Bạo loạn đêm thứ 5 tại Pháp: Nhà thị trưởng bị tấn công; điều động 45.000 cảnh sát

Các cuộc bạo loạn hàng loạt tiếp tục diễn ra ở Pháp vào cuối ngày thứ Bảy (ngày 1/7) và đầu ngày Chủ nhật. Cảnh sát đã triển khai lực lượng an ninh quy mô lớn, khoảng 2.800 người đã bị giam giữ. Đây là tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng nhất ở Pháp trong nhiều năm qua và Tổng thống Pháp Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước vì lý do này.

Ngày 1/7, cảnh sát Pháp đối đầu với một nhóm người bạo loạn. (Ảnh:  Getty Images)

Dòng tweet mới nhất của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin vào ngày 1/7 chỉ ra rằng nhờ các hành động kiên quyết của lực lượng an ninh, đêm thứ năm đã yên bình hơn so với các cuộc bạo loạn trước đó và số vụ bắt giữ trong đêm này là 427 người. Khoảng 2.800 người đã bị bắt kể từ ngày 27/6.

Theo Reuters đưa tin hôm 2/7, khoảng 45.000 cảnh sát tuần tra trên đường phố, trong khi binh lính tinh nhuệ, xe bọc thép và trực thăng cũng được điều động chi viện 3 thành phố lớn Paris, Lyon và Marseille.

Đến 1h45 sáng 2/7, tình hình đã lắng dịu hơn so với 4 đêm trước nhưng vẫn còn căng thẳng ở trung tâm thủ đô Paris, đồng thời xảy ra xung đột lẻ tẻ ở các thành phố Marseille, Nice, Strasbourg.

Tại Paris, cảnh sát tăng cường an ninh trên Đại lộ Des Champs Elysees sau khi có thông tin kêu gọi đám đông tụ tập trên mạng xã hội, lực lượng an ninh túc trực để tiến hành kiểm tra tại chỗ trên con phố thường đông đúc khách du lịch. Tường bên ngoài các cửa hàng đã được đóng ván gỗ để tránh bị phá hoại và cướp bóc.

Tuyên bố cũng cho biết 45 cảnh sát và hiến binh đã bị thương trong đêm, 74 tòa nhà (bao gồm 26 đồn cảnh sát và hiến binh) bị hư hại và 577 phương tiện bị phóng hỏa. Vào đêm hôm trước (thứ Sáu), hơn 1.300 người đã bị giam giữ và 2.560 vụ cháy được báo cáo trên các con đường công cộng. Nhưng Bộ Nội vụ Pháp cho biết về tổng thể “cường độ bạo lực đã giảm”.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết nhiều người trong số những người bị giam giữ kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu hôm thứ Ba (ngày 27/6) là trẻ vị thành niên, với độ tuổi trung bình là 17.

Vào ngày 28/6/2023, tại Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, một thiếu niên 17 tuổi người Algérie tên là Nahel đã bị một cảnh sát Pháp bắn chết trong một vụ va chạm giao thông. Vụ việc này đã trở thành mồi lửa cho các cuộc bạo loạn 5 ngày liên tiếp sau đó trên khắp nước Pháp.

Cái chết của Nahel đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về sự thất bại trong việc hòa nhập xã hội của những người nhập cư Pháp, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu chủng tộc có phải là một yếu tố dẫn đến cái chết của thiếu niên này hay không.

Nhà thị trưởng bị tấn công

Ông Vincent Jeanbrun, thị trưởng của L’Haÿ-les-Roses, một vùng ngoại ô phía nam Paris, cho biết nhà của ông đã bị tấn công vào sáng sớm Chủ nhật. Ông gọi đây là một “âm mưu ám sát” của đám đông nhắm vào gia đình mình trong bối cảnh tình trạng bất ổn đang diễn ra ở nước này. Các công tố viên hiện đang điều tra vụ án theo hướng cáo buộc mưu sát không thành công.

“Lúc 1h30 sáng, tôi đang ở tòa thị chính như ba đêm trước thì ai đó lái ô tô vào và phóng hỏa đốt nhà tôi. Vợ tôi và 2 con nhỏ đang ngủ ở bên trong,” ông Jeanbrun nói trong một tuyên bố.

“Khi cố gắng bảo vệ con nhỏ chạy trốn khỏi những kẻ tấn công, vợ tôi và một trong những đứa con của tôi đã bị thương,” ông nói.

Ông Jeanbrun nói rằng ông “không có từ nào để diễn tả cảm giác kinh hoàng của đêm nay”, và cảm ơn sự giúp đỡ của cảnh sát và các dịch vụ cứu hộ.

Xe buýt chở đoàn du khách Trung Quốc bị tấn công

Tối 29/6 theo giờ địa phương, một chiếc xe buýt chở 41 du khách Trung Quốc, một hướng dẫn viên và một tài xế nước ngoài đã bị tấn công ở Marseille, Pháp.

Theo đoạn video trên mạng, kính chắn gió bị hư hại nhiều chỗ và nứt thành bông tuyết, kính hai bên xe bị đập vỡ, nhiều du khách bị trầy xước da.

Được biết, những du khách này đã rời Pháp và đến Geneva, Thụy Sĩ và sẽ từ Thụy Sĩ trở về nhà.

Vụ việc Nahel bị trúng đạn tử vong, một lần nữa làm dấy lên những lời phàn nàn lâu nay về bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát trong các cộng đồng đô thị nghèo khó và hỗn hợp chủng tộc của Pháp.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, kể từ hôm 27/6, hơn 700 siêu thị, nhà hàng và chi nhánh ngân hàng đã bị “cướp bóc và đôi khi bị đốt cháy”.

