Sông Mekong (Mê Kông), con sông dài nhất Đông Nam Á, đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tổ hợp các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong (phần nằm trên lãnh thổ Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) đang làm trầm trọng thêm hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu năm nay, làm suy thoái thêm nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Một số chuyên gia cho rằng các con đập đã trở thành vũ khí trên thực tế để ĐCSTQ kiểm soát Đông Nam Á, gây tổn hại nghiêm trọng và đe dọa hệ sinh thái cũng như sinh kế của người dân trong khu vực.
Ông Brian Eyler, thành viên cao cấp và giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Các chỉ số khí hậu cho thấy tình trạng hạn hán nghiêm trọng trên sông Mekong.” Ông cũng chỉ ra, 11 con đập thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc (gọi là sông Lan Thương) sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở lưu vực sông Mekong.
Dự án Giám sát Đập Mekong, do nhóm của ông Eyler điều hành, ra mắt vào cuối năm 2020, sử dụng vệ tinh và phương tiện truyền thông xã hội để thông báo cho các cộng đồng và chính phủ dễ bị tổn thương ở Mekong về tác động của các con đập ở thượng nguồn.
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy ban Sông Mekong (hay Ủy Hội sông Mekong, MRC), trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên vào tháng 4 năm nay đã đề cập rằng lưu lượng (dòng chảy) của sông Mekong vào mùa khô cao hơn trong thập kỷ qua, nhưng lưu lượng ở mùa mưa thấp hơn. Không nơi nào thể hiện rõ điều này hơn ở Tonle Sap (Campuchia), hồ nước lớn nhất khu vực được mệnh danh là “trái tim của sông Mekong”. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Tháng 12 năm ngoái, lưu lượng nước vào sông Mekong chỉ bằng một nửa so với năm 1995”.
Mực nước sông Mekong cao hơn vào mùa khô và thấp hơn vào mùa mưa, nguyên nhân là do các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn. Các đập này xả nước để phát điện trong mùa khô và giữ nước trong mùa mưa, làm thay đổi mực nước sông một cách nhân tạo giữa mùa khô và mùa mưa. Mực nước hạ lưu dao động bất thường, ảnh hưởng đến quá trình di cư của cá, sản xuất nông nghiệp và giao thông vận tải.
Dòng chính của sông Mekong dài hơn 4.800 km. Đoạn thượng nguồn dài 2.139 km ở Trung Quốc được gọi là sông Lan Thương. Sau khi rời Trung Quốc, sông Mekong chảy qua 5 nước Đông Nam Á là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, là huyết mạch của 65 triệu người dân.
Đến cuối tháng 12/2020, ĐCSTQ đã xây dựng 12 con đập khổng lồ trên dòng chảy chính của sông Lan Thương. Trang web GeoEye của Mỹ cho biết có 11 con đập, nhưng ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy lợi nổi tiếng sống ở Đức, nói rằng họ đã quên Trạm thủy điện Guoduo ở Za Qu (rdza chu), Tây Tạng. Ngoài 12 hồ chứa đã vận hành, còn 8 hồ nữa đang được xây dựng. Ngoài ra, có 85 con đập trên hàng trăm nhánh của sông Lan Thương. Trong số đó, đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) lớn nhất thế giới, nằm ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có chiều cao đập tối đa là 261,5 mét và tổng dung tích chứa là 23,703 tỷ mét khối, chỉ riêng hồ chứa này có thể chặn 23,703 tỷ mét khối nước.
Vào ngày 1/1/2019, có 4 con đập mới được xây dựng đã được đưa vào sử dụng cùng một lúc. Hạ lưu sông Mekong trong năm này đã trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng, và tình trạng hạn hán liên tục dài 4 năm.
Năm 2020 là năm khô hạn nhất được ghi nhận ở sông Mekong. Kết quả quan trắc của Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) cho thấy các hồ chứa ở thượng nguồn của Trung Quốc đầy nước trong mùa mưa, nhưng một số lòng sông của hạ lưu sông Mekong lại khô và nứt nẻ.
Ông Eyler lưu ý rằng 11% lượng nước của sông Mekong được giữ bởi các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn. Nếu không có những con đập thì hạ lưu đã không khô cằn như vậy. Nhưng ĐCSTQ khẳng định hạn hán ở hạ lưu là do “hiện tượng El Niño”.
Cơ quan giám sát đập Mekong cũng xác nhận rằng hai con đập lớn nhất trên Lan Thương – đập Tiểu Loan (Xiaowan) và đập Nọa Trát Độ (Nuozhadu) ở Vân Nam – đã chặn 20,1 tỷ mét khối dòng chảy mùa mưa. Hai con đập này thực sự nắm giữ hơn 50% tổng dung tích trữ nước của tất cả các hồ chứa quốc gia trên dòng chính sông Mekong.
