Sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh này tiếp tục tái phát tại 4/7 xã, phường thuộc TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu, gần 100 con lợn tái đàn phải tiêu hủy, truyền thông trong nước đưa tin.
Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu vào ngày 8/6, TTXVN đưa tin ngày 24/6.
Kết quả xét nghiệm do Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương thực hiện có kết quả dương tính với virus gây bệnh tả lợn châu Phi. Ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP Lai Châu công bố dịch tả lợn châu Phi tại phường Quyết Thắng.
Trang địa phương, Báo Lai Châu ngày 26/6 cho biết từ bản Màng, dịch bệnh tiếp tục lây lan sang 13 hộ tại 7 bản thuộc các phường Quyết Thắng, phường Đông Phong và xã San Thàng, xã Sùng Phài. Tính đến ngày 25/6, số lợn ốm, chết và tiêu hủy là 96 con (15 nái, 12 nái hậu bị, 36 lợn con và 33 lợn thịt), tổng trọng lượng là 6,776 tấn.
Sang ngày 26/6, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện thêm ở một số bản tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.
TTXVN dẫn nhận định từ cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân tái phát các ổ dịch tả lợn châu Phi tại TP Lai Châu có thể do tái phát từ những ổ dịch cũ từ năm 2019. Mầm bệnh tồn tại lâu trong môi trường, khi vào hè, thời tiết thất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi khiến virus thuận lợi phát triển.
Nguyên nhân thứ hai, từ đầu năm đến nay, lợn, sản phẩm của lợn từ nơi khác vào tỉnh Lai Châu không được kiểm soát do đã giải thể các chốt kiểm dịch động vật, trong khi các tỉnh lân cận như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… đều đang tái phát dịch.
Nguyên nhân thứ ba, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung, 251 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều nằm trong khu dân cư… tạo nguy cơ khiến dịch bệnh tái phát và lây lan. Trên thực tế, chỉ trong hai ngày 22-23/6, dịch đã bùng phát đồng loạt tại xã San Thàng, xã Sùng Phài và phường Đông Phong.
Bộ NN-PTNT Việt Nam dẫn thống kê của ngành Thú y cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, buộc tiêu hủy 34.000 con lợn.
Đáng chú ý, trong tháng 6 (tính đến ngày 28/6), dịch đã xảy ra tại 143 xã thuộc 14 tỉnh, trong đó có 1 xã mắc mới và 142 xã tái phát. Tổng số lợn bị buộc phải tiêu hủy trong tháng là 5.856 con.
Một số tỉnh bị nặng như Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, theo đánh giá của bộ này.
Trong năm 2019 (tính đến ngày 11/12/2019), tổng số lợn phải tiêu hủy trên cả nước là gần 5,95 triệu con, tổng trọng lượng trên 340.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước, theo số liệu tổng kết của Bộ NN-PTNT Việt Nam.
Đối với tỉnh Lai Châu vừa công bố dịch, theo Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, từ ngày 19/3/2019 (ca bệnh đầu tiên) đến ngày 25/12/2019 (ngày có ca bệnh cuối cùng), có 93/108 xã, phường, thị trấn đã xảy ra dịch bệnh; trong đó 20 xã tái phát dịch.
Dịch bệnh xảy ra tại 5.643/51.950 hộ (tính theo số hộ có lợn tiêu hủy), chiếm khoảng 11%. Số lợn buộc phải tiêu hủy là 21.270 con, trọng lượng 875,198 tấn.
Nguyễn Sơn
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…