Liên tiếp xảy ra đánh đập, đập phá và cướp bóc ở nhiều nơi, nhiều người gốc nhập cư kêu gọi dừng hành động mất lý trí

Nhiều đám đông đốt xe, đập phá cửa hàng, cướp bóc, dần khiến dư luận bất bình và chỉ trích. Ngày càng có nhiều người là thế hệ sau của những người nhập cư lên tiếng kêu gọi dừng các hành động mất lý trí.

Ngôi sao bóng đá Pháp Kylian Mbappé đăng thông cáo báo chí trên Twitter hôm 30/6, cho biết anh cũng như tất cả người dân Pháp bị sốc trước cái chết của Nahel. “Tôi có thể hiểu bản chất của việc thể hiện sự tức giận, nhưng tôi không thể tán thành hình thức biểu hiện sự tức giận này. Bạo lực chẳng giải quyết được gì, chưa kể hậu quả chắc chắn sẽ trở lại với thủ phạm và những người thân yêu của họ. Các bạn đang hủy hoại tài sản của mình, của hàng xóm và của cộng đồng .”

Mbappe chỉ ra rằng trước những xung đột cực đoan, chúng ta không thể im lặng được nữa mà phải kêu gọi những người biểu tình bình tĩnh và chịu trách nhiệm. “Có những hình thức thể hiện hòa bình, mang tính xây dựng khác,  tinh thần và sự suy xét lại của chúng ta nên hướng đến đó.” Dòng tweet đã nhận được gần 250.000 lượt thích trong vòng chưa đầy một ngày.

Người dùng Twitter ‘tusaurajms’ đã đăng tải và chia sẻ một đoạn video. Trong video, thanh niên có giọng nói và chữ viết bằng tiếng Ả Rập, anh chỉ trích: “Đốt ô tô có vui không? Có người còn không trả nổi tiền bảo hiểm. Các bà mẹ không mua nổi đồ ăn, và phương tiện giao thông công cộng đang bị ngừng hoạt động do biểu tình; các ông bố không thể đi làm nếu không có ô tô; các bạn phá hoại và cướp bóc các doanh nghiệp nhỏ vô tội. Điều này có vui không? Hãy tưởng tượng chiếc xe của mẹ bạn bị đốt cháy…. Cảnh sát làm phiền người dân, cho nên người dân làm phiền cảnh sát?”

Anh chỉ trích một số người nhập cư sinh ra ở Pháp, nhưng không coi Pháp là đất nước của mình: “Hành vi của các người thật ngu ngốc, đáng ghê tởm, không ai biểu tình vì Nahel, các người lấy ký ức của cậu ta làm cớ để tụ tập đông người và cướp bóc những người chủ cửa hàng vô tội, để thỏa mãn ham muốn phá hoại của bản thân.”

Đoạn video đã nhận được gần 35.000 lượt thích và 6.000 lượt chia sẻ lại

Ông Macron hoãn chuyến thăm cấp nhà nước

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy (ngày 1/7) đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức đã được lên kế hoạch từ lâu, để ứng phó với tình trạng bất ổn ngày càng tồi tệ ở Pháp. Điều này đã biểu hiện rõ ràng mức độ nghiêm trọng của các cuộc biểu tình bạo lực ở nước này.

Các cuộc đụng độ leo thang giữa những người bạo loạn và cảnh sát đã buộc ông Macron phải rời cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Brussels vào thứ Sáu (ngày 30/6).

Điện Elysee xác nhận rằng ông Macron và Tổng thống Đức Steinmeier đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy và đồng ý hoãn chuyến thăm cấp cao.

Thông cáo của Chính phủ Pháp cho biết: “Xét về tình hình trong nước, Tổng thống đã bày tỏ mong muốn có thể ở lại Pháp trong những ngày tới”, “do đó, hai nguyên thủ quốc gia đã đồng ý hoãn chuyến thăm Đức.” 

Chuyến thăm cấp nhà nước, dự kiến ​​từ ngày 2 – 4/7, nhằm thúc đẩy quan hệ Pháp – Đức, theo lịch trình hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề cấp bách, từ chính sách năng lượng đến đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây cũng sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Đức của một tổng thống Pháp kể từ chuyến thăm Berlin của ông Chirac năm 2000.

Ông Macron xuất hiện tại buổi hòa nhạc khiến công chúng tức giận

Trong khi nước Pháp đang xảy ra bạo loạn liên tục, hôm 28/6, ông Macron đã tham gia buổi biểu diễn của ca sĩ người Anh Elton John. Trong thời gian này, ông liên tục nhún nhảy thể hiện vẻ thoải mái tự tại, điều này khiến nhiều người cảm thấy tức giận.

Nhiều cư dân mạng trên Twitter lên án:

“Bạn biết gì không? Ông ấy thực sự không quan tâm.”

“Đất nước đang bốc cháy, nhưng ông ấy không quan tâm.”

“Khi nước Pháp đang bốc cháy, ông ấy có vẻ rất vui.”

Ngoài cư dân mạng, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp và hiện là thành viên Nghị viện châu Âu Thierry Mariani cũng đăng bài viết chỉ trích ông Macron “vô trách nhiệm”. Ông Mariani viết: “…Khi khói lửa khắp nơi ở Pháp, ông Macron không đứng bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ hoặc lực lượng cảnh sát, mà lại đứng ra vỗ tay cho Elton John. Mỗi người đều phải có ưu tiên của riêng mình! [Ông Macron] làm thế này là hoàn toàn vô trách nhiệm.”

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

23 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

1 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

1 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago