Các container tại Freeport ở Bayonne, New Jersey, vào ngày 10/4/2025. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Trước ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn tạm ngừng áp thuế đối đẳng toàn cầu kéo dài 90 ngày, Mỹ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thuế quan, khiến Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia mà Mỹ đã ký kết thỏa thuận thương mại tính đến thời điểm này.
Chi tiết của thỏa thuận hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng đáng chú ý là các điều khoản thuế quan liên quan đến việc “chuyển tải” hàng hóa từ Trung Quốc.
Vào ngày 2/7 (thứ Tư), ông Trump đã đăng bài trên mạng xã hội Truth Social, tuyên bố: “Theo các điều khoản của thỏa thuận, tất cả hàng hóa từ Việt Nam nhập vào lãnh thổ Mỹ sẽ chịu thuế 20%, và bất kỳ hàng hóa nào được chuyển tải (qua Việt Nam đến Mỹ) sẽ chịu thuế 40%.”
Ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đáp trả, nói rằng họ “kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận bằng cách hy sinh lợi ích của Trung Quốc” và “Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả”.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Việt, thoạt nhìn không liên quan đến Trung Quốc, nhưng tại sao lại khiến Bắc Kinh hoang mang và sợ hãi?
Các điều khoản trong thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam cho thấy, ngay cả khi Mỹ – Trung đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời không ổn định và Mỹ đàm phán với các đối tác khác về các vấn đề thương mại, thương mại với Trung Quốc vẫn là trọng tâm cốt lõi của chính sách thương mại Mỹ.
Thỏa thuận này ngụ ý rằng nếu các quốc gia khác muốn tiếp tục bán hàng cho Mỹ, họ cũng sẽ bị yêu cầu hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc trong nền kinh tế của mình. Mỹ và Anh gần đây cũng đã đồng ý về một số điều khoản trong hiệp định thương mại, yêu cầu Anh tăng cường an ninh chuỗi cung ứng, được hiểu là nhắm vào thương mại với Trung Quốc.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Vương Hách, nói với tờ Epoch Times rằng thuế quan 2.0 của ông Trump có mục tiêu rất rõ ràng là cắt đứt các tuyến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ qua bên thứ ba.
Ông nói “Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam có vai trò định hướng lớn, sẽ trở thành mô hình chuẩn cho các thỏa thuận thương mại mà Mỹ ký với các quốc gia khác.”
Ngay ngày đầu tiên nhậm chức tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ban hành “Tài liệu Chính sách Thương mại Ưu tiên Hoa Kỳ”, trong đó việc giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc là trọng tâm, đặc biệt chú ý đến việc Trung Quốc né thuế qua các nước thứ ba như Việt Nam và Mexico.
Vào tháng 4/2025, ông Trump công bố áp thuế đối đẳng toàn cầu, 5 trong số 10 quốc gia trong đó chịu thuế cao nhất là các nước châu Á. Các nhà phân tích cho rằng việc ông Trump áp thuế lên các quốc gia này “mục tiêu thực sự là Trung Quốc”, đại diện cho “một cuộc tấn công toàn diện vào chuỗi cung ứng mở rộng của Bắc Kinh”.
Ông Vương Hách nói: “Ông Trump đã rút ra bài học từ cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung năm 2018”, do đó đối với việc hàng hóa Trung Quốc chuyển tải qua các nước thứ ba để xuất sang Mỹ, ông đang xây dựng một liên minh thuế quan toàn cầu để loại trừ Trung Quốc.
Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông nói với tờ Epoch Times rằng cả thế giới đang rất chú ý đến thỏa thuận thương mại Mỹ – Việt, vì mọi người đều biết Việt Nam là trung tâm chuyển tải hàng hóa quan trọng nhất của Trung Quốc.
“ĐCSTQ đã nhiều lần cảnh báo Mỹ không áp thuế cấp hai, nhưng không ngờ trong thỏa thuận Mỹ – Việt mới nhất, Mỹ vẫn đưa vào điều khoản thuế chuyển tải cấp hai.”
