Sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, cho biết, họ không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính, cổ phiếu của ngân hàng tư nhân này đã lâm vào cảnh khó khăn và giảm mạnh hơn 30% vào thứ Tư (15/3), đạt mức thấp kỷ lục mới. Vụ việc trên đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư về lĩnh vực ngân hàng, khiến cổ phiếu ngân hàng châu Âu lao dốc.
Hôm thứ Ba (14/3), Credit Suisse thừa nhận rằng do kiểm soát nội bộ yếu kém, ngân hàng này đã phát hiện ra “những thiếu sót đáng kể” trong báo cáo tài chính của mình trong 2 năm qua, và không thể ngăn chặn dòng tiền của khách hàng chảy ra ngoài.
Trong cùng ngày, Giám đốc điều hành Ulrich Koerner kêu gọi các nhà đầu tư kiên nhẫn, và nói rằng Credit Suisse vẫn đang ở trong tình trạng tài chính tốt.
Ông Ammar Al Khudairy, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, rằng lý do không đưa ra khoản đầu tư lớn hơn vào Credit Suisse, là vì việc nắm giữ nhiều hơn có thể gây ra các rào cản pháp lý bổ sung.
Trước câu hỏi “Liệu Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út có sẵn sàng bơm thêm vốn nếu được yêu cầu tăng thanh khoản trở lại hay không”, ông Al Khudairy nói: “Câu trả lời là hoàn toàn không. Có nhiều lý do khác ngoài lý do đơn giản nhất, bao gồm cả việc quản lý và (nguyên do) theo luật định.”
Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Saudi được sở hữu 37% bởi quỹ tài sản có chủ quyền của vương quốc. Ngân hàng này đã nắm giữ 9,9% cổ phần sau khi tham gia gây quỹ cho Credit Suisse vào năm ngoái, và trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse. Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út đã cam kết đầu tư tới 1,5 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 1,6 tỷ USD).
Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn không làm điều đó, vì nhiều lý do, trong đó đơn giản nhất là vì pháp lý. Mức sở hữu là 9,8% rồi và nếu vượt 10%, chúng tôi sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới, dù là của giới chức châu Âu hay Thụy Sĩ.”
“Chúng tôi không có xu hướng áp dụng một chế độ quản lý mới. Tôi có thể kể ra 5, 6 lý do khác, nhưng một trong số đó là có một giới hạn vô hình mà chúng tôi không định vượt qua.”
Credit Suisse từng là một tay chơi lớn ở Phố Wall. Họ đã mắc phải một loạt sai lầm ngớ ngẩn, khi không tuân thủ quy định trong vài năm qua, và làm tổn hại đến danh tiếng và lợi nhuận của ngân hàng này, đồng thời khiến một số giám đốc điều hành hàng đầu mất việc.
Vào tháng 10/2022, Credit Suisse đã bắt tay vào một kế hoạch tái cấu trúc “tích cực”, nhằm cắt giảm 9.000 việc làm toàn thời gian, tách khỏi ngân hàng đầu tư và tập trung vào quản lý tài sản.
Trong những năm gần đây, đây là lần điều chỉnh chiến lược thứ 2 của Credit Suisse. Nhưng đến nay, sự tinh chỉnh này không thu hút được các nhà đầu tư, hay ngăn chặn được dòng chảy ồ ạt của khách hàng.
Trong quý IV, số tiền khách hàng rút khỏi ngân hàng này đã lên hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ (120 tỷ USD). Họ cũng ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) – lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Khoản phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng này đã lên kỷ lục 574 điểm cơ bản (5,74%), theo S&P Global Market Intelligence. Phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.
Nỗi lo lắng trên khắp các thị trường tài chính sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có nguy cơ làm phức tạp thêm nỗ lực này.
Ông Al Khudairy đã nói rằng ngân hàng của ông không muốn để cổ phần của mình (trong Credit Suisse) vượt quá mức hiện tại. Tháng 10/2022, ông nói rằng ông “thích” ban lãnh đạo mới của Credit Suisse, và quyết tâm thực hiện kế hoạch quay vòng của họ. Nhưng vào lúc này, bất kỳ cổ phần bổ sung nào cũng đều “không khả thi”.
Tin tức về sự sụt giảm giá cổ phiếu của Credit Suisse vào thứ Tư (15/3) đã khơi lại sự lo lắng của các nhà đầu tư về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng toàn cầu, sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Chứng khoán ngân hàng châu Âu giảm mạnh vào thứ Tư, đảo ngược mức tăng trước đó. Chỉ số ngân hàng châu Âu có thời điểm giảm hơn 6%.
Cổ phiếu của các ngân hàng Pháp – BNP Paribas, Societe Generale và Ngân hàng Đức – Commerzbank, Deutsche Bank có thời điểm giảm từ 8% – 10%.
Các cơ quan quản lý và giám đốc điều hành tài chính trên khắp thế giới đã cố gắng xoa dịu lo ngại về sự lây lan sau sự cố tuần trước tại Ngân hàng Silicon Valley và một ngân hàng khác của Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn những lo ngại.
“Thị trường thật điên rồ. Từ các vấn đề với các ngân hàng Mỹ đến các vấn đề với các ngân hàng châu Âu, đầu tiên (ở châu Âu) với Credit Suisse,” ông Carlo Franchini, người đứng đầu bộ phận khách hàng tổ chức tại Banca Ifigest có trụ sở tại Milan, Ý cho biết.
Nhưng hôm thứ Tư (15/3), Chủ tịch Credit Suisse, ông Axel Lehmann, cho biết sự lây lan từ vụ sụp đổ Ngân hàng Silicon Valley gần đây đã được khoanh vùng và ngăn chặn. Ông cũng từ chối bình luận về việc liệu công ty của ông có cần bất kỳ hình thức hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ hay không.
Các ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase & Co, Citigroup và Bank of America đều bị ảnh hưởng, cổ phiếu giảm từ 2% – 4% vào thứ Tư.
Theo Reuters, ông Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest, cho biết: “Trong ngắn hạn, tất nhiên có nỗi sợ lây lan. Từ khi Credit Suisse thông báo họ gặp một số vấn đề trong việc huy động vốn, bạn thấy đấy, điều này đã diễn ra trên thị trường. Nhưng phải nói rằng tôi không nghĩ nó sẽ lan sang Mỹ. Điều này đã xảy ra khi 2 ngân hàng (Silicon Valley và Signature Bank) đóng cửa (ám chỉ sự lây lan ở Hoa Kỳ).”
“Họ (Credit Suisse) đã phải vật lộn với khoản vay của mình trong suốt 2-3 năm qua. Nếu không có thêm vốn, rất có thể họ sẽ bị mua lại.”
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…