Hơn 70 năm qua các xã hội phát triển trên thế giới vẫn thường đứng “tô điểm” trước tấm gương và ngưỡng mộ về những gì mình trông thấy: sự tăng trưởng. Chiếc gương đó được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nó đã trở thành tiêu chí căn bản để đánh giá xem chúng ta đẹp như thế nào, trên cả hai phương diện kinh tế lẫn xã hội.
Tất cả chúng ta đều có linh cảm rằng có điều gì đó sai. Nhưng chúng ta rất khó để nhận diện ra cái sai đó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chính là tín hiệu cuối cùng rằng kinh tế học đã làm chúng ta phải thất vọng. Sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và loạt suy thoái xảy ra ở hầu hết các nước phương Tây, sự sùng bái tăng trưởng đã khiến chúng ta chúc tụng nền kinh tế của mình.
Những người như Alan Greenspan – Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – nói rằng mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió và rằng nên để thị trường tự điều tiết để có thể trở nên phồn thịnh hơn.
Thực tế, phương pháp đo lường của chúng ta chỉ cho biết ít ỏi về sự tăng trưởng đã được tạo ra như thế nào: rằng nó được xây dựng trên nền móng bùng nổ tín dụng nhà ở và các thủ thuật tài chính thông minh hơn bao giờ hết bởi các nhà ngân hàng săn lợi nhuận.
Nền kinh tế phát triển được cho là đã đạt tới một “cõi niết bàn” mới, còn được biết đến như là thời kỳ Ôn hòa vĩ đại, mà ở đó những cuộc bùng nổ đã đi vào lịch sử nhờ những nhà kỹ trị thông minh mà trong thị trường đó, nếu được để cho tự do, sẽ luôn quay về trạng thái cân bằng hạnh phúc.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng chẳng nói được bao nhiêu về sự bất bình đẳng đang gia tăng hay về sự mất cân đối trên toàn cầu. Mỹ đang phải đương đầu với những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ bởi các nhà xuất khẩu dầu Trung Đông và Trung Quốc, cả hai đang bận rộn tái đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ. Trung Quốc đang cho người Mỹ vay tiền để họ có thể mua những hàng hóa được sản xuất tại Bắc Kinh. Điều đó khiến tăng trưởng chạy lòng vòng cho đến khi nó sụp đổ. Nhiều năm sau, nhiều nước phương Tây, đặc biệt ở châu Âu, vẫn đang phải vật lộn để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng trước năm 2008. Phần lớn sự tăng trưởng của những năm trước có được, hóa ra chỉ là ảo ảnh.
Một vấn đề với tăng trưởng là nó đòi hỏi sự sản xuất vô tận và tiêu dùng vô tận. Tăng trưởng cuối cùng sẽ bị đình trệ, trừ khi chúng ta ngày càng muốn nhiều thứ hơn và càng nhiều trải nghiệm phải trả tiền hơn. Để nền kinh tế của chúng ta liên tục tiến về phía trước, chúng ta phải truy cầu vô tận. Căn bản của kinh tế hiện đại là nhu cầu của chúng ta là vô hạn. Thế nhưng tận sâu trong tim, chúng ta biết rằng điều đó thật điên rồ.
Vài năm trước tạp chí trào phúng The Onion đã đăng tải một câu chuyện về Chen Hsien, một nhân vật hư cấu là công nhân Trung Quốc sản xuất đồ nhựa cho những người Mỹ buồn chán. Theo phong cách Onion đúng nghĩa, đó chỉ là một câu chuyện hài giải trí, nhưng nó đã chạm đến thực chất của vấn đề. Chen đã liên tục lắc đầu ngạc nhiên về những thứ vô dụng đến không thể tin mà ông ta được yêu cầu làm, từ súng bắn salad, máy phân phối túi nylon đến máy làm trứng ốp la vi sóng, kính phóng to trang sách phát sáng trong bóng tối, giỏ đựng quà Giáng sinh, hộp đựng kính áp tròng hình động vật và móc dính tường.
“Và tôi nghe nói rằng khi họ không muốn một thứ gì trong số đó, họ đơn giản là vứt chúng đi. Thật lãng phí và đáng khinh”, anh ta chế giễu. “Tại sao lại có nhu cầu đối với quá nhiều thứ trong nhà bếp? Tôi có thể hiểu rằng cần có một cái chảo tốt, một nồi cơm điện, một ấm đun nước, một ít bát dĩa, đồ ăn Trung Hoa, một bình lọc trà và có thể là một bình giữ nhiệt. Nhưng tất cả những thứ thừa thải này – Người Mỹ đặt chúng vào đâu? Bao nhiêu lần bạn dùng đến cái đế đặt vỏ bánh taco? ‘Ồ tôi thực sự cần cái phân loại ngăn kéo đựng đồ bạc này nếu không tôi sẽ bị ngất?’ Im đi, người Mỹ ngớ ngẩn”.
>> Ngành kinh tế học đang trồng cây chuối
Sự phàn nàn của Chen gây nóng gáy bởi hầu hết chúng ta trong thế giới giàu có này biết rằng chúng ta liên tục mua mọi thứ mà chúng ta không bao giờ biết mình muốn và sẽ không bao giờ dùng lại. Những quảng cáo và sự ghen tỵ với bạn bè và hàng xóm khiến chúng ta mua nhiều hơn và liên tục thay đổi. Vào lúc bạn đọc bài này, chiếc iphone 5 của tôi chỉ còn là một trò đùa. Chúng ta cũng biết rằng hàng hóa như máy giặt và máy làm bánh mỳ được thiết kế với chủ đích dễ hỏng để chúng ta sẽ mua nhiều hơn trong vòng xoáy tiêu dùng bất tận.
Những thứ mà Chen sản xuất có vẻ như rất ngớ ngẩn. Nhưng chúng không phải là hư cấu. Những cuốn catalog của trung tâm mua sắm SkyMall, thứ cho phép hành khách trên máy bay đặt hàng từ chỗ ngồi của họ, đã cung cấp một loạt những thứ phải có, gồm chân dung thú cưng của bạn trong trang phục quý tộc thế kỷ 17 (49 USD), một đầu con sóc nhồi bông (24,95 USD), tượng con khỉ vắt vẻo với kích cỡ như thật (129 USD) và quan trọng nhất là miếng cao su cho con chó của bạn (29,95 USD).
Khi các nhà kinh tế học nói rằng nguyên nhân của những vấn đề hiện tại của thế giới là do sự thiếu hụt nhu cầu kinh niên, người ta phải tự hỏi còn thứ gì mà họ có thể mong muốn?
Từ quan điểm của kinh tế học, thế giới chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ và sức tiêu dùng của chúng ta chưa bao giờ to lớn như hiện nay. Dù ít hay nhiều thì nước Mỹ đã tăng trưởng liên tục kể từ khi tài khoản quốc gia lần đầu tiên được mở vào năm 1942. Anh và các nước châu Âu cũng tương tự. Sau cú trượt dốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phần lớn các nền kinh tế đã quay lại với quỹ đạo đi lên, dù ở tốc độ chậm hơn. Vì vậy, ngay cả khi tăng trưởng đã chậm lại, nền kinh tế của chúng ta chưa bao giờ lớn hơn bây giờ.
Nếu tăng trưởng tích lũy là thước đo cho cho sự giàu có thì chúng ta chắc hẳn không bao giờ hài lòng. Một vấn đề hiển nhiên khi đặt quá nhiều niềm tin vào tăng trưởng là các thành quả của nó sẽ không bao giờ được chia đều.
Thước đo thu nhập bình quân của chúng ta – hay sự giàu có – được tính toán bằng cách lấy quy mô nền kinh tế chia cho số người sống ở đó.
Trung bình là một cái bẫy. Nó đang gây nhầm lẫn nghiêm trọng.
Các nhà ngân hàng kiếm được nhiều hơn thợ làm bánh, thợ làm bánh kiếm được nhiều hơn người thất nghiệp.
Lấy ví dụ, nếu toàn bộ chiếc bánh kinh tế của một nước giàu được dành cho một cá nhân và không dành cho ai khác, thế thì tính trung bình một người sẽ làm rất tốt. Nhưng một người bình thường có thể đã chết đói.