Ngay từ năm 2010, các thành viên của Ủy ban sông Mekong—Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia—đã gửi khiếu nại cho ĐCSTQ do mực nước sông Mekong giảm nghiêm trọng. Họ cho rằng các đập trên sông Lan Thương gây hạn hán ở hạ lưu.
Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn phủ nhận và nói rằng dòng chảy trung bình hàng năm ở cửa sông Lan Thương chảy ra khỏi Trung Quốc chỉ chiếm 13,5% cửa sông Mekong chảy ra biển, và các đập cao và hồ chứa lớn “không có tác động” đến hạ lưu.
Tuyên bố chính thức của ĐCSTQ đã bị các chuyên gia và học giả nghi ngờ. Ông Tần Huy (Qin Hui), một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, đã viết một bài viết vào thời điểm đó nói rằng hầu hết các phần của dòng nước chảy ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương đều lớn hơn nhiều so với 14%. Ví dụ, đoạn sông ở Luông Pha Băng, lượng nước chảy ra khỏi lãnh thổ trung bình chiếm khoảng 2/3.
Chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc cũng chỉ ra rằng, dòng chảy từ sông Lan Thương chủ yếu đến từ băng trên núi, tuyết tan và nước ngầm, và dòng chảy trong mùa khô tương đối lớn. Mặt khác, sông Mekong không có mưa trong mùa khô và đặc biệt phụ thuộc vào nước từ thượng nguồn. Ở trạng thái tự nhiên, lưu lượng trung bình của nước sông Mekong ra khỏi Trung Quốc đến Chiang Saen của Thái Lan trong mùa khô là 689 mét khối/giây, chiếm một nửa hoặc thậm chí 2/3 lưu lượng mùa khô của một số đoạn của sông Mekong.
Sông Lan Thương mang theo nước và trầm tích của băng tuyết đổ vào sông Mekong, dựa vào nguồn nước giàu chất dinh dưỡng và đất phù sa trong mùa mưa, lưu vực sông Mekong đã trở thành ngư trường nội địa và vựa lúa lớn nhất thế giới.
Sản lượng lúa gạo ở Thái Lan và Việt Nam cao nhất thế giới. Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp 50% sản lượng gạo cho Việt Nam và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, do thiếu nước, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng lúa gạo.
Đánh bắt thủy sản là nguồn thực phẩm quan trọng đối với các quốc gia nằm ở lưu vực sông Mekong, đặc biệt là Campuchia. Hồ Tonle Sap của Campuchia là ngư trường nội địa lớn thứ tư trên thế giới. Tình trạng sinh thái của hồ là một chỉ báo về sức khỏe của toàn bộ lưu vực sông Mekong. Năm 2020, sông Mekong không có xung lũ, hồ Tonle Sap không mở rộng do không hút đủ nước lũ. Sản lượng cá từ hồ đã chính thức ghi nhận mức giảm 30%, tuy nhiên ngư dân địa phương đã báo cáo sản lượng đánh bắt giảm 70%. Hiện nay, mực nước hồ không ngừng giảm, cá ngày càng ít dần.
Do bị các lớp đập ở thượng nguồn chặn lại, nên lượng sinh vật phù du và phù sa ở sông Mekong cũng bị giảm đi rất nhiều. Nước sông trong vắt khiến cá và hoa màu mất đi nguồn dinh dưỡng dồi dào. Việc di cư ồ ạt hàng năm của hàng trăm loài cá từ Tonle Sap lên thượng nguồn sông Mekong để đẻ trứng đã bị cản trở, và một số loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Theo dữ liệu vệ tinh EOMAP của Mỹ, vào năm 2012 sau khi hoàn thành đập Nọa Trát Độ ở Trung Quốc, độ đục trung bình tại cùng một vị trí trước khi đập được xây dựng vào năm 2004 đã giảm 98%, đủ để đáp ứng tiêu chuẩn phân loại nước uống của Tổ chức y tế thế giới. Và Nọa Trát Độ chỉ là một trong những trạm thủy điện toàn diện mà ĐCSTQ đã xây dựng trên các đập thượng nguồn để tạo ra một nền kinh tế đập xanh, cảnh non sông tươi đẹp.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nhiều đập trên sông Lan Thương có thể giữ lại 97% lượng phù sa chảy vào đồng bằng Việt Nam.
Cho đến ngày nay, ĐCSTQ vẫn chưa công khai số liệu thủy văn của các đập ở thượng nguồn như lượng trầm tích, v.v. Ủy ban Sông Mekong vẫn mở cửa (chào đón ĐCSTQ), nhưng ĐCSTQ không tham gia.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với tờ Epoch Times hôm 8/8: “ĐCSTQ sẽ không bao giờ tham gia vào Ủy ban Sông Mekong. Họ chưa bao giờ công nhận một tổ chức có tính chất nghiên cứu tư vấn và giám sát như vậy. Trên thực tế, gần như tất cả các luật liên quan đến sông của quốc tế hoặc của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn như ‘Luật Quốc Tế’, ĐCSTQ không ký, bởi vì ĐCSTQ tin rằng tất cả các luật về nước như vậy đều hạn chế thượng nguồn và họ không muốn bị hạn chế, mà muốn sử dụng thế nào thì sử dụng.”
Các đập của Trung Quốc thường hạn chế hoặc xả nước mà không có cảnh báo, gây hại cho các quốc gia ở hạ nguồn. ĐCSTQ sau đó đã đồng ý rằng 5 quốc gia ở hạ lưu sẽ được thông báo trước về các hạn chế hoặc xả nước từ các đập ở thượng nguồn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện.
Ví dụ, vào ngày 5/1/2021, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc, sau 5 ngày chặn nguồn nước ở thượng nguồn thì họ mới thông báo cho hạ lưu rằng sẽ hạn chế nước trong 20 ngày. Vào thời điểm này, mực nước sông Mekong đã được Dự án MDM kiểm tra đo đạc và cho thấy đã giảm hơn 1 mét, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng đến giao thông đường sông và sự phát triển của các đàn cá.
Một số học giả Trung Quốc, bao gồm cả chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc, đã chỉ ra một cách gay gắt rằng các con đập đã trở thành vũ khí chiến lược để ĐCSTQ kiểm soát Đông Nam Á. Đối với ĐCSTQ, khi đã nắm vững “vòi nước” thượng nguồn sông, họ có một con bài thương lượng chính trị khổng lồ, có thể ảnh hưởng đến một nửa số quốc gia ASEAN.
Tháng 3/2016, lượng nước sông Mekong giảm, các cánh đồng lúa của Việt Nam bị hạn hán và nước biển xâm nhập nghiêm trọng. Lần đầu tiên ĐCSTQ xả nước để “cứu trợ thiên tai” và quy mô xả nước đã vượt quá lưu lượng của sông Lan Thương vào mùa khô, thời điểm cao nhất lên đến 1000 – 2000 mét khối/ giây, trong khi thời điểm đó lưu lượng nước tự nhiên trên sông Lan Thương là 400 mét khối/ giây.
Sự “hào phóng” của ĐCSTQ đã được đền đáp xứng đáng. Một tuần sau, Hội nghị các nhà lãnh đạo hợp tác Lan Thương – Mekong do Thủ tướng Lý Khắc Cường khởi xướng đã được tổ chức tại Tam Á, tỉnh Hải Nam. ĐCSTQ đã kết hợp ràng buộc đầu tư, cho vay và cho đến cả “Quỹ chuyên cho hợp tác Lan Thương – Mekong” để thúc đẩy hơn nữa “Sáng kiến Vành đai và Con đường” ở Đông Nam Á. Sau khi 5 nước hạ nguồn Mekong nhận được lượng “nước bổ sung” quá mong đợi, họ đã ký Hiệp định Lan Thương – Mekong với ĐCSTQ.
Ông Thạch Sơn cho biết, kể từ khi “Hợp tác Lan Thương – Mekong” do ĐCSTQ chủ đạo được khởi động, ĐCSTQ đã chuyển sang chính sách tấn công Đông Nam Á, ai có quan hệ tốt với họ thì họ sẽ đầu tư tiền và thông báo nhiều thông tin về trữ nước và xả nước ở thượng nguồn hơn, còn nếu không có mối quan hệ tốt thì sẽ không gửi thông báo. Đòn bẩy chính trị này đã có tác dụng rõ rệt đối với một số quốc gia Đông Nam Á. Campuchia là một ví dụ, quốc gia này đã cho phép ĐCSTQ xây dựng một cảng quân sự.
Từ năm 2010 đến 2017, cảng quân sự Ream gần Biển Đông và eo biển Malacca, vẫn luôn là địa điểm huấn luyện chung và diễn tập hải quân giữa quân đội Campuchia và Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2017, Campuchia bất ngờ tuyên bố đình chỉ hợp tác Campuchia – Mỹ và chuyển sang làm hợp tác sâu hơn với ĐCSTQ. Sau khi được ĐCSTQ nạo vét, cảng quân sự dự kiến sẽ trở thành cảng nước sâu và có thể neo đậu tàu sân bay. Nó được coi là con đường quan trọng trên biển để ĐCSTQ giành được chỗ đứng ở Biển Đông, thậm chí cho phép quân đội ĐCSTQ bao quát và kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…