Có bình luận cho rằng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ sẽ có thay đổi lớn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, trong đó đáng chú ý là thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty tư nhân, thúc đẩy thăm dò sao Hỏa, đảm bảo Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ.
Tờ Newsweek hôm thứ Tư (27/11) đưa tin, động lực giúp Trump cải cách NASA chính là tỷ phú Elon Musk. Việc ông Musk sẽ cải cách cơ quan có cơ sở hạ tầng già cỗi và khó có đủ ngân sách này như thế nào đang là vấn đề gây chú ý.
Khi nhắc đến công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Musk, người ta liên tưởng ngay đến lĩnh vực khám phá không gian. Trong vài năm qua, ông đã định hình lại ngành công nghiệp vũ trụ, chứng minh rằng các công ty tư nhân có thể phát triển các giải pháp sáng tạo và giá cả phải chăng nhanh hơn các chương trình của chính phủ.
Đến năm 2026, NASA có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng. Nếu thành công, đó sẽ là kết quả của nhiều năm nỗ lực khoa học, cam kết và trí tuệ của NASA. Đến lúc đó, Trump sẽ trở thành tổng thống thứ 2 trong lịch sử gọi điện thoại lên Mặt trăng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chính sách không gian.
Năm 2017, chính quyền Trump đã khởi động chương trình Artemis để đưa con người trở lại Mặt trăng, với mục tiêu là xây dựng một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng và thúc đẩy việc khám phá sao Hỏa.
Ngày 6/2/2023 tại Cape Canaveral bang Florida, NASA và Hải quân Mỹ tổ chức diễn tập thu hồi viên nang không gian của nhiệm vụ Artemis II, sử dụng cần cẩu để thu lại tàu vũ trụ Orion (mô phỏng) từ mặt nước. (Ảnh: Joe Raedle / Getty)
Ông Trump cũng đã thành lập Lực lượng Không gian Mỹ được xem là quân chủng mới đầu tiên kể từ năm 1947, mà ông gọi là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Casey Dreier, người đứng đầu chính sách không gian của Hiệp hội Hành tinh Mỹ (Planetary Society), cho biết sự thành công của chương trình không gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump chủ yếu là do được ủng hộ của lưỡng đảng.
Dreier nói với Newsweek: “May mắn thay, không gian là một trong những pháo đài mà lưỡng đảng có đồng thuận, và chính quyền khóa đầu của Trump đã chứng minh điều đó”.
Trong nhiệm kỳ mới của Trump, ông Musk sẽ đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới thành lập (DOGE) – một ủy ban cố vấn bên ngoài, nhằm cắt giảm các quy định dư thừa và giảm chi tiêu lãng phí.
Với tư cách là đồng lãnh đạo của DOGE, Musk đe dọa sẽ cắt giảm 2000 tỷ USD từ ngân sách liên bang để đảm bảo tiền thuế của người dân được sử dụng tối ưu nhất. Do đó, liệu tài trợ của NASA có bị ảnh hưởng hay không, và làm thế nào để đạt được sự cân bằng đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài.
Vào tháng Mười, Học viện Quốc gia Mỹ đã công bố một báo cáo có tựa đề “NASA ở ngã tư đường”. Báo cáo chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng cũ kỹ, áp lực ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn và thiếu hiệu quả quản lý đều là những thách thức mà NASA phải đối mặt.
Tờ Newsweek phân tích, Hệ thống phóng không gian (SLS) dùng tên lửa đẩy hạng nặng đắt tiền của NASA là một cơ hội tiết kiệm chi phí. SLS là tên lửa dùng một lần, chỉ sau 2 năm mới có thể phóng một lần, mỗi lần phóng có giá khoảng 4,1 tỷ USD.
Ngược lại, tên lửa Starship của SpaceX có thể tái sử dụng và công ty đang cố gắng giảm chi phí cho một chuyến bay xuống dưới 10 triệu USD.
Tàu vũ trụ có người lái Orion được kết hợp trong SLS có tấm chắn nhiệt luôn có vấn đề, đánh giá gần đây xác định có thể đe dọa an toàn của phi hành đoàn. Điều này có nghĩa là sau khi Trump nhậm chức, ông có thể ngừng phát triển SLS và chuyển sang sử dụng tên lửa Starship để tiến hành chương trình Artemis.
Hợp tác tiềm năng giữa Trump và Musk tại NASA mang đến cả cơ hội và thách thức. Một mặt, nó có thể đẩy nhanh tốc độ đưa con người quay trở lại Mặt trăng và sao Hỏa, đồng thời thúc đẩy đổi mới thông qua hợp tác thương mại. Mặt khác, một số chuyên gia lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến các sứ mệnh khoa học của NASA và tập trung ảnh hưởng vào tay các thực thể tư nhân.
Phó giáo sư P.J. Blount chuyên về luật vũ trụ tại Đại học Durham – Anh nói rằng Musk giống như một con dao hai mặt đối với NASA, nếu Musk có ảnh hưởng lớn trong quá trình ra quyết định, thì công luận có thể đặt câu hỏi liệu chính phủ có thực sự thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ hay không, hay để các hoạt động không gian trở thành do cá nhân độc quyền thao túng.
“Vai trò của NASA nên rộng hơn là chỉ mua từ các công ty thương mại, tổ chức cũng phải ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và lợi ích công cộng,” Blount cho hay.
Nhưng cũng có những chuyên gia lạc quan. “SpaceX và các công ty tư nhân khác đã chứng minh rằng họ có thể cung cấp các giải pháp nhanh hơn, rẻ hơn và có thể an toàn hơn,” giáo sư Kani Sathasivam về quan hệ quốc tế tại Đại học bang Salem nói với Newsweek.
Ông Sathasivam nói thêm rằng mặc dù ông ủng hộ NASA hợp tác với các công ty tư nhân, nhưng điều quan trọng là phải duy trì vai trò đại diện cho lợi ích của Mỹ trong không gian.
“Rốt cuộc chỉ có NASA mới có thể mang lá cờ Mỹ lên vũ trụ thể hiện đại diện cho lợi ích quốc gia Mỹ, đặc biệt là khi chống lại các nước như Trung Quốc và Nga,” ông nói.
Năm 2015, Musk cho biết ông thành lập SpaceX vì NASA chậm chạp trong việc đáp xuống sao Hỏa.
Năm 2019, ông Trump viết trong một bài đăng trên X: “Chúng ta đã chi rất nhiều tiền, NASA không nên nói về việc lên Mặt trăng là điều mà chúng ta đã làm cách đây 50 năm. Họ nên tập trung vào những điều lớn hơn mà chúng tôi đang làm, bao gồm cả việc lên sao Hỏa (trong đó Mặt trăng là một phần), quốc phòng và khoa học!”
Vì vậy Trump và Musk dường như có tầm nhìn tương tự về sứ mệnh sao Hỏa.
Tên lửa Starship mà công ty SpaceX đang phát triển có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các phi hành gia và thiết bị lên sao Hỏa, củng cố vị trí thống trị của Mỹ trong lĩnh vực thăm dò không gian.
Phòng thủ không gian là một ưu tiên khác của chính quyền Trump. Ông nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ tăng cường phòng thủ quân sự của Mỹ trong không gian bằng cách thành lập Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không gian.
Tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 29/8/2019, Thượng tướng John W. Raymond đứng bên cạnh lá cờ của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ mới thành lập – đơn vị vũ trang thứ 6 của Mỹ. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty)
Hoạt động thăm dò không gian của Trung Quốc luôn nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc, các công ty tư nhân chỉ có thể phát huy vai trò hạn chế. Đối mặt với chương trình không gian không ngừng phát triển của Trung Quốc, chính quyền Trump sẽ cần cố gắng hơn nữa để duy trì vị trí thống trị của Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ.
Trung Quốc có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng trước năm 2030, đồng thời trong 10 năm tới hợp tác với Nga để xây dựng căn cứ nghiên cứu Mặt trăng.
Trung Quốc cũng đẩy nhanh thời gian biểu thu thập mẫu từ sao Hỏa, tuyên bố có thể đạt được sớm nhất là vào năm 2031. Điều này sớm hơn so với nhiệm vụ lấy mẫu từ sao Hỏa (MSR) của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Tờ Newsweek chỉ ra, Trump không thể để cho Trung Quốc cắm cờ trên bề mặt Mặt trăng, ông cũng nhận thức rõ ràng hiện nay cạnh tranh trong lĩnh vực thăm dò sao Hỏa ngày càng gay gắt – một vòng chạy đua không gian mới sắp đến giữa hai cường quốc. Để giành chiến thắng trong cuộc đua này, có thể với Trump và Musk thì việc phát triển hợp tác giữa NASA và các công ty tư nhân như SpaceX là rất quan trọng.
Tiếng nổ lớn kèm theo bụi mù mịt trên đỉnh núi Con Voi, nơi xảy…
Đồng rúp Nga mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ khiến Ngân hàng…
Gần 1,3 km cáp ngầm của hệ thống đèn chiếu sáng trên cao tốc Cam…
Một người đàn ông ở Gia Lai bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ…
Gần đây, có thông tin cho rằng nhiều thương hiệu băng vệ sinh ở Trung…
Sau 7 ngày mất tích, cháu bé 2 tuổi được tìm thấy trên sông ở…