Chiến tranh Nga – Ukraine làm lung lay chính sách khí hậu của EU

Trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, mục tiêu chính sách năng lượng cấp bách nhất của châu Âu là “giảm lượng carbon” để đối phó với những gì họ tin là vấn đề cấp bách khác: “nguy cơ khí hậu”. Nhưng tình hình hiện đang khiến kế hoạch này phải thay đổi.

Nhà máy nhiệt điện ở Weisweiler Đức. Cuộc xâm lược kéo dài hơn một tháng của Nga vào Ukraine đã khiến Đức quyết định sau năm 2030 vẫn duy trì các nhà máy nhiệt điện than. (Nguồn: r.classen/ Shutterstock)

Sự thay đổi mạnh mẽ diễn ra vào thời điểm chi phí nhiên liệu cho người lái xe ô tô, chủ nhà và các doanh nghiệp ở châu Âu đã tăng vọt, khiến các nhà lãnh đạo chính trị phải đánh giá lại những rủi ro địa chính trị to lớn gây ra cho châu Âu do quá phụ thuộc vào Nga về năng lượng.

Theo hãng tin AP, vào năm 2021 Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga – một mối quan hệ kinh tế mà các quan chức châu Âu tin rằng sẽ ngăn chặn các hành động thù địch của Nga, nhưng trên thực tế lại cung cấp tài chính cho hành động thù địch của Nga.

Các quan chức châu Âu hiện đang tập trung thúc đẩy nhanh chóng giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào dầu khí của Nga – có nghĩa là an ninh năng lượng đi ngược lại với các mục tiêu khí hậu của họ.

Để loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga sớm nhất có thể, châu Âu sẽ cần đốt nhiều than hơn và xây dựng nhiều đường ống và thiết bị đầu cuối để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ nơi khác.

EU có kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2030.

Quan chức kinh tế hàng đầu của EU là Paolo Gentiloni nói rằng vấn đề này “không dễ dàng”, nhưng ông tin rằng “có thể làm được”.

Như vậy, các kế hoạch cách đây vài tháng khó được xem xét thì hiện đang được thảo luận tích cực, chẳng hạn như việc Đức tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, trong khi trước đó Đức quyết định chậm nhất vào năm 2030 đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than.

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck cho rằng không nên “cấm kỵ” việc tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện than.

Chính phủ Séc cũng đã làm điều tương tự trong tính toán kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than. Ủy viên an ninh năng lượng Séc là Václav Bartuška nói với trang tin tức Seznam Zprávy của Séc: “Chúng tôi sẽ cần nó cho đến khi chúng tôi tìm thấy một nguồn thay thế. Cho đến lúc đó, ngay cả những chính phủ xanh nhất cũng sẽ không loại bỏ than đá”.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của châu Âu hiện nay là mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể vận chuyển bằng tàu biển. Hôm thứ Sáu (25/3), Mỹ và EU đã công bố một kế hoạch hợp tác, theo đó trong năm nay Mỹ và nguồn cung khác sẽ tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu. Giới chức Mỹ không cho biết cụ thể nguồn cung khác là nước nào.

Đức, nước thiếu quy trình đầu cuối trong nhập khẩu, không thể chuyển hóa LNG thành khí để sau đó phân phối trong nước, đang xúc tiến hai dự án trị giá hàng tỷ euro dọc theo bờ Biển Bắc của nước này.

Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đã khơi dậy sự quan tâm của Tây Ban Nha trong việc mở rộng một đường ống dẫn khí đốt qua dãy núi Pyrenees tới Pháp. Dự án trị giá 450 triệu euro (500 triệu USD) đã bị bỏ dở vào năm 2019, lý do vì Pháp không còn hứng thú, ngoài ra là một nghiên cứu về tính khả thi của châu Âu cho rằng dự án không có lãi và không cần thiết. Nếu được xây dựng, đường ống này sẽ cho phép khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được vận chuyển đến phần còn lại của châu Âu dưới dạng LNG.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói: “Đã đến lúc kiểm soát lại nguồn cung cấp năng lượng của chúng ta”. Anh (nước không còn thuộc EU) cũng sẽ loại bỏ một lượng nhỏ dầu nhập khẩu từ Nga trong năm nay. Hơn nữa, ông Johnson đã ám chỉ về kế hoạch phê duyệt thăm dò dầu khí mới ở Biển Bắc, làm giới vận động khí hậu mất tinh thần – những người cho rằng điều đó không phù hợp với mục tiêu khí hậu của Anh.

Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh và đông đảo người phe bảo thủ muốn Chính phủ Anh từ bỏ cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050 – chưa đầy 6 tháng sau khi Chính phủ Anh tổ chức Hội nghị khí hậu toàn cầu ở Glasgow – Scotland và có được đồng thuận trong nhiều vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu đó. Vào tuần trước, Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh là Oliver Dowden nói: “Người Anh muốn thấy chủ nghĩa thực dụng bảo thủ hơn, chứ không phải giáo điều thuần túy”.

Mặt khác, cũng có chuyên gia cho rằng về lâu dài, rủi ro địa chính trị và sức ép giá cả do cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu từ năng lượng dưới dạng dầu, khí và than sang năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời, đồng thời đẩy nhanh và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

So với mức của năm 1990, EU đã cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều nhà phân tích và quan chức nói rằng các mục tiêu đề ra trong luật khí hậu của EU vẫn có thể đạt được.

Tuy nhiên, giá khí đốt và điện tăng cao cùng mong muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga cũng đang tạo thêm áp lực để mở rộng phát triển năng lượng tái tạo bản địa và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, vì những năng lượng tái tạo này, chẳng hạn như từ gió và mặt trời, có giá cao hơn nhiều so với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) gần đây đã công bố kế hoạch 10 điểm về tiết kiệm năng lượng của châu Âu nhằm trong vòng một năm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga xuống 1/3, trong đó bao gồm vấn đề các tòa nhà giảm trung bình chỉ 1 độ C trong mùa sưởi ấm để hàng năm có thể tiết kiệm 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, tương đương với khoảng 6% lượng khí đốt tự nhiên mà châu Âu nhập khẩu từ Nga.

Giám đốc điều hành Alex Melzer của công ty Zolar (Đức) chuyên sản xuất tấm pin mặt trời trên mái nhà, cho biết kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, đã gia tăng lượng lớn yêu cầu lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà từ các khách hàng tiềm năng. Khoản đầu tư kỳ đầu cho tấm pin mặt trời trên mái nhà của công ty Zolar là 20.000 euro (22.000 USD). Ông Melzer cho biết sau khi Đức ngừng mua dầu và khí đốt từ Nga, người Đức đang theo dõi chặt chẽ những gì sẽ xảy ra với hệ thống điện và năng lượng.

Trình Văn

Published by
Trình Văn

Recent Posts

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

13 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

46 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

3 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

3 giờ ago