Ngay từ khi đắc cử Tổng thống trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump đã nhận cuộc gọi chúc mừng từ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc cũng là nguyên thủ Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng. Ông Trump đã tới thăm Việt Nam ngay trong tháng 11 năm ngoái. Những ai đã góp phần thu hút ông Trump hướng sự chú ý tới Việt Nam – một cựu thù chiến tranh của Mỹ?
Ông Trump gặp ông Phúc tại Nhà Trắng hôm 31/5/2017.
Tờ Asia Times (Thái Lan) hôm thứ Sáu (4/5) đã đăng bài báo thông tin chi tiết về chiến dịch vận động hành lang của Việt Nam tại Mỹ nhằm đẩy mạnh mối quan hệ với chính phủ Trump.
Các nhà vận động hành lang mà phía Việt Nam thuê có hai nhân vật nổi tiếng là Stephen Ryan và Jeff Miller, cả hai làm việc cho công ty luật McDermott Will & Emery, đối tác được Tập đoàn Viettel của Việt Nam thuê vận động hành lang tại Mỹ từ tháng 9/2017 tới tháng 2/2018.
Ông Stephen Ryan chính là luật sư đại diện cho ông Michael Cohen – luật sư riêng của ông Trump đang gặp rắc rối liên quan tới các vi phạm tài chính, trong đó có các cáo buộc về gian lận ngân hàng, cũng như liên quan tới cuộc điều tra Nga-Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Ông Jeff Miller, một cựu nghị sĩ quốc hội và đang được đồn đoán sẽ được bổ nhiệm trở thành Bộ trưởng Cựu chiến binh – cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và các cựu chiến binh khác.
Vào tháng 9/2017, Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp do Quân đội Việt Nam sở hữu 100% vốn và trực tiếp điều hành đã thuê hai công ty luật có trụ sở tại Washington để thực hiện các hoạt động vận động hành lang nhằm cải thiện mối quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ.
McDermott Will & Emery được trả 40.000 USD/tháng trong khoảng thời gian giữa tháng 9/2017 tới tháng 2/2018. Trong khi, một công ty luật khác là Dowell Pham Harrison được trả 10.000 USD/tháng trong thời gian từ tháng 9/2017 tới tháng 1/2018. Hiện tại, Asia Times cũng không nắm rõ thông tin liệu các hợp đồng thuê vận động hành lang này đã hết hạn từ đầu năm nay, có được ra hạn thêm hay không.
Asia Times qua việc xem xét các hồ sơ lưu trữ tại Mỹ theo Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài (FARA) cho biết cả hai công ty luật nêu trên đã làm việc theo sự điều phối và được giao nhiệm vụ bởi Tập đoàn Viettel của Việt Nam với các thành viên ban lãnh đạo và nhân viên của họ đều liên quan tới lợi ích quốc phòng Việt Nam.
Các hợp đồng vận động hành lang kể trên cũng đặc biệt lưu ý tới việc gặp gỡ các thành viên của các cơ quan hành pháp Mỹ. Đặc biệt, các công ty luật được Tập đoàn Viettel thuê “đã cung cấp lời khuyên và phân tích” tới Tập đoàn của Việt Nam trước chuyến thăm của ông Trump tới Đà Nẵng và Hà Nội vào tháng 11 năm ngoái, nhân dịp dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng 2017. Các hồ sơ mà Asia Times có được cũng chỉ ra rằng các nhà vận động hành lang cũng đã nói chuyện với các thành viên của giới truyền thông Mỹ.
Tuy nhiên, không có gì khẳng định chắc chắn liệu các cuộc vận động hành lang của hai công ty luật nêu trên đã ảnh hưởng tới mối quan hệ của ông Trump với Việt Nam, động thái đã trở nên nổi bật từ khi vị tỷ phú địa ốc này trở thành tổng thống Mỹ năm 2017. Tháng Năm năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump.
Thực tế, ông Phúc là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại sau khi chiến thắng bầu cử. Ông Phúc và Tổng thống đắc cử Trump đã có cuộc điện đàm vào tháng 12/2016, động thái bị cáo buộc đã đi ngược lại các quy ước bình thường của các tổng thống Mỹ vừa mới đắc cử.
Asia Times, dẫn theo bài báo đăng trên ProPublica – một đơn vị báo chí điều tra, cho biết cuộc điện đàm nêu trên một phần được sắp xếp bởi một trong các luật sư lâu năm khác của ông Trump – ông Marc Kasowitz.
Luật sư Marc Kasowitz cũng là người đại diện của ông Philip Falcone, một nhà đầu tư người Mỹ sở hữu khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí, sòng bạc trị giá 450 triệu USD tại Vũng Tàu. Bài báo của ProPublica nói rằng ông Kasowitz đã tới Việt Nam cùng ông Falcone sau khi ông Trump điện đàm với ông Phúc trong tháng 12/2016. Bộ đôi Kasowitz và Falcone được cho là đã gặp các quan chức chính phủ Việt Nam để vận động hành lang cho việc cải cách luật đánh bạc.
Khu phức hợp nghỉ dưỡng Grand Ho Tram Strip của ông Falcone tại Vũng Tàu bao gồm nhiều khách sạn, một sân golf và một sòng bạc lớn. Sòng bạc này được cho là đang vật lộn để thu lợi nhuận vì công dân Việt Nam hiện tại không được phép đánh bạc trong nước. Hiện tại, sòng bạc trong khu phức hợp Grand Ho Tram Strip chỉ mở cửa cho người nước ngoài vào chơi.
Mặc dù chính quyền Việt Nam hiện tại đang tổ chức chương trình thí điểm 3 năm cho phép những công dân Việt Nam có thu nhập cao có thể chơi bạc tại một số sòng bạc do chính quyền chỉ định tham gia thí điểm, nhưng Grand Ho Tram Strip lại không có tên trong danh sách tham gia chương trình này dù đã nỗ lực vận động hành lang.
Nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Falcone đã chỉ định hai phụ tá mới tham gia vào ban lãnh đạo công ty sòng bạc tại Vũng Tàu. Một trong hai người này là ông Tony Podesta, một nhà vận động hành lang kỳ cựu và là anh em ruột của quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Trong năm 2016 và 2017, Tập đoàn Podesta, một công ty luật hoạt động cho tới cuối năm ngoái, đã vận động hành lang các nhà lập pháp Mỹ nhân danh chính phủ Việt Nam theo các hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD. Trước đó, công ty này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ trả tiền để vận động hành lang các nhà lập pháp Washington.
Một nhà vận động hành lang khác liên quan tới Việt Nam là bà Loretta Pickus, cựu phó chủ tịch về các vấn đề pháp lý tại Entertainment Resorts – một công ty sòng bạc và lưu trú của ông Trump hiện đã dừng hoạt động.
Ông Michael Kelly, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Asian Coast Development Limited, công ty mẹ của Grand Ho Tram Strip, được cho là đã quản lý một dự án hợp tác chung với công ty Entertainment Resorts của ông Trump vào khoảng thời gian giữa năm 1996 và 2004.
Vào tháng Một năm nay, ông Kelly đã được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, một tổ chức vận động hành lang kinh doanh cho doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Cũng trong tháng Một, Tập đoàn Viettel đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp Quân đội và Viễn Thông. Việc tái cơ cấu hoạt động này là để giúp doanh nghiệp này mở rộng lĩnh vực kinh doanh tập trung vào các chương trình quốc phòng.
Tính riêng đơn vị viễn thông của Tập đoàn Viettel, họ có mặt ở cả Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ, nắm giữ thị phần đáng kể trong lĩnh vực viễn thông của hàng chục nước. Lợi nhuận của Tập đoàn Viettel năm 2016 lên tới 18,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, Tập Đoàn Viettel cũng đã bị cáo buộc tham gia vào hoạt động giám sát các nhà bảo vệ nhân quyền ở các quốc gia mà Viettel hoạt động. Các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam yêu cầu giấu tên cho biết thông tin liên lạc của họ trên các mạng thuộc sở hữu của Viettel đã bị can thiệp và dữ liệu thoại và tin nhắn của họ đã bị Viettel bàn giao cho các cơ quan chính phủ.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Châu Á của Tổ chức Quan sát Nhân Quyền cho hay: “Viettel chính xác là loại công ty bị báo động đỏ khi nói đến việc bảo vệ tự do ngôn luận và tự do truyền thông ở Đông Nam Á”.
“Không lực lượng quân đội nào nên tham giao vào việc sở hữu mạng lưới điện thoại di động vì điều đó tạo ra các cơ hội không có giới hạn cho việc giám sát và can thiệp vào giao dịch thoại và tin nhắn”, ông Phil Robertson nói thêm.
Theo Asia Times, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng mà Tập đoàn Viettel tập trung phát triển trong thời gian tới khả năng là phát triển vũ khí, khí tài quân sự, trong đó có việc mua sắm từ đối tác Mỹ.
Các chuyên gia vũ khí nói rằng Việt Nam mong muốn giảm phụ thuộc vào Nga – đối tác cung cấp vũ khí lâu đời cho chế độ Hà Nội, bằng việc mua vũ khí của Mỹ. Việt Nam được cho là thị trường cho các vũ khí và công nghệ quân sự chất lượng cao của Mỹ, đặc biệt là các thiết bị giám sát hàng hải.
Theo trang tin Defense News, Việt Nam hiện tại đã mua các máy bay không người lái Insitu ScanEagle của Boeing.
Asia Times qua nghiên cứu các tài liệu theo FARA vào tháng Ba cho thấy luật sư Ryan được ghi danh là người đại diện cho Tập đoàn Viettel để gặp nhiều quan chức của Bộ Thương mại Mỹ. Trong đó có ba cuộc gặp riêng rẽ với ông Douglas Hassebrock – giám đốc Phòng Thực thi Xuất khẩu của Bộ Thương mại có nhiệm vụ giám sát các thương vụ bán vũ khí và quân trang cho nước ngoài.
Hùng Cường
Theo Asia Times
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…