Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu về chính sách Trung Quốc vào thứ Năm (26/5), sử dụng những từ ngữ cứng rắn hiếm hoi để lên án Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) vì đang tìm cách “tách rời bất đối xứng“, đồng thời nhắm trực tiếp vào ông Tập Cận Bình. Ông Blinken cũng đề xuất 3 trụ cột trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong bài phát biểu của mình.
Trong bài phát biểu này, ông Blinken đã đưa ra 3 trụ cột của cách tiếp cận cạnh tranh đối với Bắc Kinh: đầu tư vào khả năng cạnh tranh trong nước, đổi mới và dân chủ; hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đối kháng với Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cạnh tranh với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của Mỹ, và xây dựng tầm nhìn của nước Mỹ cho tương lai.
Dưới đây là 4 điểm lớn trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ:
Ông Blinken cho biết Mỹ đang nỗ lực xây dựng các liên minh mới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để đối kháng với những thách thức trong tương lai. Mỹ có cùng tầm nhìn với các quốc gia và người dân trong khu vực: Một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; các nước được tự do đưa ra các quyết định về chủ quyền của mình.
Ông cho biết, những ưu tiên đó đã được Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh trong chuyến thăm của ông tới khu vực vào tuần này. Ông Biden tái khẳng định liên minh an ninh quan trọng của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và công nghệ của Mỹ với cả hai nước.
Ông cũng nói rằng Mỹ đã củng cố lại mối quan hệ của mình với các nước ASEAN. Đầu tháng này, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN để thảo luận về các vấn đề cấp bách.
Mặc dù Mỹ coi Nga là mối đe dọa cấp bách và tức thời nhất đối với sự ổn định quốc tế, nhưng ông Blinken cho biết Chính phủ Mỹ coi Trung Quốc (ĐCSTQ) là một thách thức lâu dài nghiêm trọng hơn.
Chính sách đối với Trung Quốc được công bố của ông Blinken thừa nhận năng lực có hạn của Washington trong việc thay đổi trực tiếp hành vi của Bắc Kinh, do đó chuyển sang tập trung vào việc định hình môi trường chiến lược xung quanh của Trung Quốc để tác động đến hành vi của Bắc Kinh.
Ông nói: “Chúng tôi không thể mong đợi Bắc Kinh thay đổi quỹ đạo của họ. Do đó, chúng tôi sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế cởi mở và bao dung.”
Ông Blinken cho biết Mỹ không có ý định thay đổi hệ thống chính trị của ĐCSTQ.
Trong nhiều thập kỷ qua, giới chính trị Mỹ đã hy vọng rằng việc để Trung Quốc hội nhập vào thị trường thế giới sẽ mang đến tự do hóa chính trị, nhưng bài phát biểu của ông Blinken là sự thừa nhận rằng hy vọng đó của giới tinh hoa Mỹ đối với ĐCSTQ đã tan vỡ.
Ông nói: “Chúng tôi không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhiệm vụ của chúng tôi là chứng minh một lần nữa rằng nền dân chủ có thể đáp ứng những thách thức cấp bách, tạo cơ hội và nâng cao tôn nghiêm của con người. Tương lai thuộc về những ai tin tưởng vào tự do và tất cả các quốc gia sẽ tự do vạch ra con đường của riêng mình mà không bị ép buộc.”
Ông Blinken cũng nói rằng Mỹ đang củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ví dụ, một quan hệ đối tác an ninh mới giữa Úc, Anh và Mỹ được gọi là AUKUS. Mỹ cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu.
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Mỹ còn viện trợ cho Ukraine một lượng lớn vũ khí, đạn dược cũng như viện trợ nhân đạo. Nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến Nga – Ukraine đã chiếm quá nhiều tâm sức của Mỹ. Tuy nhiên, trong phát biểu hôm thứ Năm, ông Blinken nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không khiến chính quyền Biden sao nhãng khỏi điều mà Mỹ coi là thách thức quan trọng và lâu dài.
Ông Blinken nói: “Ngay cả khi cuộc chiến của Tổng thống Putin tiếp diễn, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế – đây là thách thức mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra”.
Ông Blinken cảnh báo rằng ĐCSTQ đang tìm cách thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai. Ông cũng nhắm vào ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu của mình. Ông nói rằng chính quyền của ông Tập đang tích cực phá hoại hệ thống quốc tế đã giúp Trung Quốc trỗi dậy. Đồng thời, ông Blinken cũng cho biết Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh.
