Giáo sư John Mearsheimer tỏ ra vô cùng nghi ngờ về tính khả thi của tuyên bố “giải quyết xung đột Ukraine trong 24 giờ” của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vì ông không thấy có “bất kỳ thỏa thuận nào để đàm phán ở đây cả” nếu ông Trump đóng vai như một người đàm phán (deal maker), theo video phỏng vấn của tạp chí The Spectator đăng trên mạng xã hội hôm nay 31/5.
Theo giáo sư Mearsheimer nhận định trong video, ông Trump sẽ giải bài toán xung đột Ukraine ở cương vị là người đàm phán: “Ông Trump tự coi mình là người đàm phán (deal maker). Ông ấy tin rằng ông ấy có thể nhập cuộc [đàm phán] và ông có thể nói chuyện với Putin, có thể nói chuyện với Zelensky.”
Tuy nhiên, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Chicago này không nhìn thấy bất kỳ tính khả thi nào, bởi vì “vấn đề mà ông Trump phải đối mặt… vấn đề thực sự ấy là không có bất kỳ thỏa thuận nào để đàm phán ở đây cả!”
Ít nhất có 2 điểm mà không cách nào giải được nếu chỉ bằng con đường đàm phán, theo giáo sư Mearsheimer: vấn đề lãnh thổ và vấn đề an ninh quốc gia. Ngoài ra, trong các dịp phân tích khác trước đây, giáo sư Mearsheimer từng nói nhiều lần về mục đích của các phe tham chiến, và đó cũng là lý do dẫn đến không có khả năng giải quyết xung đột bằng con đường đàm phán thuần túy.
Giáo sư nói: “Thứ nhất là vấn đề lãnh thổ. Người Nga là sẽ không trả lại những vùng đất mà họ [vất vả] chiếm được. Người Ukraine là muốn lấy lại phần lãnh thổ đó. Bạn không sao hóa giải được chỗ này. Tiếp nữa, người Nga muốn Ukraine phải là quốc gia trung lập, trong khi đó, người Ukraine muốn an ninh quốc gia của mình được bảo đảm, mà điều đó chỉ có thể đạt được từ phương Tây [tức là Ukraine không thể nào trung lập]. Bạn cũng không sao hóa giải được chỗ này.”
“Cho nên, không có thỏa thuận nào để đàm phán,” giáo sư tỏ ra nghi ngờ rất cao về tính khả thi trong tuyên bố của ông Trump.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump —người viết cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” (The Art of the Deal) nổi tiếng trong giới kinh doanh từ khi ông chưa dấn thân vào sự nghiệp chính trị— đã tuyên bố nhiều lần rằng nếu ông ở cương vị tổng thống Hoa Kỳ thì ông sẽ giải quyết bài toán xung đột Ukraine trong 24 giờ, khiến chiến tranh tàn khốc ở nơi đây kết thúc.
Tuyên bố này đã gây ra không ít phản ứng. Những người không thích ông Trump thường ám chỉ rằng ông Trump sẽ bán rẻ lợi ích của phe đồng minh cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một điều mà những người ủng hộ ông Trump coi là thuần túy nói xấu không có cơ sở.
Cũng từng có nghi ngờ rằng phải chăng vậy thì Mỹ sẽ thua và Nga sẽ thắng, nếu theo cách làm của ông Trump. Ông Trump đã trả lời rằng:
“Tôi không lấy thắng thua để nghĩ [về cuộc chiến này], điều tôi nghĩ là giải quyết nó, để chúng ta khiến hoạt động sát nhân ở đó được chấm dứt.”
Đại tá đã về hưu Douglas Macgregor —người từng tham gia ở chiến trường trong chiến tranh Vùng Vịnh và chiến tranh Nam Tư— nói rằng chiến tranh là “dã man tàn bạo” (barbarian) khi mà các tiêu chuẩn đạo đức bị dẫm đạp không thương tiếc, chứ không phải như trên TV chiếu cảnh vài người chết kèm theo các tuyên truyền về chủ nghĩa anh hùng hay tự hào dân tộc nào đó, như trong đoạn video ông Macgregor trả lời phỏng vấn đăng hôm 29/5:
“Trở về vấn đề là bản chất chiến tranh thực sự nó như thế nào.
[Thủ tướng Anh] Winston Churchill từng nói chiến tranh là sự vắng mặt các ước chế bằng đạo đức. Ông ấy nói đúng.
