Thanh long xuất khẩu. (Ảnh: Đỗ Hương/baochinhphu.vn)
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, từ năm 2024 đến nay, EU đã đưa ra 130 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm Việt Nam. Riêng trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU tổ chức sáng 24/2.
Theo đó, trong khi Việt Nam phải nhận 130 lần cảnh báo thì Thái Lan bị cảnh báo 74 lần, Indonesia 29 lần, Hàn Quốc 17 lần, Malaysia 9 lần, Nhật Bản 6 lần.
Đáng chú ý, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SBS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sự gia tăng số lượng cảnh báo của EU đối với nông sản thực phẩm Việt Nam lại không tương xứng với sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Ông Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU là 2,91 tỷ USD và nhận 40 cảnh báo. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng lên 4 tỷ USD, đồng thời, số cảnh báo cũng tăng lên 72. Và sang năm 2024, kim ngạch đạt kỷ lục là 4,21 tỷ USD, số cảnh báo cũng tăng lên mức kỷ lục là 114 lần.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đáng lo ngại là trong 2 năm qua, cảnh báo về dư lượng hóa chất từ thuốc trừ sâu và thuốc thú y vẫn chiếm hơn 1 nửa số lượng cảnh báo của EU và có xu hướng tăng mạnh (năm 2023 là 38, năm 2024 tăng lên 61 lần).
Tiếp đó là cảnh báo về phụ gia thực phẩm; ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc; thực phẩm mới; thực phẩm hỗn hợp; chứa chất gây ô nhiễm môi trường…
Xếp theo địa phương, Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, trong năm 2024, TP.HCM là địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất với 42 cảnh báo (36,8%), xếp tiếp theo là Hà Nội (10), Tiền Giang (9), Khánh Hòa (7)…
“Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, những địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất từ EU lại là địa phương chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS, căn cứ Quyết định 534/QĐ-TTg”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Thống kê của Văn phòng SPS cũng lưu ý sự gia tăng đột biến số lượng cảnh báo về nhóm thực phẩm mới từ EU.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đã đưa ra 4 cảnh báo về thực phẩm mới đối với nông sản Việt Nam. Con số này chiếm đến 1 nửa tổng số cảnh báo về nhóm thực phẩm mới mà EU đưa ra trong thời gian này.
Đáng lưu ý, con số này tăng lên rất nhanh. Nếu như năm 2023, EU chưa có cảnh báo nào về nhóm thực phẩm với Việt Nam, trong năm 2024 mới chỉ có 1 cảnh báo thì đến 2025, mới qua 2 tháng đầu năm, EU đã đưa ra 4 cảnh báo đối với Việt Nam.
Ông Đào Văn Cường, chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Quy định (EU) 2015/2283 của Liên minh châu Âu ngày 25/11/2015 về thực phẩm mới (novel food) định nghĩa, “thực phẩm mới” là bất kỳ thực phẩm nào chưa được con người tiêu thụ ở mức độ đáng kể trong Liên minh trước ngày 15/5/1997, bất kể ngày gia nhập của các quốc gia thành viên vào Liên minh.
Ngoài ra, trong Quy định (EU) 2015/2283, khái niệm “thực phẩm mới” còn bao gồm “thực phẩm truyền thống đến từ quốc gia thứ ba”, tức là các loại thực phẩm được tiêu thụ một cách truyền thống ở các quốc gia thuộc khu vực ngoài Liên minh châu Âu.
“Tất cả các loại thực phẩm mới đều cần phải trải qua đánh giá an toàn thực phẩm trước khi có thể được giao dịch trong EU – được chứng minh là có thể tiêu thụ an toàn trong ít nhất 25 năm”, ông Đào Văn Cường cho biết.
Đối với Việt Nam, nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới gồm một số mặt hàng như hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu…
Theo tiêu chí mới, người lao động ở thành thị có thu nhập bình quân…
Một nghiên cứu cho thấy chất béo có thể góp phần làm trầm trọng hơn…
Dự án CT6 Kiến Hưng được phê duyệt xây 2 tòa nhà với 936 căn…
Từ năm ngoái đến nay đã có nhiều tin đồn nói rằng lãnh đạo ĐCSTQ…
Công chúng Mỹ có niềm tin vào chính quyền Trump cao hơn đáng kể so…
Chính phủ Ukraine hôm thứ Hai (24/2) đã xác nhận rằng một thỏa thuận về…