Thế Giới

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh – Báo cáo của SIPRI

Báo cáo uy tín do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố trong tuần này cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 đã tăng 9,4% so với năm 2023. Trước bối cảnh các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông vẫn tiếp diễn, cùng với căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng tại châu Á, các quốc gia trên thế giới đang tái vũ trang với tốc độ nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Hình ảnh chụp ngày 15/11/2023, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển Philippines. Một chiếc máy bay chiến đấu F-35C đang hạ cánh xuống boong tàu. (Nguồn ảnh: U.S. Navy/ Mass Communication Specialist 3rd Class Isaiah B Goessl)

Báo cáo thường niên của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu năm ngoái đã đạt 2.718 nghìn tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó – mức tăng trưởng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời đánh dấu năm thứ mười liên tiếp chi tiêu quân sự toàn cầu gia tăng.

Hầu hết các khu vực trên thế giới đều ghi nhận mức tăng chi tiêu quân sự, trong đó châu Âu và Trung Đông là hai khu vực có mức tăng mạnh nhất.

“Rất nhiều quốc gia đã cam kết sẽ tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng, điều này sẽ dẫn tới việc chi tiêu toàn cầu tiếp tục tăng trong những năm tới,” báo cáo nêu rõ.

“Trên toàn thế giới, hơn 100 quốc gia đã tăng chi tiêu quân sự trong năm 2024,” nhà nghiên cứu Xiao Liang, thành viên dự án Chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI cho biết. “Khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự – thường là đánh đổi bằng các khoản ngân sách khác – sự cân bằng kinh tế và xã hội như vậy có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến xã hội trong những năm tới.”

So sánh chi tiêu quốc phòng Mỹ – Trung

Theo báo cáo của SIPRI, 5 quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới lần lượt là: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và Ấn Độ. Năm nước này chiếm 60% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

Mỹ vẫn là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, với ngân sách gần 1.000 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 37% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Các khoản chi chính của Mỹ bao gồm: máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và hệ thống tác chiến liên quan (61,1 tỷ USD), các tàu chiến mới của Hải quân Mỹ (48,1 tỷ USD), hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân (37,7 tỷ USD) và hệ thống phòng thủ tên lửa (29,8 tỷ USD).

Ngân sách quốc phòng của Mỹ cũng bao gồm khoản viện trợ 48,4 tỷ USD cho Ukraine, con số này chiếm gần 3/4 ngân sách quốc phòng 64,8 tỷ USD của Ukraine.

Trong khi đó, Trung Quốc cộng sản (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) có tổng chi tiêu quân sự khoảng 314 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 12% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu, chưa tới 1/3 mức chi tiêu của Mỹ.

Báo cáo không chia nhỏ chi tiêu của Bắc Kinh theo loại vũ khí hoặc cơ quan chỉ huy, nhưng chỉ ra rằng ĐCSTQ “đã triển khai một số năng lực quân sự cải tiến trong năm 2024, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình mới, thiết bị bay không người lái (UAV), và tàu lặn không người lái.”

Báo cáo cũng nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của mình trong năm 2024.”

Nhìn chung, chi tiêu quân sự của Mỹ và Trung Quốc trong năm qua cộng lại đã chiếm gần một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

Chi tiêu quốc phòng tăng mạnh nhất ở các khu vực có chiến sự

Mặc dù 15 quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới đều gia tăng ngân sách trong năm 2024, nhưng các nước đang bị cuốn vào xung đột khu vực hoặc luôn trong tình trạng cảnh giác cao với xung đột lại là những nước có mức tăng chi tiêu quân sự mạnh nhất.

Báo cáo cho biết, chi tiêu quốc phòng của châu Âu (bao gồm cả Nga) trong năm 2024 đã tăng 17%, đạt 693 tỷ USD, trở thành khu vực đóng góp chính cho sự gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm. Khi cuộc chiến Nga – Ukraine bước sang năm thứ ba, toàn bộ lục địa châu Âu tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, khiến tổng ngân sách quân sự của khu vực này vượt qua mức đỉnh thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Riêng Nga, chi tiêu quân sự trong năm 2024 ước đạt 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2023, gấp đôi so với năm 2015. Ngân sách này chiếm 7,1% GDP và 19% tổng chi tiêu chính phủ của Nga.

Về phía Ukraine, tổng chi tiêu quân sự trong năm 2024 tăng 2,9%, đạt 64,7 tỷ USD, tương đương 43% so với ngân sách quốc phòng của Nga. Chi tiêu quân sự năm 2024 của Ukraine chiếm đến 34% GDP quốc gia — mức cao nhất trong số tất cả các nước được khảo sát.

Chi tiêu quốc phòng tại Trung Đông tăng mạnh do chiến tranh Israel – Hamas

Khu vực Trung Đông, do bùng phát chiến tranh Israel – Hamas, cũng ghi nhận mức chi tiêu quân sự trong năm 2024 đạt khoảng 243 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023 và tăng 19% so với năm 2015.

Israel, quốc gia đang giao tranh với tổ chức vũ trang Hamas tại Gaza, đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong năm 2024 lên tới 46,5 tỷ USD — tăng 65% so với năm trước.

Ngược lại, Iran – nước được cho là hậu thuẫn Hamas – lại giảm 10% chi tiêu quốc phòng trong năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia phương Tây, làm hạn chế nghiêm trọng khả năng tăng chi tiêu của nước này.

Tình hình căng thẳng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khiến nhiều nước tăng ngân sách quốc phòng

Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc cộng sản đã tăng chi tiêu quân sự thêm 7% trong năm 2024, đánh dấu năm thứ 30 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tăng so với năm trước.

“Hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tác động đến chính sách quốc phòng của các nước láng giềng, thúc đẩy nhiều quốc gia trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng.” báo cáo nêu rõ.

Khi Bắc Kinh liên tục gia tăng các hành vi khiêu khích và gây sức ép quân sự tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, các nước như Nhật Bản, Philippines và Đài Loan cũng buộc phải tăng cường ngân sách quốc phòng.

Trong năm 2024, Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng lên 21%, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1952, khiến chi tiêu quốc phòng chiếm 1,4% GDP, cao nhất kể từ năm 1958.

Philippines – quốc gia đang liên tục xung đột với ĐCSTQ tại Biển Đông – đã tăng ngân sách quốc phòng lên 19% trong năm 2024.

Đài Loan, nơi bị ĐCSTQ luôn đe dọa thôn tính, đã tăng ngân sách quốc phòng 1,8% trong năm 2024, lên mức 16,5 tỷ USD. Kể từ năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Đài Loan đã tăng 48%.

Ấn Độ, quốc gia có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, đã tăng ngân sách quốc phòng 1,6% trong năm 2024, lên 86,1 tỷ USD. Trong mười năm qua, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng 42%.

Trương Đình

Published by
Trương Đình

Recent Posts

Thành công của trẻ em bắt đầu với 4 điều cơ bản này

Trẻ em sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi có sự hỗ trợ của gia…

3 giờ ago

Phát hiện 3 thi thể trong căn hộ tại TP Nha Trang

Công an tỉnh Khánh Hòa đang làm rõ vụ 3 thi thể, gồm hai vợ…

4 giờ ago

Thăm dò: 82% người Mỹ coi Đài Loan là một quốc gia độc lập

Gần đây, một cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ rất ủng hộ Đài…

5 giờ ago

Tổng thống Trump tiết lộ những gì ông đã nói với ông Zelensky tại Vatican

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tối thứ Ba (29/4) đã tiết lộ những…

7 giờ ago

Bộ trưởng Hegseth gửi thông điệp tới Iran và Houthi: ‘Các người sẽ phải trả giá’

Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth gửi thông điệp tới Houthi và Iran: ‘Các vị biết…

8 giờ ago

Israel hủy bỏ lễ kỷ niệm Ngày Độc lập vì cháy rừng hoành hành khắp đất nước

Hôm thứ Tư (30/4), các đám cháy rừng lớn bùng phát gần thành phố Jerusalem…

8 giờ ago