Bộ Công thương khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng…
Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố, tập trung lớn tại miền Bắc, bắt đầu lan xuống miền Trung khi Thừa Thiên-Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số lợn tiêu hủy tính tới thời điểm hiện tại là hơn 34.700 con.
Mặc dù vậy, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá tính đến thời điểm hiện tại, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm.
“Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến” – cơ quan quản lý thị trường nhận định.
Bộ Công thương khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định; nhận định nguồn cung các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá… hiện vẫn tăng trưởng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh.
Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ… Các doanh nghiệp thương mại sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường – xuất phát từ tâm lý e ngại sử dụng thịt lợn trong thời gian xảy ra dịch bệnh – để xác định lượng nhập khẩu phù hợp.
Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn (tăng 2,2% so với năm 2017), theo Bộ Công thương.
Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu Sở Công Thương các địa phương phối hợp với lực lượng liên quan (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch thú y…) tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với các tỉnh có chung đường biên giới.
Trước đó, tại buổi họp khẩn chiều ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ cao nhất với dịch tả lợn châu Phi là vùng Đồng bằng sông Hồng với số lợn bệnh hiện đang ở mức cao nhất, miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc, xung quanh là thị trường khổng lồ TP. HCM.
“Nếu để lây lan sang các khu vực này thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa phải mất thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi”, ông Cường nói.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Hiện đàn lớn nhất là 587 con buộc phải tiêu hủy tại Hải Phòng.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…