Ông Hoàng cho rằng điều thực sự khiến ĐCSTQ sợ hãi là hiệu ứng hình mẫu của Việt Nam, có thể trở thành một quy tắc mới trên toàn cầu.
Ông chỉ ra rằng Việt Nam là một ví dụ, và các quốc gia khác muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tương lai, nếu bị nghi ngờ là nơi chuyển tải, có lẽ cũng sẽ bị Mỹ áp thuế cao.
“Chẳng hạn, mô hình Mỹ – Anh được sử dụng làm mẫu cho EU. Những quốc gia có cơ cấu ngành tương tự Việt Nam cũng sẽ lấy Việt Nam làm mẫu để đàm phán với Mỹ, từ đó hình thành một quy tắc thương mại quốc tế mới.”
Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, nói với tờ Wall Street Journal: “Mỹ dường như thực sự có ý định chiến lược hơn, nhằm hạn chế hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đi qua cửa hậu để vào thị trường Mỹ.”
Đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, trong khi điểm đến xuất khẩu chính là Mỹ.
Kể từ khi ông Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu tiên, thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng vọt.
Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt 123 tỷ USD, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có thâm hụt thương mại lớn thứ ba với Mỹ.
Theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, kể từ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ dưới 50 tỷ USD lên khoảng 137 tỷ USD vào năm 2024. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ tăng khoảng 30%, từ dưới 10 tỷ USD năm 2018 lên hơn 13 tỷ USD vào năm ngoái.
Chính phủ Mỹ nhiều lần cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng Việt Nam để chuyển tải hàng hóa nhằm né thuế, bao gồm việc gửi hàng đến Việt Nam, gia công đơn giản rồi gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” để xuất sang Mỹ, thậm chí chỉ dừng chân ngắn tại cảng Việt Nam trước khi xuất đi.
Ngày 4/6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick điều trần tại Thượng viện, nói rằng: “Họ (Việt Nam) mua 90 tỷ USD từ Trung Quốc, sau đó nâng giá và chuyển sang chúng ta.” Ông nói thêm: “Vì vậy, Việt Nam chỉ là một con đường để Trung Quốc đưa hàng đến Mỹ.”
Ông Hoàng Tông Đỉnh (Huang Chung Ting), Phó Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng mối liên hệ giữa hàng hóa Việt Nam nhập từ Trung Quốc và xuất sang Mỹ đã đạt tỷ lệ 100%.
Ông chỉ ra rằng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump, một mặt quan hệ thương mại Mỹ – Việt được củng cố, mặt khác Việt Nam nhập khẩu lượng lớn hàng trung gian từ Trung Quốc. Mối quan hệ thương mại bất đối xứng này thực tế ngày càng sâu sắc.
“Trong giai đoạn chiến tranh thương mại nhiệm kỳ đầu của ông Trump, trong số các mặt hàng chuyển tải mới sang Mỹ của Việt Nam, 60% đến từ các doanh nghiệp tại Việt Nam do vốn Trung Quốc sở hữu.”
Trên thực tế, điều khoản thuế quan liên quan đến “chuyển tải” hàng Trung Quốc luôn là trọng tâm trong đàm phán thương mại Mỹ – Việt.
Vào ngày 3/4, khi Mỹ công bố áp thuế đối đẳng 46% lên Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để giải quyết lo ngại của Mỹ về chuyển tải bất hợp pháp. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương và các quan chức hải quan Việt Nam được yêu cầu tăng cường giám sát hoạt động chuyển tải bất hợp pháp và đưa ra kế hoạch trong vòng hai tuần.
Ngày 15/4, Bộ Công Thương ban hành chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi chuyển tải bất hợp pháp sang Mỹ và các đối tác thương mại khác để tránh bị Mỹ áp thuế cao.
Mặc dù Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn chuyển tải hàng Trung Quốc, nhưng với sự phụ thuộc vào nguyên liệu và thiết bị từ Trung Quốc, liệu các biện pháp này có thực sự hiệu quả?