Ông nói, thay vì sử dụng quyền lực của mình để củng cố và chấn hưng các luật, thỏa thuận, nguyên tắc và thể chế đã tạo nên thành công cho ĐCSTQ, để các nước khác có thể hưởng lợi từ đó, thì Bắc Kinh lại đang phá hoại nó. “Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập, ĐCSTQ cầm quyền đã trở nên đàn áp hơn trong đối nội và gây hấn hơn trong đối ngoại.”
Bài phát biểu của ông Blinken trực tiếp một cách bất thường. Ông ca ngợi Mỹ có “quân đội mạnh nhất” trên thế giới và vắc-xin COVID-19 do Mỹ sản xuất đã được chứng minh là hiệu quả hơn vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ đang cung cấp hàng triệu liều vắc-xin cho các quốc gia khác mà không có ràng buộc chính trị nào.
Ông Blinken trước đây đã chỉ trích chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc (ĐCSTQ) với “các điều kiện kèm theo” và nói rằng “việc phân phối hoặc tiếp cận vắc xin không nên móc nối với chính trị hoặc địa chính trị”.
Ông Blinken nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi – “Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Nhưng ông nói thêm rằng Mỹ có “mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ” với Đài Loan.
Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Đài Loan bất chấp “sự uy hiếp ngày càng tăng” từ Bắc Kinh.
Ông Blinken nói: “Điều đã thay đổi là sự uy hiếp ngày càng tăng của Bắc Kinh, chẳng hạn như cố gắng cắt đứt quan hệ của Đài Loan với các nước trên thế giới và ngăn Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế.” Ông Blinken bổ sung thêm rằng sự hiện diện hàng ngày của quân đội ĐCSTQ gần Đài Loan đang “phá hoại ổn định một cách cực độ”.
Ông Blinken cũng nói rằng Washington vẫn kiên trì với “chính sách một Trung Quốc”. Chính sách này thừa nhận Bắc Kinh nhưng cho phép Mỹ có mối liên hệ không chính thức với Đài Loan và bán vũ khí cho Đài Loan.
Ông Blinken cho biết Mỹ sát cánh cùng các quốc gia và dân tộc trên thế giới chống lại tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở khu vực Tân Cương, nơi hơn một triệu người đang bị giam giữ trong các trại lao động vì chủng tộc và tôn giáo của họ.
Ông Blinken cũng nói rằng Mỹ đứng về phía người dân Tây Tạng. Chính quyền Trung Quốc tiếp tục các hành động đàn áp tàn bạo đối với người Tây Tạng, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của họ.
Ông Blinken nói tại Hồng Kông, ĐCSTQ đã thực thi các biện pháp phản dân chủ hà khắc dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông nói: “Hiện tại, Bắc Kinh kiên trì nói rằng đây là những vấn đề nội bộ mà các quốc gia khác không có quyền nêu ra. Điều đó là sai. Cách đối xử của họ đối với các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tân Cương và Tây Tạng, và nhiều nơi khác, đi ngược lại với những nguyên tắc cốt lõi của ‘Hiến chương Liên Hợp Quốc’ mà Bắc Kinh không ngừng viện dẫn và đi ngược lại với ‘Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới’ mà tất cả các quốc gia đều nên tuân thủ.”
Ông Blinken cũng cho biết Mỹ không nhằm mục đích cản trở sự phát triển của Trung Quốc hoặc ngăn cản vị thế toàn cầu của Trung Quốc, “nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ và củng cố luật pháp, thỏa thuận, nguyên tắc và thể chế quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh, bảo vệ quyền của các cá nhân và các quốc gia có chủ quyền, và cho phép tất cả các quốc gia – bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc – có thể cùng tồn tại và hợp tác.”
Ông cũng cho biết Mỹ không muốn Trung Quốc “tách khỏi” nền kinh tế toàn cầu, nhưng ông cũng cảnh báo rằng “Bắc Kinh đang tìm cách tách biệt bất đối xứng, tìm cách cố gắng làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào thế giới và thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.” Ông nói, các công ty không nên hy sinh các giá trị phương Tây để tiến vào thị trường Trung Quốc.
Về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, cùng với việc kinh tế toàn cầu đang khôi phục sau thời kỳ đại dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất, ông Blinken đề cập đến biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, và “sự điều phối vĩ mô toàn cầu”.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng mặc dù Mỹ và Trung Quốc có các lĩnh vực hợp tác, nhưng Mỹ sẽ không bao giờ lấy việc làm tổn hại nguyên tắc của Mỹ để đổi lấy sự hợp tác.
“Nói tóm lại, chúng tôi sẽ tiếp xúc mang tính xây dựng với Trung Quốc trong tình huống có thể, chứ không phải là ân huệ đối với chúng tôi hoặc bất cứ ai khác, cũng tuyệt đối không lấy nguyên tắc của chúng tôi ra để trao đổi.”
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…