Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter mới đây đã lên tiếng bày tỏ mong muốn trở lại Bình Nhưỡng gặp lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un để xúc tiến đàm phán hiệp định hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Thông tin trên do ông Park Han-shik , giáo dư danh dự về các vấn đề quốc tế của Đại học Georgia, tiết lộ với tờ nhật báo Korea JoongAng (Hàn Quốc) hôm thứ Hai (10/10).
Cựu Tổng thống Jimmy Carter trong một hội nghị của Hội đồng Kinh doanh Canada – Hoa Kỳ tại Atlanta hôm 15/6/2017.
Ông Park, người cũng đã từng tới thăm Bình Nhưỡng hơn 50 lần, cho hay: “Ông Carter muốn gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên và đóng vai trò xây dựng cho hòa bình trên bán đầu Triều Tiên như ông đã từng thực hiện vào năm 1994”.
“Nếu cựu Tổng thống Carter có thể đến thăm Bắc Triều Tiên, ông muốn gặp lãnh đạo Kim Jong-un và thảo luận về một hiệp định hòa bình giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn và phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên”, ông Park giải thích như vậy và nói thêm rằng ông Carter tìm cách “đóng góp vào việc thiết lập một chế độ hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
Giáo sư Park kết luận: “Ông [Carter] muốn sử dụng kinh nghiệm của mình để tới thăm Bắc Hàn nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần hai”.
Theo tờ DailyCaller (Mỹ), ông Jimmy Carter, Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ tại nhiệm từ năm 1977 tới 1981, đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được một thỏa thuận xoa dịu mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên trong những năm 1990. Thời điểm đó, khi Bắc Triều Tiên thực hiện các động thái mạnh mẽ hướng tới chương trình vũ khí hạt nhân, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã xem xét tới việc sử dụng vũ lực để tấn công Bắc Hàn, tuy nhiên những cảnh báo về việc có thể gây ra tổn thất lớn về sinh mạng, khiến Tổng thống Mỹ thay đổi quyết định của mình và theo đuổi lựa chọn ngoại giao, tiến tới đạt được Thỏa thuận Khung về dừng chương trình hạt nhân.
Với thỏa thuận này, Hoa Kỳ đồng ý cung cấp hàng triệu USD viện trợ cho Bắc Hàn, đổi lại chế độ Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân. Lúc đó, Tổng thống Bill Clinton lý giải rằng: “Đây là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ. Bắc Hàn sẽ đóng băng và sau đó hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ. Hàn Quốc và các đồng minh khác của chúng ta sẽ được bảo vệ an toàn hơn. Toàn thế giới sẽ an toàn hơn khi chúng ta làm chậm việc lan rộng vũ khí hạt nhân”.
Mặc dù Hoa Kỳ cũng không duy trì được một số khía cạnh nhất định trong thỏa thuận này, nhưng mấu chốt là Bắc Hàn từ đầu đã tiến hành đàm phán với chủ trương bất tín và sau đó họ bí mật làm giàu nguyên liệu hạt nhân. Chế độ nhà họ Kim đã tuyên bố họ là cường quốc hạt nhân vào đầu thế kỷ 21 và chính thức cho thử bom hạt nhân lần đầu vào năm 2006. Tổng thể cho tới nay, Bắc Hàn đã có tới 8 lần đảo ngược lại những gì họ đã cam kết trong các thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong hơn một thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên đã tiếp tục cải thiện các khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân. Năm nay, nhà nước biệt lập này đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công một phần, thậm chí là hầu hết lục địa Hoa Kỳ và cũng đã cho thử hạt nhân lần thứ sáu – quả bom có sức công phá lớn nhất mà nước này từng thử và được cho là bom nhiệt hạch.
Trong vài tuần gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang theo chiều hướng ngày càng xấu hơn khi Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng liên tục đấu khẩu gay gắt.
Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh rằng “đàm phán không phải là câu trả lời” khi nói đến vấn đề Bắc Hàn và nhấn mạnh rằng những nỗ lực đàm phán của các đời tổng thống tiềm nhiệm đều đã thất bại. Ông Trump khẳng định rằng lựa chọn quân sự đã sẵn sàng và tuyên bố nếu Bắc Hàn đe dọa tới an ninh của nước Mỹ và đồng minh, quân đội Hoa Kỳ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” quốc gia Đông Bắc Á này.
Gần đây nhất, ông Trump đã đăng tweet úp mở khả năng sẽ sử dụng vũ lực với Bắc Hàn khi nói “chỉ có một lựa chọn duy nhất có hiệu quả” đối với vấn đề Bắc Triều Tiên.
Ngoại giới nhận định rằng chính quyền Trump đang theo đuổi chiến dịch gây áp lực để buộc Bắc Hàn bước vào bàn đàm phán ở vị thế yếu, chứ không phải là một quốc gia mạnh mẽ với vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Carter khẳng định rằng chế độ nhà Kim hầu như không chịu ảnh hưởng bởi áp lực từ bên ngoài.
Do vậy, ông Carter tin rằng đối thoại là cách hiệu quả để ngăn chặn một cuộc xung đột lớn tại Triều Tiên, điều ông tin là một khả năng rất hiện hữu.
Một bài bình luận mới đây trên tờ Washington Post trích đăng phát biểu của ông Carter rằng: “Chúng ta đang đối mặt với khả năng lớn về một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần hai, điều có thể dẫn tới hậu quả tàn phá nặng nề lên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và các lãnh thổ của chúng ta tại Thái Bình Dương và có lẽ cả lục địa Hoa Kỳ. Đây là mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất đối với hòa bình thế giới và điều bắt buộc là Bình Nhưỡng và Washington phải tìm cách nào đó để giảm căng thẳng leo thang và tiến tới đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài”.
Yên Sơn (T/h)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…