Thế giới thực không phải là quá cực đoan – không kể Triều Tiên – nhưng ngay cả ở các nước như Mỹ, tính “trung bình” cũng có sự thiên lệch rất lớn. Chúng ta hãy tưởng tượng một chút rằng phần lớn của sự giàu có được tạo ra hàng năm chỉ từ 1% hay thậm chí 0,1% dân số. Có vẻ như khó tin? Trên thực tế, chỉ có 16.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 0,01% dân số Mỹ, đã làm tăng gấp 5 lần tài sản kể từ năm 1980. Giờ đây họ được hưởng miếng bánh kinh tế Mỹ còn lớn hơn so với đối tác trong “Thời kỳ Vàng” (Gilded Age) vào cuối thế kỷ 19.
Nếu kinh tế nước bạn tăng lên chỉ đơn giản vì người giàu trở nên giàu hơn và nếu bạn làm việc chăm chỉ và cật lực hơn nhưng vẫn chỉ đủ duy trì cuộc sống qua ngày, thế thì bạn được phép hỏi chính xác sự phát triển này để làm gì?
Điều này đặc biệt đúng bởi vì hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác chỉ ra rằng hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào sự giàu có tuyệt đối của họ, mà là sự giàu có tương đối của họ so với những người xung quanh.
Trong một thí nghiệm được đăng trên một tờ báo có tựa đề “Những con khỉ từ chối trả lương không công bằng”. Ban đầu, hai con khỉ capuchin hài lòng với phần thưởng là những quả dưa chuột sau khi chúng thực hiện thành công một nhiệm vụ. Nhưng khi một con khỉ được giao nhiệm vụ khó hơn thì phần thưởng là những quả bưởi, con khỉ mà đã nhận được quả dưa chuột trước đó trở nên giận giữ, nó tức giận quăng món salad mà nó rất hài lòng trước đó vào người huấn luyện. “Nền kinh tế” của lũ khỉ đã tăng trưởng bởi vì bưởi thì tốt hơn dưa chuột. Nhưng kết quả của sự bất bình đẳng chỉ đưa đến sự bất mãn.
Con người cũng tương tự. Khi các nhân viên tại Đại học California được cung cấp thông tin về lương của đồng nghiệp, những người đã phát hiện ra họ được trả thấp hơn mức trung bình bỗng nhiên trở nên ít hài lòng và có xu hướng tìm kiếm một công việc mới. Thái độ của những người kiếm được trên mức trung bình thì không bị ảnh hưởng.
Vậy thì tăng trưởng kinh tế phần nào đó chính là tác động tổng hợp của một cuộc vật tay giữa các cá nhân mà họ luôn phải đi trước hàng xóm của mình một bước. Hãy tưởng tượng việc đi đến nhà hàng địa phương để khám phá ra rằng không còn ai sẵn sàng làm việc với mức lương của một bồi bàn hay đầu bếp.
Cảm giác giàu có tương đối của bạn phụ thuộc vào sự nghèo đói tương đối của ai đó. Và đó chính là sự thúc ép cá nhân để tiến lên phía trước hoặc tiếp tục duy trì vị trí ở trước khiến chúng ta phải chạy ngày càng nhanh hơn và nhanh hơn trên chiếc “bánh xe kinh tế của chuột hamster“, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước mà không khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Nếu một người bồi bàn kiếm được 100.000 USD một năm, bạn phải kiếm được 200.000 USD để khiến anh ta phải phục vụ bạn thức ăn. Nếu anh ta kiếm được 200.000 USD thì bạn phải kiếm được 400.000 USD và cứ như vậy.
Nhưng mà không phải lúc nào cũng vậy. Trong hàng nghìn năm đã không ai nghe nói về tăng trưởng là gì. Nền kinh tế nông nghiệp về cơ bản là trong trạng thái tĩnh. Chỉ với cuộc cách mạng công nghiệp con người mới có thể, một cách chậm chạp lúc ban đầu, tăng sản lượng năm này qua năm khác. Đó là lý do tại sao Anh, sau đó là châu Âu, rồi đến Mỹ, Úc và New Zealand dần dần bứt khỏi nhóm, bỏ lại nền kinh tế vốn thuần nông của châu Á, châu Phi và Mỹ Latin phía sau.
(Còn tiếp…)
Trích từ cuốn “Ảo Tưởng Tăng Trưởng” (The Growth Delusion) của tác giả David Pilling,
Liên Hương biên dịch
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…