Từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8, trong 162 doanh nghiệp (DN), có 893 ca F0 ở 21 DN, hơn 44.100 người phải tạm nghỉ việc – Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết. Các DN đang duy trì hoạt động đang đối diện thêm hàng loạt chi phí phát sinh theo quy định 3T, trong đó có chi phí bất cập như bộ test nhanh chỉ 100.000 đồng/bộ nhưng giá test lại ở mức 280.000 đồng/bộ.
Tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 7/8, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 8,205 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020; trung bình giá trị xuất khẩu là gần 1,4 tỷ USD/tháng.
Trong tháng 7, do dịch bùng phát ở 4 trung tâm chế biến gỗ lớn, giá trị xuất khẩu của toàn ngành chỉ đạt khoảng 1,19 tỷ USD, giảm 28% so với tháng 6.
Theo kết quả khảo sát nhanh 162 DN gỗ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8, có 84 DN đã tạm ngừng hoạt động (chiếm 52%), 78 DN còn duy trì sản xuất theo quy định “3 tại chỗ” (chiếm 48%).
Trong tổng gần 68.000 lao động trước dịch, hơn 44.100 người phải tạm nghỉ việc (chiếm 65%), chỉ có 35% lao động có làm việc và có 893 ca F0 ở 21 doanh nghiệp.
Trong 78 DN còn duy trì sản xuất, số lao động đã giảm gần 50% so với trước dịch (23.687/47.066 người).
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết nhóm DN còn hoạt động giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, giữ được một phần các đơn hàng và duy trì được thị trường. Tuy nhiên, nhóm DN này đang đối diện với rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất là chi phí xét nghiệm cho người lao động. Hiện DN phải bỏ chi phí cho người lao động test nhanh 3 ngày/lần và test PCR 7 ngày/lần.
Theo phản ánh của DN, giá bộ test nhanh nhập về khoảng 100.000 đồng/bộ, nhưng giá test cho DN với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280.000 đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test lẻ từ 300.000 – 350.000/bộ. Ở tỉnh Đồng Nai, chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công nhân tăng cao từ khoảng 1,5 triệu đồng-2 triệu đồng/người.
“Với quy mô hàng nghìn lao động thì DN đang phải chi phí dịch vụ xét nghiệm rất cao sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, do lực lượng lao động nhiều, nên việc tập trung đông người để kiểm tra, test mẫu cũng làm tăng nguy cơ lây truyền nhiễm cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp” – hiệp hội cho hay.
Thứ hai là kinh phí để duy trì 3T. Theo hiệp hội, nhiều DN đã kiệt quệ nguồn lực khi dịch kéo dài 2 năm qua, nay khi thực hiện sản xuất 3T (sắp xếp chỗ ăn ngủ, chi phí y tế, hậu cần tại chỗ …), chi phí đầu vào liên tục tăng cao.
DN phải giảm công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 20-40% tổng số lao động thực tế nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu cũng giảm mạnh. Nếu duy trì sản xuất 3T kéo dài, có thể sẽ có nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản.
Thứ ba, ngay khi thực hiện 3T, lỗ hổng lây nhiễm vẫn tồn tại vì DN không thể hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài khi phải nhập nguyên liệu gỗ, vật tư phụ liệu, hóa chất, bao bì, các nhu yếu phẩm, vẫn phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, ngân hàng, hải quan, cảng biển…, và vẫn có thể trở thành ổ dịch trong phương thức sản xuất này.
Thứ tư, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần so với trước khi có dịch bệnh); khó khăn trong vận chuyển nguyên vật liệu ngành gỗ do không nằm trong nhóm hàng thiết yếu được lưu thông.
Đối với thị trường cạnh tranh quốc tế, Hàn Quốc đã áp thuế chống bán phá giá 10% với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam từ đầu năm 2020; Canada áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất 101% đối với ghế bọc đệm từ ngày 5/5/2021; Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra gỗ dán từ tháng 6/2020, đến nay chưa có kết luận.
Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã khởi xướng điều tra 301 cáo buộc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp. Phía Việt Nam đã tham dự điều trần và đã cung cấp nhiều bằng chứng Việt Nam nỗ lực loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung và các doanh nghiệp gỗ Việt tuyệt đối tuân thủ Đạo luật Lacey Act của Hoa Kỳ khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường nước này, nhưng đến nay, USTR chưa có thông báo về diễn tiến của quá trình điều tra 301 ngành gỗ.
Với tình hình trên, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT có văn bản gửi DOC và USTR đồng tình với những hành động Việt Nam đã và đang làm để loại bỏ gỗ bất hợp pháp.
Đối với điều kiện sản xuất, hiệp hội này đề nghị giới chức các tỉnh thành cân nhắc lại phương thức 3T, như DN ở những khu vực, vùng chưa xuất hiện F0 và công nhân di chuyển chủ yếu trên một tuyến đường thì cho DN đưa đón công nhân đi/về và thực hiện nghiêm việc phòng dịch.
Đáng lưu ý, hiệp hội đề nghị Chính phủ “xem xét quy định chương trình xét nghiệm COVID-19 là loại dịch vụ phi lợi nhuận, do Chính phủ điều tiết với khung giá thống nhất và giao cơ quan chức năng giám sát” để hỗ trợ cho người dân và DN đang thực hiện sản xuất ở nơi bùng phát dịch bệnh, đặc biệt đối với DN sản xuất theo phương thức 3T.
Ưu tiên tiêm 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy gỗ đang sản xuất theo phương thức 3T; cho phép các hiệp hội gỗ, DN được tiếp cận nguồn vắc-xin tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí do các DN và Hiệp hội tự chi trả.
Hiệp hội gỗ đề xuất nhiều gói hỗ trợ tài chính lên Chính phủ, như giảm, hoãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế liên quan và hoãn nộp Bảo hiểm xã hội; miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm giai đoạn sau; gia hạn nợ, giãn nợ, cơ cấu lại khoản nợ mà không bị ảnh hưởng tới nhóm nợ nhất là đối với các khoản nợ phát sinh từ sau 30/6/2020…; tháo gỡ khó khăn về tăng giá cước vận chuyển (đặc biệt là thuê tàu, container cho DN xuất khẩu).
Minh Sơn
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…