Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman khi ông đến Sân bay quốc tế King Khalid vào ngày 13 tháng 5 năm 2025, tại Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Khi Tổng thống Donald Trump kết thúc chuyến công du mang tính quyết định tại Trung Đông hôm thứ Sáu (16/5) vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông mô tả quyết định bỏ qua Israel của ông là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ rạn nứt giữa ông Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, dù chuyên cơ Không Lực Một không đáp xuống lãnh thổ Israel, các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của ông Trump đã xúc tiến những chính sách phù hợp chặt chẽ với lợi ích chiến lược của Nhà nước Do Thái và mở ra một cơ hội chiến lược mà Jerusalem vẫn chưa nắm bắt được.
Ông Avner Golov, Phó Chủ tịch tổ chức MIND Israel và nguyên là Giám đốc cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, phát biểu với Fox News rằng: “Israel đang chứng kiến một làn sóng [khổng lồ chuẩn bị] quét qua Trung Đông — một làn sóng của động lực và thay đổi. Quyết định mà [chúng tôi] phải đối mặt là liệu có nên cưỡi trên làn sóng đó hay bị vùi dập dưới làn sóng đó“.
Trong suốt chuyến công du, ông Trump nhấn mạnh những điểm phản ánh trực tiếp các ưu tiên của Israel. Vào hôm thứ Ba (13/5), ông Trump lên án các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của tổ chức uỷ nhiệm Hamas, kêu gọi Ả Rập Saudi tham gia Hiệp ước Abraham, và cảnh cáo Iran về tham vọng hạt nhân. Hôm thứ Tư (14/5), ông Trump thậm chí còn mở rộng sáng kiến Israel bình thường hoá quan hệ tới cả Syria.
Khi được hỏi trên chuyên cơ Không Lực Một về việc ông không ghé Israel, Tổng thống Trump trả lời: “Điều này tốt cho Israel. [Nếu Israel] có mối quan hệ như tôi có với các quốc gia này… Tôi nghĩ là rất tốt”.
Tại Doha hôm thứ Năm (15/5), ông Trump còn đi xa hơn khi tuyên bố: “Tôi mong muốn thấy [Gaza] trở thành một khu vực tự do. Và nếu cần thiết, tôi sẽ rất tự hào để Hoa Kỳ [sở hữu Gaza], [tiếp quản vùng đất ấy], biến [nơi đó] thành một vùng đất tự do”.
Theo hai viên chức Ả Rập Saudi được tờ The Times of Israel dẫn lời, đặc sứ Hoa Kỳ tại Trung Đông, ông Steve Witkoff, đã nói với các bên trung gian hòa giải tại Doha rằng Washington không có ý định gây sức ép buộc Israel chấm dứt chiến sự tại Gaza — một lập trường phù hợp với thái độ cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu.
Hôm thứ Sáu (16/5), khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình chính trị của Fox News, Bret Baier trên chương trình “Special Report” (Báo cáo Đặc biệt), liệu ông có cảm thấy thất vọng với ông Netanyahu hay không, Tổng thống Trump đáp: “Không. Nhìn này. Ông ấy đang ở trong một tình thế rất khó khăn. Quý vị phải nhớ rằng đã có một ngày 7 tháng 10 mà mọi người không thể quên, đó là một trong những ngày bạo lực nhất trong lịch sử thế giới. Không chỉ là Trung Đông, mà là toàn thế giới, khi quý vị xem các đoạn phim tư liệu. Và các đoạn phim đó thì ai cũng có thể xem”.
Thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm (14/5) về cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Marco Rubio và Thủ tướng Netanyahu cũng cho thấy lập trường ủng hộ nhà nước Israel được duy trì.
“Ngoại trưởng [Rubio] nhấn mạnh cam kết sâu sắc của Hoa Kỳ đối với mối bang giao lịch sử giữa [Hoa Kỳ] với Israel, và [sự bảo đảm vững chắc] của Hoa Kỳ đối với an ninh của Israel. Ngoại trưởng [Rubio] và Thủ tướng [Netanyahu] đã thảo luận về tình hình Syria sau cuộc hội kiến lịch sử giữa Tổng thống Trump và Tổng thống [lâm thời] Syria Ahmed al-Sharaa tại Ả Rập Saudi. Ngoại trưởng [Rubio] và Thủ tướng [Netanyahu] cũng bày tỏ quyết tâm chung để đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân”, thông cáo viết.
Ông Amit Segal, trưởng ban chính trị của Kênh 12 tại Israel, nói với Fox News: “Một trải nghiệm thật không dễ chịu từ góc nhìn của người Israel khi thấy Không lực Một bay qua [đầu của] chúng tôi trên đường đến các quốc gia, một số [công khai] thù địch và một số khác thì bán thù địch. Nếu quý vị không ngồi vào bàn [thương lượng], thì quý vị sẽ bị đưa lên đĩa [trở thành nạn nhân của những quyết định đó]”.
“Nhưng điều này không mang tính cá nhân. Vấn đề không phải là giữa ông Trump và ông Netanyahu. Ông Trump hoàn toàn ủng hộ Israel — nhưng khi lợi ích của Hoa Kỳ được đặt lên hàng đầu, ông ấy sẽ hành động theo đúng như vậy. Đó là [chủ trương] ‘Nước Mỹ Trên Hết’”, ông Segal nói tiếp.
Ông Dan Senor, người điều hành chương trình phát thanh “Call Me Back” (Gọi lại cho tôi sau) và từng là viên chức Bộ Ngoại giao, đồng tình rằng dù truyền thông có đưa tin với các tiêu đề cho thấy căng thẳng giữa ông Trump và ông Netanyahu, nhưng chính sách lại kể một câu chuyện khác.
“Luôn có tiếng ồn trên báo chí. Nhưng chính sách hiện tại là rất vững chắc. Chúng ta đang chứng kiến áp lực tối đa lên Iran, không có bất kỳ lời chỉ trích công khai nào nhắm vào Israel — ngay cả khi hàng chục xe tăng của Israel được bố trí gần Gaza”, ông Senor nói với bà Dana Perino trong chương trình “America’s Newsroom” (Phòng Tin tức của Mỹ).
“Điều tôi từng thấy là vấn đề trong các chính phủ trước — nhất là dưới thời ông Obama — là khi những chỉ trích [trong nội bộ] bị đem ra công khai. Điều đó [tạo đà] cho những kẻ khác [cùng nhau] đổ lỗi cho Israel. Chính quyền hiện tại, dẫu có bất đồng, vẫn giữ kín. Và đó mới là điều quan trọng nhất”, ông Senor nói thêm.
Vào thứ sáu (16/5), trong tuyên bố đánh dấu Tháng Di Sản Israel, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi tin rằng chưa bao giờ dân tộc Israel có một người bạn nào tuyệt vời hơn chính quyền của tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ đi chệch khỏi niềm tin của mình rằng chủ nghĩa bài Israel không có chỗ đứng ở quốc gia vĩ đại nhất thế giới này. Với tư cách là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, tôi sẽ sử dụng mọi công cụ pháp lý phù hợp trong khả năng của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công bài Israel đang lan rộng tại các trường đại học của chúng tôi. Chúng tôi tự hào sát cánh cùng người bạn và đồng minh của mình, Nhà nước Israel. Tôi sẽ không bao giờ dao động trong cam kết của mình“.
Tướng Tamir Haiman, nguyên là Giám đốc Tình báo Quân sự và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, nhận định rằng chính phủ Israel đang lo sợ bị bất ngờ.
“Đây là một cầu thủ [Hoa Kỳ] mạnh đến mức đôi khi, vô tình, ông ta có thể hất một cầu thủ nhỏ bé [Israel] ra khỏi sân — giống như một gã khổng lồ đang xoay mình và vô tình hất ai đó ra khỏi đường đi bằng vai của ông ấy”, ông Haiman nói với Fox News.
Tuy nhiên, ông Haiman nhấn mạnh rằng các diễn tiến tại Ả Rập Saudi, Qatar và Syria không hẳn là bất lợi cho Israel — trừ phi chính phủ không hành động.
“Cơ hội bị bỏ lỡ ở đây là cực kỳ lớn. Israel có hai đòn bẩy chính — sự đồng thuận của Israel đối với các thỏa thuận vũ khí của Hoa Kỳ với Ả Rập Saudi và sự đồng thuận của Hoa Kỳ trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria. Cả hai đều có thể được sử dụng để thúc đẩy các lợi ích [cốt lõi] của Israel: bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi và đảm bảo sự phát triển của Syria theo con đường phi thánh chiến. Và chúng ta [Israel] đã đánh mất cả hai”, ông Haiman nói.
Mức độ khẩn trương càng gia tăng vào tuần rồi khi ông Trump bất ngờ tạm ngưng các cuộc không kích nhằm vào tổ chức uỷ nhiệm Houthi thân Iran chỉ vài ngày sau khi một quả tên lửa rơi gần phi trường Ben Gurion của Israel. Sau đó có tin cho biết Washington đã từ bỏ yêu sách đòi bình thường hoá quan hệ Israel–Ả Rập như một điều kiện tiên quyết để đạt được hiệp ước hạt nhân Mỹ–Ả Rập — một mục tiêu chiến lược mà ông Netanyahu đã ủng hộ từ lâu.
Hãng Reuters đã xác nhận sự thay đổi này. Trong khi đó, các quan chức phía Ả Rập Saudi tuyên bố rõ ràng rằng tiến triển trong vấn đề Palestine vẫn là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào — điều này được xem là không thể xảy ra trong khi cuộc chiến ở Gaza vẫn còn tiếp diễn.
“Sau vụ việc với Ả Rập Saudi, nơi chúng ta [bị đồng minh bỏ rơi để đổi lấy lợi ích riêng], tôi đã nói rằng chúng ta cần dừng lại và [xét lại]. Chúng ta không thể chỉ nói đó là sự bốc đồng của tổng thống [Trump]. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi: ‘Điều gì phụ thuộc vào chúng ta? Cần phải thay đổi điều gì? Tôi không chắc họ [chính phủ Netanyahu] có làm vậy không”, ông Haiman nói.
Rạn nứt tiềm tàng sâu sắc nhất giữa Hoa Kỳ và Israel vẫn là Iran. Jerusalem xem một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa đến sự tồn vong. Ông Haiman gọi đây là “một khung cửa lịch sử” để ngăn chặn Iran— bằng vũ lực nếu cần. “Lợi ích của Hoa Kỳ là kết thúc chiến tranh, không phải tham gia vào chiến tranh, và đạt được một thỏa thuận tốt hơn so với thời Obama”, ông Haiman nói thêm, cảnh báo rằng nếu con đường ngoại giao được xúc tiến mà không có Israel, thì điều đó sẽ sớm giới hạn các lựa chọn quân sự của Israel.
Việc thả tự do cho công dân Mỹ–Israel Edan Alexander, 21 tuổi, sau cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington, Qatar và Hamas, càng làm dấy lên mối lo rằng Israel đang bị gạt sang một bên. Israel chỉ đóng vai trò hậu cần.
Trong nội bộ Israel, cuộc chiến ở Gaza tiếp tục chia rẽ các nhà hoạch định chiến lược về việc liệu có nên tiếp tục gây sức ép với Hamas hay ngưng chiến để đạt được thỏa thuận đổi lấy con tin. Ông Haiman gọi nhịp độ “đánh, đàm, đánh” hiện tại là “luộc ếch”, nhưng cũng thừa nhận rằng nếu không đạt được một thỏa thuận trao đổi con tin ngay bây giờ, 21 con tin còn sống có thể không giữ được mạng.
Ông Golov cho rằng đã đến lúc Israel phải ngưng phản ứng bị động và bắt đầu định hình các sự kiện. Ông Golov thúc giục Jerusalem thúc đẩy Washington yêu cầu “Qatar phải chấm dứt tài trợ cho Hamas, chấm dứt sự kích động của đài Al Jazeera, và phải trả giá cho việc can thiệp vào [nội tình] Israel”. Ông Golov lập luận rằng Israel không có đủ đòn bẩy để làm điều đó một mình.
“[Quốc gia Israel] cần phải tự neo mình vào một khối liên kết khu vực — với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Jordan — những quốc gia cũng vô cùng e ngại trước sự trỗi dậy của nhóm Anh em Hồi giáo”. Và để đạt được điều đó, ông Golov nói, Israel phải leo lên làn sóng mà ông Trump đã khởi động.
Efrat Lachter/ Fox News
Nguồn thu thuế của Đức được dự kiến sẽ suy giảm hàng chục tỷ EUR…
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Hoa Kỳ Sergei Lavrov và Marco…
Từ khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân năm 1990, đến nay Việt Nam có gần…
Một khi bị sâu bướm xâm chiếm khu vườn, những cây trồng được con người…
Các chuyên gia cho biết, dù bạn cắn, liếm hay gặm, cách bạn ăn kem…
Do vi phạm quy định về cạnh tranh khi cung cấp thông tin sai lệch…