Ông Vương Hách cho rằng nếu Việt Nam thực thi nghiêm túc, chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Ông phân tích hai trường hợp: Một là hàng Trung Quốc đến Việt Nam, thay đổi nhãn mác thành hàng Việt Nam để xuất khẩu, chắc chắn sẽ bị Mỹ trừng phạt mạnh mẽ; hai là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, trải qua quá trình sản xuất hoặc gia công lại, theo thông lệ quốc tế, nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định tại Việt Nam, hàng hóa đó sẽ được công nhận là sản phẩm Việt Nam và có thể xuất sang Mỹ mà không gặp vấn đề.
“Điều này phụ thuộc vào các chi tiết về xác định nguồn gốc xuất xứ giữa Việt Nam và Mỹ,” ông nói.
Ông nhấn mạnh rằng dưới áp lực của Mỹ, Việt Nam buộc phải thực thi nghiêm ngặt, vì vậy việc hàng Trung Quốc chuyển tải qua Việt Nam sẽ rất khó tiếp diễn.
Ông Hoàng Tông Đỉnh cho biết trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Song phương Mỹ-Việt (BTA) năm 2001, thuế nhập khẩu trung bình đối với hàng Việt Nam vào Mỹ là 40%. Việt Nam rõ ràng không muốn quay lại thời kỳ bị Mỹ áp thuế cao. Mỹ cũng nắm bắt tâm lý chung của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác, vốn hưởng lợi lớn từ chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ và phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Do đó, Mỹ yêu cầu các quốc gia này hợp tác, và Việt Nam cùng các nước liên quan dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ.
Hiện nay, con đường chuyển tải hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ ngày càng khó khăn.
Một doanh nhân ở Thâm Quyến tiết lộ với Epoch Times rằng khi Mỹ tăng cường điều tra hàng hóa Trung Quốc, các kênh chuyển tải qua nước thứ ba sang Mỹ trở nên ngày càng bất khả thi: “Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia đang ra sức chặn hàng Trung Quốc. Từ tháng Sáu, con đường này càng ngày càng không khả thi.”
Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ gần đây cũng tăng cường thực thi pháp luật, tập trung điều tra các hành vi khai báo sai và giả mạo xuất xứ đối với các mặt hàng như máy móc nhỏ, sản phẩm điện tử và đồ chơi, đồng thời xác định đây là trọng tâm thực thi.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, điều khoản thuế quan “chuyển tải” trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Việt chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc thêm phần khó khăn.
Ông Vương Hách cho rằng nhu cầu nội địa của Trung Quốc không thể khởi sắc, việc đầu tư kéo tăng trưởng kinh tế đã đi đến cực hạn, trong tình huống này, ĐCSTQ chỉ còn cách dựa vào xuất khẩu để phát triển kinh tế.
Ông nói rằng các thỏa thuận thương mại của ông Trump với hàng chục nền kinh tế toàn cầu sẽ được ký kết vào khoảng tháng Bảy và Tám, khi đó một liên minh thuế quan toàn cầu do Mỹ dẫn đầu sẽ hình thành.
“Khi liên minh thuế quan toàn cầu của ông Trump được thiết lập, không chỉ xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, các quốc gia khác cũng sẽ tăng thuế đối với hàng Trung Quốc. Đặc biệt, khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc sẽ chuyển hướng đổ hàng sang ASEAN, EU, châu Phi và Mỹ Latinh, khiến các khu vực này chịu áp lực lớn hơn. Điều này sẽ kích thích các quốc gia này học theo Mỹ, áp thuế đối kháng với Trung Quốc.”
“Con đường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Nếu kinh tế Trung Quốc không có sự cải thiện lớn ở đầu tư và nhu cầu nội địa, nền kinh tế sẽ vô cùng tồi tệ, chịu tổn thất nghiêm trọng,” ông Vương Hách nói.
Một nhóm thanh tra viên của IAEA đã rời Iran an toàn và đang trên…
Ông Zamir Kabulov tuyên bố rằng việc Nga chính thức công nhận chính quyền Taliban…
Từ ngày 4/7, TP. Hà Nội tổ chức phân làn trên đường Phạm Văn Đồng.…
John Hunter (1728–1793) là một trong những bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc và có…
Vào ngày 17 tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung…
Khi gặp những trắc trở trên đường đời, hãy suy ngẫm bốn điều dưới đây,…