Hôm thứ Sáu (19/4), Israel được cho là đã tiến hành cuộc tấn công trả đũa vào đất liền Iran. Tuy nhiên, chính quyền Iran đã hạ thấp tác động của vụ nổ và không trực tiếp đổ lỗi cho Israel. Israel cũng không nhận trách nhiệm về vụ việc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp ngoại trưởng G7 trên đảo Capri của Italy ngày 18/4. (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP qua Getty Images)
Truyền thông và quan chức Iran cho biết, vụ nổ là do hệ thống phòng không của Iran bắn trúng 3 máy bay không người lái trên bầu trời thành phố Isfahan. Đáng chú ý, họ gọi vụ việc ngày 19/4 là hành động của “những kẻ xâm nhập” chứ không phải là cuộc tấn công của Israel, nhằm loại bỏ khả năng bị trả thù.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin cơ sở hạt nhân ở Isfahan “tuyệt đối an toàn”. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng xác nhận, các cơ sở hạt nhân “không bị hư hại”.
Một quan chức Iran nói với Reuters rằng họ không có kế hoạch phản hồi với Israel về vụ việc. Quan chức này cho biết, nguồn gốc từ nước ngoài của vụ việc vẫn chưa được xác nhận. Iran không phải chịu bất kỳ cuộc tấn công từ bên ngoài nào. Các cuộc thảo luận đang nghiêng về việc xâm nhập hơn là tấn công.
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ trước đó đã nói với CNN rằng hôm thứ Năm (18/4), Mỹ đã nhận được thông báo trước rằng Israel dự định tiến hành một cuộc tấn công trong những ngày tới, nhưng không xác nhận thông tin này.
Ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, G7 đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng. Ông nói rằng Hoa Kỳ không liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào.
Ngày 13/4, kể từ khi Iran tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, các nhà ngoại giao đã làm việc suốt ngày đêm để tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp trên đảo Capri của Ý ngày 19/4, ông Blinken cho biết, Hoa Kỳ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel, giảm căng thẳng leo thang và nỗ lực chấm dứt xung đột.
Ông cũng nói rằng tất cả các nước đều cam kết buộc Iran phải chịu trách nhiệm.
Ngoại trưởng cho biết, các nước đã lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel vào cuối tuần qua. Ông gọi đây là cuộc tấn công chưa từng có về phạm vi và quy mô. Vì đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel, liên quan đến hơn 300 loại đạn dược, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Nhà Trắng vẫn chưa phản hồi. Nhưng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jerusalem, thủ đô của Israel, đã hạn chế các nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ đi ra ngoài Jerusalem, Tel Aviv và Beersheba.
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, đại sứ quán cảnh báo công dân Hoa Kỳ phải tiếp tục thận trọng và nâng cao nhận thức về an ninh cá nhân. Vì các sự cố an ninh thường xảy ra mà không được báo trước.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng tình trạng căng thẳng leo thang đáng kể ở Trung Đông không có lợi cho bất kỳ ai. Ông cũng nói rằng sẽ không phù hợp nếu ông suy đoán về báo cáo của các cuộc tấn công từ Israel vào Iran.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, kêu gọi Iran, Israel và các đồng minh của họ không làm leo thang tình hình ở Trung Đông.
Tại thành phố Lappeenranta, Phần Lan, cách biên giới Nga khoảng 25 km, bà Ursula von der Leyen và Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cùng biểu thị, điều thực sự cần thiết là khu vực vẫn ổn định, và tất cả các bên kiềm chế thực hiện các hành động tiếp theo.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Nhật Bản quan ngại sâu sắc về tình hình ở Trung Đông, và lên án mạnh mẽ bất kỳ hành động nào dẫn đến tình hình leo thang. Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao cần thiết để ngăn chặn tình hình xấu đi hơn nữa.
Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết, quan điểm của Pháp là kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang tình hình và kiềm chế.
Điện Kremlin cho biết, Nga đang nghiên cứu thông tin về các cuộc tấn công của Israel vào Iran và kêu gọi cả hai bên kiềm chế.
Ai Cập ra tuyên bố, nước này quan ngại sâu sắc về sự leo thang lẫn nhau giữa Israel và Iran. Ai Cập cũng cảnh báo về hậu quả của việc mở rộng xung đột và bất ổn trong khu vực.
Từ lâu, Oman đã đóng vai trò trung gian ở Trung Đông. Hôm thứ Sáu (19/4), Bộ Ngoại giao Oman đã đưa ra tuyên bố lên án các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Iran và các cuộc tấn công quân sự liên tục của Israel trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế là ngăn chặn “vụ thảm sát” ở Gaza, và đảm bảo hòa bình lâu dài trong khu vực thông qua việc thành lập nhà nước Palestine.
Ông Ben Saul, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về chống khủng bố và nhân quyền, cho biết, cuộc tấn công mới nhất của Israel nhằm vào Iran một lần nữa vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ lực theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời đe dọa nhân quyền.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra tuyên bố thông qua người phát ngôn của mình. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để ngăn chặn những diễn biến có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho toàn bộ khu vực Trung Đông và hơn thế nữa.
Ông cũng lên án mọi hành động trả thù, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác, nhằm ngăn chặn mọi diễn biến tiếp theo có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho toàn bộ khu vực và hơn thế nữa.
Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng bày tỏ quan ngại tương tự. Ông kêu gọi tất cả các bên “hết sức kiềm chế”. Động thái này được đưa ra sau khi cuộc chiến kéo dài 6,5 tháng ở Dải Gaza làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Trên nền tảng xã hội X, IAEA cho biết, IAEA có thể xác nhận rằng các cơ sở hạt nhân của Iran không bị xâm phạm. Ông Grossi tiếp tục kêu gọi tất cả mọi người hết sức kiềm chế, và nhắc lại rằng các cơ sở hạt nhân không bao giờ được trở thành mục tiêu của xung đột quân sự.
Đồng thời, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng thực hiện các biện pháp để giảm leo thang tình hình.
Ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc phản đối mọi hành vi làm leo thang căng thẳng hơn nữa và sẽ tiếp tục đóng vai trò “mang tính xây dựng” trong việc xoa dịu tình hình.
Khi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ trích ĐCSTQ đã hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ông cho rằng Bắc Kinh hiện đã trở thành nhà tài trợ chính của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine, bằng cách cung cấp các bộ phận vũ khí quan trọng.
Ông nhận định, nỗ lực này đang gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…