Sự gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và hình ảnh xấu đi nhanh chóng của chế độ cộng sản Trung Quốc đã buộc Hoa Kỳ phải đánh giá lại chính sách hướng về Bắc Kinh trong vài thập kỷ qua của mình.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra, cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đều cam kết đưa chuỗi cung ứng về lại Mỹ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi được xem là công xưởng của thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump đã đưa ra khả năng tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, nghĩa là cắt đứt quan hệ kinh tế vì các lý do an ninh quốc gia và chiến lược.
“Đúng vậy, nếu họ đối xử với chúng ta không đúng, tôi chắc chắn sẽ làm điều đó,” ông nói với Fox News hôm 23/8.
Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các loại thuốc quan trọng, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 6/8 để đảm bảo thuốc, vật tư và thiết bị y tế thiết yếu được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Theo một thông báo hôm 23/8, chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng công bố một danh sách “các ưu tiên cốt lõi” trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Một trong những chính sách đối ngoại quan trọng là “chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc,” bao gồm mục tiêu mang về 1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất cho người Mỹ. Ông Trump cũng đề xuất cung cấp các khoản tín dụng thuế và cho phép “khấu trừ 100% chi phí” đối với các ngành trọng yếu như dược phẩm và robot để khuyến khích các công ty sản xuất tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, ông Biden cũng cam kết “mang về các chuỗi cung ứng quan trọng” theo đề xuất “Nước Mỹ Cung Cấp” (Supply America) của mình. Kế hoạch lớn hơn ông Biden đề xuất là “tăng cường sức mạnh các ngành công nghệ và công nghiệp Mỹ và đảm bảo tương lai ‘được sản xuất trên toàn nước Mỹ’ bởi tất cả công nhân Mỹ.”
> Mỹ giải mật ‘Sáu Đảm bảo’ an ninh Đài Loan, thiết lập đối thoại kinh tế toàn diện
Cuộc khủng hoảng đại dịch đã phơi bày việc Hoa Kỳ đã phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào, và bài học được rút ra có thể chấm dứt vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu của Trung Quốc.
Trước đây, khi mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới, các công ty Hoa Kỳ đã tìm nguồn cung ứng từ bên ngoài nhằm cắt giảm chi phí, chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng gần đây cho thấy tình trạng này đã dần giảm thiểu.
Ông Willy Shih, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard và là đồng tác giả cuốn sách “Làm nên thịnh vượng: Tại sao Hoa Kỳ cần phục hưng sản xuất,” nhận định rằng một khi mất đi việc sản xuất, nghĩa là đã đánh mất nền tảng kỹ năng và kiến thức chung về ngành.
Đề cập với Epoch Times về bí quyết và công nghệ trong ngành sản xuất, ông nói: “Đó là điều cốt lõi, nếu muốn mang sản xuất về, phải học lại các kỹ năng sản xuất đó.” Ông lưu ý rằng có thể phải mất hàng thập kỷ để mang sản xuất trở về Mỹ bởi vì các kỹ năng sản xuất đã mất.
Như Trung Quốc và Đài Loan, họ phải mất 30 năm để học các kỹ năng và có được vị trí lãnh đạo trong một số ngành nào đó, ông cho biết.
Ông Shih tin rằng để hồi sinh hoặc củng cố các ngành sản xuất của Mỹ, chính phủ cần truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi và đưa cho họ một lý do để họ mong muốn tham gia vào các ngành khoa học và công nghệ thiết yếu.
Trước đại dịch, các nghiên cứu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ đang đối mặt với việc thiếu hụt công nhân có tay nghề, có thể dẫn đến hàng triệu vị trí việc làm không tìm được công nhân trong thập kỷ tới.
Bên cạnh việc mang sản xuất trở lại Hoa Kỳ, ý kiến về việc tìm kiếm các địa điểm sản xuất trong khu vực cũng đang dần trở thành xu hướng, và điều này có thể mang lại lợi ích cho Mexico và Canada. Hiệp định thương mại mới giữa Hoa Kỳ – Mexico – Canada đã có hiệu lực vào ngày 1/7, có thể khuyến khích các doanh nghiệp mang sản xuất của họ đến Bắc Mỹ và đẩy nhanh việc tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc.
Ông Shih tin rằng các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động có thể chuyển đến Mexico bởi vì tiền lương lao động ở đó “hiện khá cạnh tranh so với Trung Quốc.”
Ngoài ra, các công ty cũng đang tìm cách chuyển các chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang các quốc gia như Đài Loan, Thái Lan, và Malaysia.
Cuộc khảo sát của Gartner tiến hành trong tháng 2 và 3 thăm dò ý kiến của 260 công ty đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy 33% số công ty được hỏi đã chuyển các hoạt động sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm việc đó trong vòng 2 hoặc 3 năm tới.
Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ – Đài Loan tin rằng Đài Loan có thể giúp Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc về mặt thương mại. Đài Loan có vị trí rất tốt để thực hiện vai trò này bởi vì họ là nhà sản xuất thiết bị gốc cho nhiều công ty Hoa Kỳ như Apple và HP, ông nói với The Epoch Times.
Ông Hammond-Chambers cho biết bất chấp việc thiếu hiệp định song phương, thương mại hai chiều giữa Đài Loan với Hoa Kỳ đã tăng 34% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2019. Đây là kết quả của việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan và điều này vẫn đang tiếp diễn.
Ông cho biết: “Chính sách của chính quyền TT Trump nhằm tách rời và chuyển các chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc diễn ra cùng lúc với việc chính phủ Đài Loan có ý định giảm giao thương với Trung Quốc.” Ông cho biết thêm rằng điều này đã dẫn đến dòng vốn đầu tư vào Đài Loan từ các công ty Đài Loan tăng lên một cách đáng kể.
Emel Akan, The Epoch Times
Gia Huy biên dịch
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…