Hôm Chủ nhật (1/8), một người đàn ông đã chết tại nơi giam giữ của cảnh sát ở Berlin khi lực lượng cảnh sát Đức tiến hành trấn áp mạnh mẽ một cuộc biểu tình chống phong tỏa. Khoảng 600 người đã bị bắt giữ.
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người đàn ông 49 tuổi bị cảnh sát giam giữ ở thủ đô của Đức. Tuy nhiên, các nhân viên cảnh sát cho hay, người đàn ông này đã phàn nàn về việc mình bị đau nhói ở cánh tay và ngực. Hiện giới chức đang khởi động một cuộc điều tra về cái chết của ông này.
Tờ Bild đưa tin, các nhân viên cảnh sát đã cố gắng sơ cứu y tế cho người đàn ông, nhưng cuối cùng ông ấy đã chết khi đến bệnh viện.
Đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đã sử dụng bình xịt hơi cay, ném phụ nữ xuống đất, và thậm chí bị cáo buộc đã đánh đập một người biểu tình ở độ tuổi thanh thiếu niên trong lúc hỗn loạn.
Phía cảnh sát Berlin lại thông báo trên mạng xã hội: “Họ [những người biểu tình] cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát và kéo đồng nghiệp của chúng tôi ra. Điều này đã dẫn đến việc [cảnh sát phải] sử dụng hơi cay, dùi cui và vũ lực.”
Khoảng 5.000 người đã tham gia cuộc biểu tình do phong trào chống phong tỏa Querdenker (Những nhà tư tưởng ngoại biên) khởi xướng nhằm chống lại các biện pháp hạn chế do virus corona tại Đức, bất chấp một tòa án ở Berlin đã cấm cuộc biểu tình do lo ngại về sự lây lan của virus corona.
Lệnh cấm biểu tình đã bị chỉ trích là đạo đức giả bởi vì chỉ mới một tuần trước đó, thủ đô của Đức đã cho phép một cuộc diễu hành Tự hào LGBT với 35.000 người tham dự.
Thượng nghị sĩ Andreas Geisel của Berlin, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đã bảo vệ chiến thuật của cảnh sát. Ông nói với Tagesspiegel: “Theo thông tin chúng tôi hiện có, cảnh sát Berlin và lực lượng hỗ trợ đã hành động phù hợp và chuyên nghiệp.”
Hôm thứ Hai (2/8), lệnh cấm đối với các cuộc biểu tình Querdenker đã được gia hạn. Tuy nhiên, theo các tờ rơi được phân phối trên Telegram, một cuộc biểu tình “Mùa hè Tự do” đã được lên kế hoạch tiến hành một lần nữa tại Berlin vào thứ Tư (4/8).
Cuộc biểu tình cũng chứng kiến một nhà báo được cho là đã bị những người biểu tình tấn công. Có thông tin cho rằng những người biểu tình đã tấn công ông Jörg Reichel, quản lý tại bang Berlin-Brandenburg của Liên minh các nhà báo Đức (DJU). Một số người đã kéo ông ra khỏi xe đạp và sau đó đá vào ông.
Ông Monique Hofmann, Giám đốc điều hành Liên bang của DJU tại Verdi, nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng mất tinh thần và với tinh thần đoàn kết, [chúng tôi] đứng về phía vị đồng nghiệp của mình [ông Reichel], người luôn tận tâm theo dõi các cuộc biểu tình của những người được gọi là những nhà tư tưởng ngoại biên kể từ năm ngoái, và cũng [là người] ủng hộ truyền thông và tự do báo chí.”
Ông Hoffman còn tiết lộ, nhà báo Reichel đã nhận được những lời đe dọa của tổ chức này [Querdenker] trong những tháng qua. Thậm chí hình ảnh cùng với tên tuổi của ông Reichel cũng bị chia sẻ trên các kênh Telegram.
Hồi tháng 5, Đức đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế phong tỏa, cho phép quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều địa điểm yêu cầu khách hàng phải tiêm chủng đầy đủ hoặc có thể chứng minh họ đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh.
Tháng trước, chánh văn phòng Helge Braun của Thủ tướng Đức Angella Merkel đã cảnh báo, trong những tháng tới, những người được tiêm chủng có khả năng sẽ có nhiều quyền tự do hơn những người chưa tiêm chủng. Ông khẳng định: “Những người được tiêm chủng chắc chắn sẽ có nhiều quyền tự do hơn những người chưa tiêm chủng,” đồng thời ông nhấn mạnh: “Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của công dân.”
Nhật Minh (Theo Breitbart)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…