Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, chi phí mua điện năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc cung cấp than và giá than trộn bán cho sản xuất điện năm 2019 của EVN và các đơn vị thành viên.
EVN cho biết, theo biên bản làm việc ngày 4/12/2018 giữa EVN – TKV và Tổng công ty Đông Bắc, dự kiến khối lượng than cung cấp năm 2019 là 25,84 triệu tấn, trong đó khối lượng than trong nước là 19 triệu tấn, khối lượng than trộn là 6,84 triệu tấn.
Việc phải sử dụng than trộn cấp cho các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN là do TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp đủ chủng loại than sản xuất trong nước nên phải nhập khẩu than để pha trộn với than trong nước.
Theo văn bản của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, giá than trộn sẽ được điều chỉnh từ ngày 5/1/2019. EVN cho hay giá than trộn theo đề xuất của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cao hơn từ 188.000-273.000 đồng/tấn, tương đương 11,18%-15,06% tuỳ loại.
Theo tính toán của EVN, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất trên thì chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng. Trong đó, đối với than trộn mua từ TKV tăng 1.062 tỷ đồng, than trộn mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435 tỷ đồng.
Trên cơ sở tình hình sản xuất điện, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện năm 2019, EVN báo cáo Thủ tướng xem xét cho phép EVN và các đơn vị thành viên được sử dụng các loại than pha trộn giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện với khối lượng và các mức giá do TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã đề xuất.
Đồng thời, cho phép tính toán giá than trộn là chi phí hợp lý, hợp lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.
EVN kiến nghị Thủ tướng cho phép các nhà máy điện được điều chỉnh giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện và tham gia thị trường điện do sử dụng than trộn và được tính toán cập nhật vào giá điện bình quân trong năm 2019.
Trước đó, tháng 8/2018, tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức, EVN nêu nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 khi các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện.
Tháng 11, nguy cơ thiếu điện từ những năm 2020 tiếp tục được các bên nhắc đến tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam” do Hiệp hội Năng lượng tổ chức.
Đại diện EVN cho rằng nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện từ những năm 2020 đến năm 2025. Còn đại diện TKV cho hay nhu cầu than của các hộ ngày càng cao, vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, lên tới 128 triệu tấn/năm. Theo TKV, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn vào 2030.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…