Bắc Triều Tiên áp đặt lệnh cấm đối với cola, vì vậy nhìn chung rất khó thấy được sản phẩm này (Nguồn hình: Pixabay)
Tổng Thống Donald Trump tuyên bố rằng ông đã thuyết phục Coca-Cola đồng ý thay thế siro bắp giàu fructose bằng đường mía tinh khiết trong loại nước ngọt trứ danh của hãng tại thị trường Hoa Kỳ. Công ty chưa xác nhận chi tiết mức độ thay đổi, song chỉ riêng thông báo này cũng đã đủ làm giới tinh luyện bắp hoảng loạn và những người ủng hộ tự do thương mại tỏ ra đắc ý.
Ông Scott Lincicome, một cây viết thuộc viện nghiên cứu Cato đã đăng tải một loạt thông điệp châm biếm: “Có ai muốn nói cho ‘Ngài Thuế Quan’ biết vì sao Coca-Cola lại phải cho siro bắp vào phiên bản [Cola] tệ hại hơn của Mỹ hay không? Gợi ý…chính là vì chủ nghĩa bảo hộ đường.”
Ông Mark Perry, một kinh tế gia và cũng là học giả danh dự của Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (AEI), cũng lặp lại luận điệu này.
Thật ra đây chẳng phải nhận định mới mẻ gì, mà là một giáo điều rất đỗi quen thuộc. Ngày trước, nếu quý vị chỉ vừa mới chân ướt chân ráo bước vào giới bảo thủ Washington D.C. với hoài bão trở thành một tân binh bảo thủ hay một kinh tế gia tự do sáng giá trẻ tuổi, các buổi thuyết trình tại những viện nghiên cứu đều truyền dạy điều ấy. Có lẽ đến nay vẫn vậy (đã lâu lắm rồi kể từ khi chúng ta còn giao du với “phong trào bảo thủ” đang tàn lụi ở D.C.). Một thời, luận điểm này đã trở nên hữu dụng cho tầng lớp bảo thủ no đủ tại D.C. vì nó vừa công kích thuế quan vừa đả kích một kiểu nông dân không được lòng dân (giới đồn điền trồng mía vốn từ lâu đã mang tiếng xấu), đồng thời tránh đụng chạm đến hai thế lực thật sự: chính sách can thiệp ngoại giao và thế lực vận động hành lang thật sự hùng mạnh: tập đoàn nông nghiệp Trung Tây chuyên sản xuất ngũ cốc và bắp lớn nhất nước Mỹ.
Luận điệu này biến sự trỗi dậy của siro bắp thành một hệ quả tất yếu của việc bảo hộ các nhà sản xuất Mỹ trước hàng ngoại nhập giá rẻ.
Vấn đề là: đó chỉ là lời bào chữa khéo léo, chứ không phải sự thật.
Quả thật, Hoa Kỳ từ lâu đã che chở ngành công nghiệp đường nội địa. Nhưng đó không phải lý do Coca-Cola chuyển sang sử dụng siro bắp vào năm 1984. Câu chuyện thực sự còn đáng chú ý hơn. Siro bắp thống lĩnh thị trường thực phẩm Hoa Kỳ không phải vì đường quá đắt, mà vì bắp được làm ra với giá rẻ một cách giả tạo. Đây không phải là quyết định của thị trường, và cũng chẳng liên quan gì đến việc bảo hộ các nhà sản xuất nội địa chống lại hàng ngoại. Thay vào đó, đó là sự hội tụ của 3 yếu tố: chính sách Chiến Tranh Lạnh, chính trị tiểu bang nông nghiệp, và một đột phá kỹ thuật.
Hoa Kỳ đã che chở ngành đường từ những năm 1934, khi Đạo luật Jones–Costigan ra đời dưới thời Chính sách mới, nhằm ổn định thị trường hàng hóa trong thời kỳ Đại suy thoái. Đạo luật này đặt ra hạn ngạch, bảo đảm giá, và phân bổ thị phần để giữ giá đường nội địa cao, cũng như bảo vệ nông dân khỏi những cơn bão giá quốc tế.
Các biện pháp bảo hộ ấy về sau được củng cố bằng các hạn ngạch thuế quan, giới hạn nhập khẩu đường mía giá rẻ từ Brazil và vùng Caribe. Đường Mỹ vì vậy luôn đắt nhưng ổn định. Suốt hàng thập kỷ, điều này tạo ra một thế giới hai tầng: toàn cầu hưởng đường rẻ, riêng Hoa Kỳ thì chịu đường giá cao được bảo hộ trong nước.
Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ tham gia Hiệp Ước Đường Quốc Tế nhằm điều tiết nguồn cung và giá cả giữa các quốc gia sản xuất. Nhưng hiệp ước đó đã sụp đổ vào năm 1981, khiến thị trường thế giới tràn ngập đường và giá đường toàn cầu lao dốc. Tổng Thống Ronald Reagan—nhân vật mà giới chính trị D.C. thường tô vẽ như một tín đồ tự do mậu dịch nhưng thực chất là một nhà dân tộc kinh tế đầy thực dụng – đã đáp trả bằng cách siết chặt hạn ngạch nhập khẩu vào năm 1982, củng cố hơn nữa các biện pháp bảo hộ trong nước.
Những người chỉ trích thích viện dẫn những rào cản này để giải thích vì sao siri bắp lên ngôi. Nhưng sự bảo hộ ấy đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ. Nếu thuế quan thật sự là nguyên nhân, vậy vì sao Coca-Cola không chuyển sang sử dụng siro bắp ngay từ những năm 1955?
Thời điểm chính là yếu tố vô cùng then chốt. Không phải vào thập niên 1930, 1950, thậm chí ngay cả giai đoạn giá đường tăng vọt những năm 1970, Coca-Cola chỉ chuyển sang sử dụng siro bắp vào năm 1984 – một thời điểm rất đặc biệt. Trong suốt những năm đó, vẫn có các loại đường thay thế, song Coca-Cola vẫn trung thành với đường mía dù giá cao.
Cái thay đổi không nằm ở chính sách về đường mà là sự kết hợp của hai làn sóng cùng dâng lên. Trước hết, một chính phủ – chủ yếu dưới thời các tổng thống Cộng Hòa – đã ồ ạt trợ cấp nông nghiệp, khiến Hoa Kỳ tràn ngập bắp giá rẻ. Thứ hai, một phát minh công nghệ cho phép biến lượng bắp dư thừa ấy thành một chất tạo ngọt bảo quản lâu thay thế đường.
Trong thập niên 1960, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra enzyme glucose isomerase, cho phép biến tinh bột bắp thành siro bắp giàu fructose (HFCS). Đến giữa thập niên 1970, công nghệ này được thương mại hóa, đem đến một loại chất tạo ngọt thay thế. HFCS vừa rẻ, vừa bảo quản được lâu hơn, vừa mang lại hiệu quả tốt hơn đường trong ngành công nghiệp nước giải khát lẫn chế biến thực phẩm.
Nhưng điều khiến HFCS không thể cưỡng lại được chính là giá bắp lao dốc nhờ chính phủ đè xuống đáy.
Câu chuyện khởi đầu năm 1972, khi Tổng Thống Richard Nixon ký thỏa thuận bán hàng triệu tấn ngũ cốc cho Moskva – một nhượng bộ để thúc đẩy chính sách hòa hoãn (détente) làm hòa với khối cộng sản Liên Xô. Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Earl Butz hủy bỏ các biện pháp kiểm soát sản lượng vốn trả tiền cho nông dân để đất nghỉ không canh tác.
Thông điệp của ông Butz rất đơn giản và thẳng thắn: “Làm ăn lớn hoặc bỏ nghề.” Hãy gieo trồng bắp “từ hàng rào này đến hàng rào khác.” Thay vì nâng giá bắp bằng cách kìm hãm sản xuất, Washington trực tiếp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp qua trợ cấp, bảo hiểm mùa vụ, và bảo lãnh vay vốn.
Sản lượng bắp bùng nổ. Giá tạm thời tăng. Nhưng hệ thống này dựa trên nền tảng địa chính trị đầy rủi ro.
Tháng 12/1979, Liên Xô xâm lược Afghanistan. Tổng Thống Jimmy Carter phản ứng bằng lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, đột ngột cắt đứt hợp đồng béo bở với Liên Xô. Giá bắp lao dốc. Những người nông dân vốn vay nợ chồng chất để mở rộng sản xuất rơi vào cảnh khánh kiệt. Tình hình tồi tệ hơn do lãi suất cao ngất trời mà Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Paul Volcker áp dụng để kiềm chế lạm phát. Giá đất lao dốc. Máy móc bị tịch biên. Tỷ lệ tự sát tại vùng Trung Tây tăng vọt.
Chính phủ liên bang chỉ còn một con bài: trợ cấp thêm nữa. Bắp trở thành nông sản “được bảo đảm”. Việc trồng bắp vô tội vạ mang lại lợi nhuận không phải vì thị trường cần, mà vì Washington trả tiền cho nông dân để họ trồng ra thứ chẳng thể xuất khẩu.
Và đúng lúc đó, ngành thực phẩm tìm thấy một lối thoát cho núi bắp thừa: HFCS.
Đầu thập niên 1980, siro bắp không chỉ rẻ về giá thành mà còn là nguồn calo rẻ nhất thế giới. Đó là lúc Coca-Cola và Pepsi thay đổi công thức. Siro bắp chiếm lĩnh thị trường nước ngọt không phải vì đường trở nên quá đắt, mà vì bắp được chính phủ làm cho quá rẻ.
Chính những chính sách đã tạo ra siro bắp cũng châm ngòi cơn khủng hoảng ở vùng nông thôn nước Mỹ. Các thị trấn nhỏ tiêu điều. Các nông trại gia đình bị ngân hàng tịch thu và bán cho đại tập đoàn nông nghiệp. Năm 1985, các nhạc sĩ Willie Nelson, John Mellencamp và Neil Young tổ chức buổi hòa nhạc Farm Aid đầu tiên nhằm hỗ trợ những người nông dân đang gặp khó khăn và chống lại chính sách đã giết chết họ trong khi làm giàu cho đại công ty.
Ca khúc tạm dịch “Mưa trên bù nhìn (Rain on the Scarecrow)” của John Mellencamp trở thành khúc bi ca cho cả một thế hệ. Phát hành cùng năm, ca khúc đã khắc họa nỗi đau mất mát qua nhiều thế hệ và cơn phẫn nộ của những người nông dân bị Washington bỏ rơi.
“Mưa trên bù nhìn, máu trên lưỡi cày / Mảnh đất nuôi sống một dân tộc, mảnh đất khiến ta tự hào.”
Video ca nhạc mở đầu với cảnh 3 nông dân trẻ ở đâu đó tại vùng Trung Tây than thở: giá nông sản sụp đổ, lệnh cấm vận, luật lệ thay đổi bất chợt, và những khoản vay không thể trả nổi.
“Chà, chính phủ chỉ toàn bàn chuyện cho vay, cứ muốn cấp thêm hết khoản vay này đến khoản vay khác. Họ chỉ có thế thôi – dường như trong đầu họ chỉ nghĩ đến mỗi chuyện ấy. Chúng tôi đâu cần vay thêm. Chúng tôi cần một mức giá nông sản hợp lý. Thêm một khoản vay nông nghiệp chỉ là thêm một món phải trả, mà chúng tôi không tài nào kham nổi. (Người thứ nhất bắt đầu) Tôi nghĩ bọn chính khách đang đùa giỡn, coi thường chúng tôi. Họ chẳng mất gì khi đổi luật hay áp đặt lệnh cấm vận lên nước khác. (người thứ hai tiếp lời) Họ chỉ muốn thực phẩm rẻ, tôi hiểu điều đó. Nhưng họ chẳng hề nghĩ đến nông dân. (người đầu tiên chốt lại, trong khi người thứ ba im lặng),” theo cuộc nói chuyện trong ca khúc “Mưa trên bù nhìn.”
Nếu Tổng Thống Trump thật sự thuyết phục Coca-Cola quay trở lại với đường mía, ông không chỉ sửa đổi một công thức nước ngọt. Ông Trump đang vén màn một sự thật bị chôn vùi — một trong những chuyển biến kinh tế bị xuyên tạc nhiều nhất trong thế kỷ 20.
Sự thống trị của siro bắp không phải do “Ngài Thuế Quan” gây ra. Đó là hệ quả của ngoại giao thời Chiến Tranh Lạnh, chính sách sản xuất dư thừa được trợ cấp, và bước tiến đột phá về công nghệ biến ngũ cốc dư thừa thành chất tạo ngọt bảo quản lâu.
Giới tôn sùng tự do mậu dịch thích đổ lỗi cho thuế quan về bất cứ điều gì. Nhưng trong trường hợp này, thị trường không bị méo mó vì chủ nghĩa bảo hộ – mà bị nhào nặn bởi chính sách dư thừa và những chính sách thời Chiến Tranh Lạnh để đối phó với những biến động chính trị quốc tế.
Giờ quý vị hiểu vì sao điều này khiến giới cầm quyền ở thủ đô Washington khó xử. Chính chính sách can thiệp ngoại giao của chúng ta – trước là hòa hoãn, sau là cấm vận ngũ cốc – kết hợp với trợ cấp bắp và thúc đẩy thương mại quốc tế, đã tạo ra kỷ nguyên đáng sợ của siro bắp, đẩy đường mía rơi vào quên lãng. Họ chôn vùi nó, vì đó là một câu chuyện chẳng có lợi gì cho nghị trình chính trị của họ.
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giải quyết…
Một động cơ của máy bay Boeing thuộc hãng hàng không Detlta Air Lines bị…
Một sĩ quan CBP ngoài giờ làm việc, được cho là bị một người nhập…
Trong cuộc sống, có rất nhiều người luôn cảm thấy mình sống một đời đau khổ,…
Người ôm bất động sản "từng khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế" sẽ…
Đối diện với những khó khăn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống…