Tại quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký chiều 4/9, kế hoạch phục hồi kinh tế TP được định ra 2 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 15/9 tới. Theo truyền thông trong nước, kế hoạch chi tiết chưa được công bố.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM đã trải qua 96 ngày giãn cách theo các mức độ (từ 0h ngày 31/5) và ngày thứ 13 trong đợt giãn cách tăng cường nhất với lực lượng bổ sung từ quân đội, công an (từ 0h ngày 23/8).
Ban chỉ đạo do ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, Phó chủ tịch UBND TP – ông Lê Hòa Bình làm phó trưởng ban thường trực.
Bốn phó chủ tịch UBND TP làm các phó trưởng ban gồm: bà Phan Thị Thắng, ông Võ Văn Hoan, ông Dương Anh Đức, ông Ngô Minh Châu.
Các thành viên gồm: ông Tăng Chí Thượng (Giám đốc Sở Y tế), bà Lê Thị Huỳnh Mai (Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư), bà Phạm Thị Hồng Hà (Giám đốc Sở Tài chính), ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Công thương), ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp), ông Trần Hoàng Quân (Giám đốc Sở Xây dựng), ông Hà Phước Thắng (Chánh văn phòng UBND thành phố), ông Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố); GS.TS y khoa Nguyễn Tấn Bỉnh và TS Vũ Thành Tự Anh (Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trường ĐH Fulbright Việt Nam).
Các tổ tham mưu gồm:
Tổ công tác phòng, chống dịch do Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức làm tổ trưởng, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng làm tổ phó và 9 thành viên;
Tổ công tác an sinh xã hội do Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan làm tổ trưởng, Giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Lê Minh Tấn làm tổ phó và 10 thành viên;
Tổ công tác phục hồi kinh tế do Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng làm tổ trưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm tổ phó và 12 thành viên;
Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư do Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình làm tổ trưởng; Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Hoàng Quân làm tổ phó và 9 thành viên.
Ban chỉ đạo dự kiến phục hồi kinh tế TP.HCM theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 15/9 đến 31/12/2021; giai đoạn 2 là năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trước đó, tại Dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế tại TP.HCM được truyền thông trong nước lan tin ngày 3/9, với lộ trình mở cửa lại nền kinh tế sau ngày 15/9, UBND TP.HCM dự kiến trong giai đoạn 1 (thực hiện đến ngày 31/12), các bên sẽ đưa ra giải pháp cần làm ngay, “không nóng vội nhưng không cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc”.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi, giới chức TP sẽ đánh giá các việc đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đưa ra các phương án tiếp theo căn cứ theo kết quả kiểm soát dịch của ngành y tế, tiến đến khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế.
Tổ tư vấn chính sách của TP cho rằng việc tái khởi động các hoạt động kinh tế tại TP.HCM để giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp (DN) đã đóng cửa kéo dài từ đầu tháng 7/2021 tới nay cùng nhiều DN cần chuyển đổi mô hình “3 tại chỗ”, trong lúc chờ “phủ” vắc-xin 2 mũi.
Tổ tư vấn đưa ra phương án để các DN tái khởi động sản xuất sau ngày 15/9 như sau:
Các DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% – 50% – 70% và cao hơn, sử dụng người lao động sống ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không sắp xếp công việc cho nhóm người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, người có bệnh nền, người đang sống chung với F0).
DN tự xét nghiệm nhanh sàng lọc (hoặc thuê công ty dịch vụ) theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần cho những người có nguy cơ cao (do DN quyết định, ít nhất là 20% tổng lao động đang làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với điều kiện thị trường có khả năng cung ứng đầy đủ số lượng bộ xét nghiệm). DN báo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương.
Trong trường hợp phát hiện có ca nhiễm, DN tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có F0, F1), không cần đóng cửa hoặc tạm dừng toàn bộ nhà máy. Cơ quan chức năng (y tế) phối hợp với DN đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở do chính quyền quản lý.
DN chuẩn bị khu vực cách ly tạm thời F0, F1. Trong khi chờ đưa đi khu cách ly tập trung, DN tuyệt đối không giữ người nhiễm trong nhà máy quá 24h để hạn chế nguy cơ lây chéo bùng phát gây tâm lý hoảng sợ, mất an toàn cho những người lao động còn lại.
Người lao động phải cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và nơi làm việc. Nếu điều kiện của DN hoặc hệ thống vận tải của địa phương cho phép, DN có thể sắp xếp xe buýt đưa đón người lao động theo cụm (DN tự trả chi phí).
Mỗi xe chỉ chở tối đa 1/2 số ghế, người trên xe cần giữ khoảng cách; khử khuẩn xe sau mỗi lượt trả khách. Lái xe phải tiêm ít nhất mũi 1 vắc-xin và phải có xét nghiệm PCR-RT âm tính 1 lần/tuần.
Ở các khu vực xe buýt không đáp ứng được nhu cầu hoặc người lao động sống quá rải rác, người lao động được phép đi làm bằng xe cá nhân và đảm bảo nguyên tắc 5K.
Theo Tổ tư vấn, DN có thể cân nhắc “đi chợ thay” hoặc tổ chức phiên chợ tạm ngay trong khuôn viên nhà máy; hoặc địa phương áp dụng phiếu đi chợ để người lao động hoặc người thân chỉ đi đến siêu thị/chợ trong phạm vi do phường/quận quy định.
Doanh nghiệp “đuối sức”Ngày 29/8, tại báo cáo định kỳ hàng tháng, Tổng cục Thống kê công bố tổng cộng 85.500 DN đã rút khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình mỗi tháng gần 10.700 DN rút khỏi thị trường). Trong đó, 24.000 DN (chiếm 28,1%) tại TP.HCM, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tối cùng ngày, 29/8, nhóm 11 DN vừa và nhỏ thuộc nhóm các ngành nghề vận tải, bất động sản, tư vấn chính sách thuế phí, quản trị DN… tại TP.HCM đưa ra bản kiến nghị, kêu gọi 5.000 chữ ký để đề nghị Thủ tướng và các Bộ trưởng “khẩn cấp ban hành quyết sách cứu DN”, khi đa số DN nhóm vừa và nhỏ đã buộc phải ngừng hẳn hoặc hạn chế hoạt động. Bản kiến nghị chỉ ra hàng loạt khó khăn mà các DN đang gặp phải như ngừng hẳn hoạt động hoặc phải hạn chế hoạt động; chi phí “3 tại chỗ” tăng cao (xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở); tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động; nhiều DN có doanh thu 0%… Đây là lần đầu tiên khối doanh nghiệp đưa ra bản kiến nghị theo dạng thỉnh nguyện để kêu gọi sự ủng hộ. Cập nhật đến 9h ngày 5/9, bản kiến nghị đã nhận được 3.555 trên mục tiêu 5.000 chữ ký đồng thuận. Một tháng trước bản kiến nghị, tại tọa đàm “Café doanh nhân HUBA” ngày 1/8 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có sự tham gia của nhiều chuyên gia và lãnh đạo TP, nhiều DN phản ánh việc áp dụng “3 tại chỗ” chỉ có thể duy trì tối đa 1 tháng, không thể kéo dài do DN quá tải về hệ thống an toàn, năng suất không đạt yêu cầu, trong khi tâm lý người lao động bất ổn. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, có đề cập đến việc các DN, hiệp hội ngành hàng báo tin nhanh về việc xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng. Ông Dũng thừa nhận có nguy cơ DN “3 tại chỗ” thành ổ dịch, “nhưng điều này cũng sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền sẽ ảnh hưởng tới nhiều DN khác”, ông Dũng nói, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn. |
Minh Sơn
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…