Categories: Thế Giới

EU sẽ mở khóa huấn luyện cho 15.000 quân Ukraine

Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến mở các khóa huấn luyện tại các quốc gia thành viên khác nhau của mình dành cho tới 15.000 binh lính Ukraine. Đây là một bước tăng cường của EU nhằm hỗ trợ Kyiv sau 8 tháng từ khi Nga dẫn quân xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, nói với các phóng viên tại Brussels hôm Thứ Ba (15/11) rằng nhiệm vụ quân sự này là để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của Ukraine, và cho biết rằng theo nhiệm vụ thì dự kiến “có tới 15.000 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện ở các quốc gia thành viên EU”.

“Đây sẽ là một nỗ lực lớn nhằm đổi mới, tăng cường, và cải thiện năng lực của quân đội Ukraine”, ông Borrell nói, và cho biết thêm sẽ triển khai hoạt động muộn nhất là trong vòng ba tháng tới.

Nhiệm vụ sẽ được Phó Đô đốc người Pháp Hervé Bléjean phụ trách, và các bộ trưởng quốc phòng EU cũng đã đồng ý dành một khoản 16 triệu Euro (16,5 triệu USD) nằm trong Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF) – một tổ chức tài chính của EU nhằm ngăn chặn xung đột và xây dựng hòa bình – để hỗ trợ nhiệm vụ trong quãng thời gian 24 tháng.

Người đứng đầu NATO, ông Jens Stoltenberg, đã hoan nghênh quyết định của EU thành lập nhiệm vụ này, và nói với các phóng viên ở Brussels rằng nhiệm vụ sẽ bổ sung cho những gì mà các nước trong khối NATO đang làm.

“Việc bổ sung huấn luyện quân sự là quan trọng, bởi vì nhân dân Ukraine đang phải giành giật trong một cuộc chiến đẫm máu đầy thách thức này”, ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels.

Harry Nedelcu, giám đốc địa chính trị tại Rasmussen Global, đứng đầu Ban Cố vấn về Ukraine, phân tích với Al Jazeera rằng có những quan điểm cho rằng một đợt huấn luyện sẽ không có ý nghĩa lớn khi mà binh sĩ Ukraine đã là quân đội “thiện chiến” nhất Châu Âu rồi, nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy tầm quan trọng trong hỗ trợ này của EU.

Ông nói: “Nếu EU chú trọng vào huấn luyện tân binh, chịu bớt gánh nặng cho Ukraine khi phải huấn luyện tân binh trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra, giúp Ukraine tập trung nguồn lực của mình vào tiền tuyến, thì sẽ thấy hỗ trợ của EU là rất có giá trị”.

“Nhưng một điều cũng rất quan trọng, là cần lưu ý rằng nhiệm vụ huấn luyện quân sự này trên thực tế đang đi ngược tình cảnh hiện nay về một số quốc gia thành viên EU –như Pháp và Đức– khá kém về hoạt động cung cấp vũ khí, mà quân trang quân bị mới là điều mà Ukraine chắc hẳn đang cần nhiều hơn nữa vào lúc này, ngoài việc huấn luyện,” ông bổ sung thêm.

Cả Pháp và Đức đã nhiều lần bị Ukraine chỉ trích vì không gửi đủ vũ khí. Ông Nedelcu cho biết nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện quân sự của EU lần này sẽ mang ý nghĩa lớn với Pháp và Đức, vì đó cũng là cách để họ bù đắp cho thiếu sót trước đây.

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels trước cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết “có tới 5.000 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện tại Đức cho đến tháng 6 năm 2023, và sẽ thành lập một trung tâm phục hồi tại Slovakia”.

Ở một khía cạnh khác, ông Borrell cũng nhấn mạnh rằng một mặt EU sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng mặt khác, các thành viên EU cũng cần phải cân nhắc đến kho vũ khí và khả năng phòng thủ của chính mình.

“Các lực lượng quân sự Châu Âu chúng ta phải chia sẻ, phải có khả năng tương tác với nhau, phải cùng nhau tiến thoái nhiều nhất có thể để bổ sung kho dự trữ của mình”, ông nói với các phóng viên.

Trong khi EU đang cân nhắc về phương diện mua sắm vũ khí chung, ông Nedelcu cho rằng đây có thể cũng là một thách thức đối với các quốc gia thành viên EU.

Ông nói: “Một số nước Đông Âu như Ba Lan đã cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine hơn những nước khác. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia –nhất là ở Trung và Đông Âu– cũng đã nhận ra rằng họ cũng cần bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt của mình.”

“Lấy ví dụ về đơn hàng Ba Lan đã ký thỏa thuận mua xe tăng K2 từ Hàn Quốc. Mặc dù những chiếc K2 của Hàn Quốc rất có năng lực, nhưng việc khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu liên tục của quân đội trên khắp châu Âu sẽ còn nhiều việc cần phải làm. Đây là lý do tại sao EU đang tìm cách tập hợp các nguồn lực của mình lại với nhau và thu hẹp khoảng cách, nhằm tránh tình huống giá mua bị đẩy lên cao do giành nhau đặt hàng. Tuy nhiên, với hiện trạng có nhiều người đang vận động hành lang cho lợi ích quốc gia riêng, thì đạt được một giải pháp chung phù hợp với mọi người sẽ có thể là một thách thức”.

Minh Ngọc (theo Al Jazeera)

 

Minh Ngọc

Published by
Minh Ngọc

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

40 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

1 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

3 giờ ago