Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã ra lệnh cho quân đội nước này dừng một công trình xây dựng dân sự trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa sau khi bị Trung Quốc gây sức ép, theo Bloomberg.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana phát biểu trong một buổi tới thăm đảo Thị Tứ hôm 21/4/2017 (Ảnh: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)
Philippines tiến hành xây dựng khu nhà tạm cho ngư dân với diện tích khoảng 500m2, gần đảo Thị Tứ – một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa.
Hiện tại cả Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên đảo Thị Tứ, nhưng Philippines mới là nước đang kiểm soát trên thực địa. Đảo này cách bờ biển Vũng Tàu, Việt Nam khoảng gần 600km và cách Manila, Philippines khoảng 816km về phía tây nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lần đầu công khai về căng thẳng mới nhất với Trung Quốc xung quanh vấn đề đảo Thị Tứ vào hôm thứ Tư (8/11) trong một buổi trả lời báo chí tại Manila. Ông Lorenzana nói rằng Trung Quốc ép Philippines dừng công trình bằng cách trích dẫn một thỏa thuận từ trước giữa Bắc Kinh và Manila, trong đó quy định hai nước không được xây dựng mới bất kỳ công trình nào trên các khu vực đảo tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói thêm rằng hai nước này hiện tại đang cùng thảo luận các cách thức mới để nhanh chóng giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên cơ sở không leo thang vấn đề lên cấp cao hơn.
Ông Lorenzana cho rằng liên quan đến các quan chức cấp cao sẽ mất nhiều thời gian xử lý và “nếu có bất kỳ sai lầm nào xảy ra, rất có thể sẽ dẫn tới xung đột”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines kỳ vọng hai nước sẽ thông qua được các quy tắc hợp tác mới vào cuối năm nay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển của Trường Đại học Philippines, cho hay sự vụ trên đảo Thị Tứ “chỉ ra rằng Philippines không còn nhiều không gian đàm phán trên biển Đông. Chúng tôi sẽ mất một nửa diện tích đảo một khi Trung Quốc chiếm giữ được các bãi cạn này vì quân đội của họ [đóng trên một đảo khác] chỉ cách đảo Thị Tứ khoảng 6km”.
Trung Quốc trước nay vẫn tuyên bố chủ quyền tới 90% biển Đông và vài năm qua Bắc Kinh đã cho bồi đắp nhiều đảo nhân tạo, cũng như xây dựng các công trình quân sự và lắp đặt khí tài vũ trang hiện đại, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, cùng các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Năm ngoái, trong vụ kiện tranh chấp lãnh hải mà cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino khởi xướng, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết Trung Quốc không có quyền lịch sử tại biển Đông.
Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền vào mùa hè 2016, ông đã không tiếp tục hiện thực hóa phán quyết của Tòa, mà lựa chọn cách thức đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới Bắc Kinh ngày càng bành trướng ở biển Đông. Đầu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đã nói rằng ông rất quan ngại về sự hiện diện của một tàu nạo vét Trung Quốc neo đậu gần đảo Thị Tứ và nói thêm rằng Philippines sẽ giám sát chặt chẽ động thái của tàu này.
“Chúng tôi sẽ không lên tiếng nếu nó ở trong [lãnh hải] Trung Quốc. Một khi nó tiếp cận lãnh thổ của chúng tôi, thì lúc đó chúng tôi sẽ phản ứng”, ông Lorenzana nói.
Xuân Thành
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…