Những khám phá mang tính đột phá của 2 nhà khoa học đã giải thích cách thức nhiệt độ nóng, lạnh và lực cơ học có thể kích hoạt các xung thần kinh và cho phép chúng ta nhận thức, thích nghi với thế giới xung quanh.
Kiến thức này đang được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho hàng loạt chứng bệnh, bao gồm cả cơn đau mãn tính.
“Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta coi những cảm giác này là đương nhiên, nhưng làm thế nào các xung thần kinh bắt đầu có thể cảm nhận được nhiệt độ và áp suất? Câu hỏi này đã được giải đáp bởi những người đoạt giải Nobel năm nay”, Ủy ban Nobel cho hay.
Giáo sư David Julius là nhà sinh lý học người Mỹ đang làm việc tại Đại học California ở San Francisco. Giáo sư Ardem Patapoutian là chuyên gia sinh học phân tử người Mỹ gốc Armenia, làm việc cho Viện Scripps Research ở La Jolla, California.
Giáo sư David Julius đã sử dụng capsaicin, một hợp chất cay từ ớt gây ra cảm giác nóng, để xác định cảm biến trong các đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt.
Trong khi đó, giáo sư Ardem Patapoutian sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một lớp cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trong da và các cơ quan nội tạng.
“Công trình này mở ra một trong những bí mật của tự nhiên bằng cách giải thích cơ sở phân tử cảm nhận nhiệt độ và lực cơ học”, giáo sư Patrik Ernfors – chuyên gia về sinh học cảm giác tại Viện Karolinska và là thành viên của Ủy ban Nobel – nói với Guardian.
Giải Nobel Y học năm 2020 thuộc về 3 tác giả Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice về những nghiên cứu đối với virus gây ra viêm gan C. Phát hiện về virus viêm gan C đã làm rõ được nguyên nhân những ca bệnh viêm gan mạn tính, mở ra khả năng xét nghiệm máu và phát triển thuốc điều trị giúp cứu sống hàng triệu người.
Kể từ năm 1901 đến năm 2020, có tổng cộng 111 giải Nobel Y học được trao, trong đó có 12 nhà khoa học là phụ nữ.
Trong lịch sử, người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Y học là bác sĩ Frederick Banting nhờ nghiên cứu phát hiện ra insulin. Khi ông nhận giải vào năm 1923, nhà khoa học người Canada khi đó mới 32 tuổi. Ông nhận giải cùng đồng nghiệp là John Macleod. Người già nhất từng nhận giải là ông Francis Peyton Rous, năm 1966, ở tuổi 87.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo di chúc của Alfred Nobel, nhà phát minh – nhà từ thiện người Thụy Điển, để lại năm 1895. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.
Chủ nhân mới của giải thưởng Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, trong đó giải đầu tiên là Nobel Y học ngày 4/10, tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý ngày 5/10, Hóa học ngày 6/10, Văn học ngày 7/10 và Hòa bình ngày 8/10. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng, vào ngày 11/10.
Năm nay sẽ là năm thứ 2 liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm: