Cuộc tranh luận giữa ngôi sao truyền thông Piers Morgan và giáo sư quan hệ quốc tế John Mearsheimer bất ngờ dẫn đến vấn đề “chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng.” Chỗ thú vị là cả 2 ông cùng đồng ý về tình hình chiến cuộc, cùng đặt cơ điểm của lập luận là “đạo đức,” nhưng mà, kết luận lại hoàn toàn trái ngược nhau về việc phương Tây nên tiếp tục đưa vũ khí cho chính quyền Kiev hay không.
Như video đăng hôm 25/9, khoảng hơn 30 phút, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường Chicago, John Mearsheimer, lại được mời tới tranh luận với chủ chương trình Piers Morgan. Vấn đề chiến tranh Ukraine được đặt ra ở phần sau của chương trình.
Bỏ qua đoạn lập luận dẫn dắt, chúng ta tới coi đoạn cuối cùng, phút 29:42.
John Mearsheimer: Họ [Ukraine] sẽ thua trong cuộc chiến này, và chúng ta [Mỹ và đồng minh] không cách nào xoay chuyển tình thế được nữa.
Ông dường như vẫn chưa nhận ra thực tế đó. Chúng ta không làm gì được đâu. Cho nên, sẽ là hợp lý, nếu đứng từ quan điểm đạo đức (moral point of view), thì nên để chiến tranh kết thúc càng sớm càng tốt.
(Trước đó ông Mearsheimer đưa ra lập luận rằng, vì Ukraine đã ở thế thua và không sao lật bàn, dù có đưa vũ khí tầm xa vào cũng không được; cho nên, càng hòa đàm sớm thì càng tốt. Càng đánh lâu sẽ càng thiệt cho Ukraine.)
Piers Morgan: Không! Không! Tôi không đồng ý với ông rằng [người Ukraine] đầu hàng.
Nếu họ muốn tiếp tục chiến đấu, thì đây là đất nước của họ, đây là con người của họ, và họ muốn tiếp tục chiến đấu, và tổng thống của họ muốn có càng nhiều vũ khí càng tốt, để thử sức đánh bật người Nga.
Đã vậy thì [phương Tây] chúng ta có nghĩa vụ đạo đức (moral duty) đưa cho ông ta những vũ khí ấy.
Tôi cho rằng sẽ là đáng trách về đạo đức, nếu [chúng ta] nói ‘Không’. Chúng ta [phương Tây] quyết định điều mà [Ukraine] họ cần, chúng ta quyết định điều nhân dân họ muốn, chúng ta quyết định phần [lãnh thổ] lớn ngần nào mà họ sẽ giữ. Nói rằng, này tổng thống Zelensky, về đạo đức mà nói, hãy đưa cho ông [Putin] tất cả mọi thứ đi, và để ông [Putin] chiến thắng.
Tôi cho rằng chính cái lối nói ấy mới là đáng khinh bỉ về đạo đức! Cá nhân tôi cho là như vậy đó!
J. M.: […] Chính quyền Mỹ đồng ý với quan điểm của ông. Ông, cùng chính quyền Mỹ, và chính quyền Tây Âu cũng như chính quyền Đông Âu, sẽ là muốn “chiến đấu cho tới người Ukraine cuối cùng” rồi đó!
P. M.: Đúng!
J. M.: Và tôi thì cho rằng đứng từ quan điểm đạo đức, và đứng từ quan điểm của người Ukraine, thì đó là việc làm sai lầm.
Đến chỗ này, xem chừng không cách nào tiếp tục tranh luận được nữa, ông Morgan nói lời cảm ơn khách mời, và cho chương trình kết thúc.
“Chiến đấu cho tới người Ukraine cuối cùng”, hoặc phiên bản khác, “chiến đấu cho tới giọt máu cuối cùng của người Ukraine”, có lẽ là một trong những câu có thể gây hiểu lầm.
Hoặc nói cách khác, như được thấy trong tranh luận này, không phải là gây hiểu lầm hoặc hiểu khác nhau, mà là do quan điểm thế nào là cách nhìn đúng đắn về đạo đức là khác nhau, dẫn đến việc cho rằng câu nói đó là biểu hiện chính hay là tà.
Là một câu được nói ra trong các hoàn cảnh khác nhau, cho nên cũng khó mà biết được ai là người đầu tiên nói ra câu này.
Theo báo cáo của Sky News (Anh) đưa tin ngày 11/1/2022, (trước khi quân Nga tấn công Ukraine), Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine lúc bấy giờ là Valery Zaluzhny đã nói rằng ông và quân đội của ông sẵn sàng chiến đấu cho tới giọt máu cuối cùng để chống Nga.
Đây là câu nói tỏ ý chí quyết chiến. Trong bối cảnh đó thì được hiểu là như vậy.
Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022. Sau đó là đàm phán hòa bình Istanbul. Các thỏa thuận dường như tốt đẹp vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Nhưng Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson đích thân tới Kiev.
Sau đó Kiev xé bỏ hòa ước Istanbul vốn sắp thành hiện thực.
Theo một bài giải độc thông tin, thì câu “chiến đấu cho đến người Ukraine cuối cùng” là do ông Johnson nói ra khi thuyết phục Kiev xé bỏ hòa ước, là với ngụ ý khích lệ người Ukraine chiến đấu tiếp, chứ không phải dẫn dụ người Ukraine hy sinh cho một mục đích chính trị nào đó.
Khách quan mà nói, vào thời điểm mang tính định mệnh cho Ukraine đó, khi cả ông Johnson và chính quyền Kiev đều tin rằng có thể bằng vào phương Tây nâng đỡ để đánh bại Nga, dùng chiến tranh tiêu hao để đạt mục đích chung của họ là đẩy ngã Nga khỏi vị thế cường quốc trên thế giới, thế thì không thể loại trừ khả năng người ta sẽ hiểu câu nói đó theo hai nghĩa, và nghĩa nào cũng sẽ mang sắc thái riêng của nó.
Khích lệ người Ukraine chiến đấu vì chính bản thân họ, đó là đạo đức hay không?
Bảo người Ukraine hy sinh cho sự nghiệp nào đó, đó là đạo đức hay không?
Trong video tranh luận, có đoạn ông Morgan nói rằng ông đã đích thân tới Kiev, và đích thân hỏi người Ukraine. Ông khẳng định rằng ông chứng kiến tất cả những người mà ông gặp ở đó đều muốn chiến đấu đến cùng. Tất cả.
Cho nên đến đoạn cuối, có thể hiểu được tại sao ông Morgan nói “chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng” là đúng, là câu ủng hộ tinh thần bất khuất, là nên làm về đạo đức. Tiếp tục đưa vũ khí cho Kiev là đúng đắn về đạo đức.
Nhưng mà, giáo sư Mearsheimer lập luận rằng, điều mà ông Morgan chứng kiến ở Kiev đó, nó trái ngược với những gì ông Mearsheimer chứng kiến thông qua các phương tiện truyền thông.
Các báo cáo về tình hình người Ukraine trốn lính (kể cả báo cáo từ BBC, Reuters, v.v., cho thấy bức tranh khác hoàn toàn. Rõ ràng rất nhiều người Ukraine không muốn hy sinh. Các báo cáo nói về tham nhũng, đút tiền để trốn lính với bảng giá ngày càng tăng, v.v. cho thấy sự tồn tại của nhóm người đang thủ lợi cá nhân nhờ chiến tranh.
Nếu đứng ở góc độ đó, thì câu “chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng” sẽ được hiểu thế nào về phương diện đạo đức? Tiếp tục đưa vũ khí vào chiến trường Ukraine là phù hợp đạo đức hay không?
Chương trình tranh luận của ngôi sao truyền thông Morgan (Anh), mang tên “Piers Morgan Uncensored” là một chương trình tranh luận có tính cởi mở và khá có tiếng.
Các buổi tranh luận đề cập tới nhiều chủ đề xã hội, từ đồng tính chuyển giới cho tới chiến tranh. Lưu ý rằng đây là tranh luận, chủ đề đa dạng, cho nên nhiều khi khó nói ai đúng ai sai, hoặc phần nào đúng phần nào sai. Bản thân ông Morgan cũng không phải lúc nào cũng đúng, đương nhiên.
Điểm mạnh của chương trình là ở chỗ nhiều khi các luận điểm được đưa ra khá thú vị, bởi vì nó mang theo các góc nhìn khác nhau của những người tham gia.
Cuộc tranh luận này, Morgan vs Mearsheimer, có lẽ cũng phản ánh và đại biểu cho các cách nhìn nhận khác nhau hiện nay về chiến tranh Ukraine.
Nhật Tân
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…