, tận mắt chứng kiến các kỹ sư Trung Quốc của TikTok điều chỉnh thuật toán của nó để quảng bá nội dung thù hận Nhật Bản trên nền tảng này.
Ông Dư Ấn Đào cũng cho biết, ByteDance đã phát triển một chương trình có thể đánh cắp nội dung do người dùng tải lên các nền tảng của đối thủ cạnh tranh khác mà không cần sự đồng ý của người dùng, sau đó đưa nội dung lên các nền tảng của riêng họ như Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) hoặc TikTok, để thu hút nhiều người dùng hơn.
Sau khi ông Dư bày tỏ sự lo lắng với cấp trên của mình là Chu Văn Giai (Zhu Wenjia), người phụ trách thuật toán TikTok, Chu đã “bác bỏ” điều này và nói rằng “đó không phải là vấn đề lớn”.
TikTok là công ty con của ByteDance và là công ty chị em với Douyin phiên bản Trung Quốc.
Ông Dư cáo buộc rằng ByteDance cũng thiết lập các tài khoản giả để bấm thích hoặc theo dõi nội dung tải lên của những người dùng tài khoản thật khác, nhằm tạo ra ảo tưởng về tỷ lệ nhấp chuột cao.
Vào thứ Sáu, ByteDance đã bác bỏ các cáo buộc của ông Dư về hoạt động kinh doanh của ByteDance, nói rằng các cáo buộc là “vô căn cứ” và “phản đối mạnh mẽ”.
Bản cáo trạng cho biết, ông Dư Ấn Đào là cư dân của California. Khi ByteDance thuê ông, ông được hứa sẽ nhận được quyền mua cổ phiếu của công ty và khoản đặt cọc 600.000 USD để mua quyền sở hữu trí tuệ của công ty riêng của ông là Tank Exchange, với điều kiện ông phải làm cho ByteDance hai năm.
Nhưng sau hơn một năm làm việc, ông đã bị ByteDance sa thải.
Ông Dư đã đệ đơn kiện ByteDance vì bị sa thải không thỏa đáng, yêu cầu công ty bồi thường cho ông khoản tiền lương bị mất và 220.000 cổ phiếu công ty chưa được cấp, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cáo trạng viết, vào tháng 11/2018, ông bị sa thải mà không nhận được các lựa chọn cổ phiếu đã hứa. Vào năm 2019, ông đã đệ đơn khiếu nại về sự phân biệt đối xử lên Bộ Nhà ở và Việc làm Công bằng của California.
Bytedance nói rằng ông Dư Ấn Đào đã được thông báo về việc bị sa thải, nhưng ông lại nói rằng ông chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông báo nào.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…