Bộ KH-ĐT: “Năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn”

Ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên thế giới cộng khả năng chống chịu giới hạn của nền kinh tế trong nước khiến doanh nghiệp, người lao động tại Việt Nam được dự báo còn tiếp tục phải đối diện nhiều khó khăn trong những tháng còn lại năm 2020. 

Công nhân làm việc tại Công ty Lâm Phát (TP.HCM), tháng 11/2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. (Ảnh: Selva Rajan Tamil Selvan/Shutterstock)

Tình trạng tăng trưởng “giảm” và “đóng băng”

Chính phủ vừa trình Quốc hội Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết tăng trưởng GDP quý 1/2020 đạt thấp (3,82%) so với cùng kỳ các năm trước. 

Tăng trưởng GDP quý 1/2020 thấp nhất trong một thập niên. (Số liệu: Bộ KH-ĐT)

Trong 2 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh còn cầm chừng do mới bị ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc. Từ tháng 3, với diễn biến dịch trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống gần như dừng hẳn hoạt động, kéo dài đến gần hết tháng 4.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%.

Ngoài một số ngành có mức tăng trưởng tăng, nhiều ngành có mức tăng trưởng giảm mạnh như ngành khai khoáng giảm 6,8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%).

Tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm đạt 3,71 triệu lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó các thị trường lớn như Trung Quốc (giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2019), Hàn Quốc (giảm 43,3%), Nhật Bản (giảm 33,6%), Mỹ (giảm 38,5%), Úc (giảm 37,3%), châu Âu (giảm 25,4%). Nguồn thu từ khách du lịch nội địa giảm hẳn do mọi hoạt động tham quan di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội phải tạm dừng.

Vận tải hàng hóa giảm 7,2% (đạt 534,5 triệu tấn), luân chuyển 103,8 tỷ tấn.km, giảm 7,8%; vận tải hành khách giảm 27,5% (đạt 1.231,3 triệu lượt), luân chuyển 57,4 tỷ lượt khách.km, giảm 30,6%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa chững lại do các nước đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ hủy, dừng xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng vì dịch COVID-19 lây lan mạnh tại đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch lớn hơn cả trong xuất khẩu (chiếm 68,1% tổng kim ngạch) và nhập khẩu (chiếm 57,9% tổng kim ngạch).

(Số liệu: Bộ KH-ĐT)

Trong 4 tháng đầu năm, gần 41,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: gần 22,7 nghìn doanh nghiệp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%); gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 19,2%); 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%).

Theo Bộ KH-ĐT, tình trạng tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể cho thấy xu hướng của doanh nghiệp là “đóng băng” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp.

Thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019; vốn thực hiện ước đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi chi 4 tháng đầu năm bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8%, chủ yếu tăng chi do các hoạt động y tế, vệ sinh môi trường, các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng dịch COVID-19.

Khả năng cầm cự của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn

Theo Bộ KH -ĐT, tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia đang suy giảm toàn diện do tác động của dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm của kinh tế thế giới từ cuối năm 2019.

Những tháng còn lại trong năm 2020, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thế giới còn nhiều biến động, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam dự báo còn nhiều khó khăn khi tiến trình cơ cấu chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu hạn chếcủa nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước.

“Năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam” – báo cáo nhận định.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản được đánh giá còn dư địa để tăng trưởng, góp phần ổn định nền kinh tế, dù thực tế còn tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản…

Đối với ngành công nghiệp, Việt Nam tiếp tục cùng lúc đối mặt với “khó khăn kép” về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày – vốn là những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất.

Ngành du lịch năm 2020 sẽ thiệt hại nặng – theo Bộ KH-ĐT, khi khách quốc tế từ Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, ước tính sẽ giảm mạnh. Trước khi xảy ra dịch, mức chi tiêu của du khách bình quân khoảng 743,6 USD/khách đối với khách Trung Quốc và 1.141,5 USD/khách quốc tế khác.

Các ngành dịch vụ vận tải, lữ hành, lưu trú, ăn uống… đều sẽ giảm do tâm lý du khách quốc tế và nội địa và các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền.

Theo Bộ KH-ĐT, dự báo trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thể còn nghiêm trọng hơn do khả năng cầm cự của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm mạnh so với năm 2019 do bị giảm mạnh cả về đầu vào (nguồn cung nguyên liệu) và đầu ra (số lượng đơn hàng), trong khi chi phí ngày càng tăng (đặc biệt là lương chi trả cho người lao động), dự kiến phải cắt giảm mạnh lao động.

Dự báo những tháng còn lại trong năm 2020, quy mô lao động, đặc biệt trong khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống sẽ giảm mạnh. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khả năng bị sụt giảm mạnh doanh thu và có nguy cơ phá sản, đứng trước tình trạng phải sa thải hàng hoạt giáo viên. Trong quý 1 vừa qua, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 75,4%, thấp nhất 10 năm qua.

Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác – Bộ KH-ĐT cảnh báo.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2020, khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng khoảng 26 ngàn người so với quý trước. Đáng lưu ý, số thanh niên thất nghiệp (từ 15-24 tuổi) chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp, cao gấp 5,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động trưởng thành (người từ 25 tuổi trở lên).

Ngoài 1,1 triệu người thất nghiệp, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, trong đó tập trung lớn nhất ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (1,2 triệu người), tiếp đến là ngành ngành bán buôn, bán lẻ (khoảng 1,1 triệu người), ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (khoảng 740 ngàn người).

Trong những tháng còn lại trong năm, dự báo tình hình lao động, việc làm sẽ sẽ càng khó khăn hơn, do các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI. Theo Bộ KH-ĐT, các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn việc tăng vốn và mở rộng đầu tư. Việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, vật tư đầu vào và nhân lực kỹ thuật và tay nghề cao nước ngoài bị hạn chế, cách ly; thị trường xuất khẩu, tiêu thụ suy giảm dẫn tới chưa thể sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, dẫn tới không mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới.

Về ngân sách nhà nước, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm mạnh. Theo Bộ KH-ĐT, thu ngân sách nhà nước đã mạnh hơn kể từ đầu tháng 3/2020, giá dầu thế giới biến động mạnh, khó lường, có thời điểm âm. Song chi ngân sách nhà nước dự kiến phải tiếp tục chi cho các hoạt động phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đầu tư một số dự án khẩn cấp… trong thời gian tới.

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt mức 4,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là 4,9%, thậm chí Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) chỉ đưa ra con số 2,7%.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

32 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

39 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

57 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

1 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago