Ngày 5/1, Đài Loan cho biết, họ sẽ thành lập quỹ trị giá 200 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào các ngành công nghiệp của Litva (Lithuania) và thúc đẩy thương mại song phương, trong nỗ lực chống lại áp lực ngoại giao đối với quốc gia Baltic từ Trung Quốc.
Lithuania đang phải chịu áp lực từ Trung Quốc trong việc đảo ngược quyết định vào năm ngoái cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện – một đại sứ quán trên thực tế – ở Vilnius dưới tên riêng của mình.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ, theo đó không đủ điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác. Các cơ quan đại diện của Đài Loan ở các nước khác, ngoại trừ Somaliland không được công nhận, đều được đặt theo tên thủ đô Đài Bắc.
Hồi tháng 8, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ của mình và đến tháng 11 đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva, đồng thời gây áp lực buộc các công ty như tập đoàn phụ tùng ô tô khổng lồ Continental của Đức ngừng sử dụng các linh kiện sản xuất tại Litva. Họ cũng chặn không cho hàng hóa Litva vào Trung Quốc
Thương mại trực tiếp của Lithuania với Trung Quốc không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng nền kinh tế quốc gia này vốn dựa vào xuất khẩu, có hàng trăm công ty sản xuất các sản phẩm như đồ nội thất, laser, thực phẩm và quần áo cho các công ty đa quốc gia bán sang Trung Quốc.
Ông Eric Huang, người đứng đầu văn phòng đại diện của Đài Loan tại Lithuania thông báo trong một cuộc họp báo trực tuyến, Quỹ đầu tư chiến lược trị giá 200 triệu USD này sẽ được tài trợ bởi quỹ phát triển quốc gia của Đài Loan và được hỗ trợ bởi ngân hàng trung ương Đài Loan.
“Chúng tôi sẽ thành lập quỹ càng sớm càng tốt và chúng tôi hy vọng năm nay sẽ có một số kết quả rõ ràng… Tôi có thể tưởng tượng những ưu tiên hàng đầu đầu tiên sẽ là công nghệ sinh học bán dẫn, laser và công nghệ sinh học.”
Ông Huang tiếp tục, Đài Loan đã chuyển hướng 120 container vận chuyển từ Litva bị Trung Quốc chặn vào thị trường của mình và sẽ nhận thêm “càng nhiều càng tốt”.
Đài Loan cũng sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt việc xuất khẩu ngũ cốc của Litva vào Đài Loan, đồng thời tìm cách liên kết các doanh nghiệp Litva vào chuỗi cung ứng của Đài Loan, ông nói thêm
Cũng theo ông Huang, việc tích hợp ngành công nghiệp laser của Lithuania vào sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan cũng là một khả năng tiềm ẩn khác.
Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Tseng Hou-jen gọi phản ứng của Trung Quốc đối với việc Litva cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện dưới tên riêng là “không hợp lý”.
“Gọi Đài Loan là Đài Loan không hề vi phạm chính sách Một Trung Quốc của EU… Mỹ và EU đều gọi Đài Loan là Đài Loan trong các tài liệu chính thức của họ, và Trung Quốc vẫn giữ im lặng,” ông cho hay.
“Hành động của Trung Quốc dường như nhằm vào mục tiêu mà họ coi là quốc gia dễ bị tổn thương, vì lợi ích chính trị. Nhưng nhượng bộ không phải là cách tốt nhất để đối phó với những kẻ bắt nạt.”
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…