Chiến tranh là dã man tàn bạo. Cho nên hãy tìm cách kết thúc nó sớm nhất trong khả năng của mình, bởi vì để chiến tranh kéo dài thêm ngần nào, thì hung tính của nó càng trở nên cường đại hơn ngần nấy.
Chúng ta thường bị quên mất điều này vì chúng ta coi quá nhiều trên TV về các ‘chiến tranh’ không thực tế, mà ở đó Bob cùng John và Jim nhập ngũ, và rồi cuối cùng đều tốt đẹp cả thôi. Cùng lắm thì chịu vài vết thương ngoài da, hoặc trong đó 1 người hy sinh, vậy thôi. [Kỳ thực] đó là nhảm nhí.
Chiến tranh là dã man tàn bạo, là sát nhân tựa quy mô công nghiệp.”
Về tuyên bố của ông Trump, mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng mà khiến giáo sư Mearsheimer cảm thấy rất khó khả thi. Là tác giả phát triển nên lý thuyết “thực tế tấn công” —một lối phân tích mang tính thực dụng, tách khỏi các nhân tố tình cảm cá nhân— giáo sư Mearsheimer không có các lối lập luận kiểu như ai đó phải chiến thắng thì như thế chủ nghĩa anh hùng mới được nâng cao, v.v.
Lối phân tích của ông thường tập trung vào việc phân tích các thế lực đứng đầu —họ muốn gì, tại sao họ muốn thế, và họ làm thế nào để đạt được điều đó— vì ông cho rằng đó là các nhân tố chủ đạo trong các diễn biến quốc tế, do trong mắt các cường quốc thì không có thế lực nào đủ mạnh để ước thúc hành vi của họ.
Trước đây, ông từng phân tích rằng trong chiến tranh Ukraine, Hoa Kỳ và phương Tây muốn kéo đổ Nga, còn Nga thì muốn đảm bảo an ninh cho quốc gia của mình bằng cách biến Ukraine thành trung lập hoặc tốt nhất là một quốc gia bị đánh trở thành yếu nhược. Có thể cuối cùng thì không phe tham chiến nào đạt được 100% mong muốn của mình, nhưng rốt cuộc họ sẽ đạt được một phần nào trong đó, thông qua cuộc chiến này.
Tức là các phân tích này của ông cũng phản ánh rằng các bên tham chiến sẽ dùng chiến tranh để đạt được mục đích của mình. Một đàm phán thuần túy 24 giờ theo phong cách các quý ông quý bà cao thượng trên bàn trà là điều rất khó khả thi.
Tất nhiên, không phải ai cũng nghi ngờ Cựu Tổng thống Donald Trump. Những người ủng hộ ông cho rằng ông đã làm được nhiều điều cho nước Mỹ chỉ trong 4 năm đầy khó khăn khi làm tổng thống, và họ vẫn tin tưởng rằng ông thực sự có cách nào đó để giải quyết vấn đề xung đột Ukraine trong 24 giờ, điều ông tuyên bố nhiều lần.
John Mearsheimer là giáo sư Đại học Chicago chuyên về quan hệ quốc tế. Mặc dù trước đó từng đoạt giải do phát triển lý thuyết mang tên “hiện thực tấn công” (offensive realism), nhưng ông —một giáo sư đại học chứ không phải một chính khách thực thụ— đột nhiên trở nên nổi tiếng nhờ một sự kiện mà ông miêu tả là chính ông không ngờ tới.
Đó là khi chiến tranh Ukraine nổ ra năm ngoái, một bài giảng về Ukraine của ông năm 2015 —trước đó tận 7 năm— đã đột nhiên trở nên viral, đến nay đã đạt được gần 30 triệu lượt xem đối với một bài giảng lý thuyết quan hệ quốc tế dài dòng và khô khan của một giáo sư đại học già nua nói chậm. Vì cư dân mạng phát hiện rằng ông nói rất đúng, và coi đó là một tiên đoán. Ông nói rằng các ý tứ trong bài giảng đó kỳ thực đã được ông giảng cho các sinh viên từ lâu trước cả năm đó. Và sau khi video đó được nhiều người xem, ông mới nhớ ra rằng ông từng có một video như vậy.
Douglas Macgregor là vị tướng về hưu đã từng tham chiến ở tiền tuyến và nổi tiếng trong một giao tranh được mệnh danh là “trận chiến xe tăng thần kỳ nhất của thế kỷ 20”, khi ông cầm đầu 49 xe thiết giáp tham chiến và giành thắng lợi trong khi không có tổn thất nào.
Chiến tranh Ukraine, bắt đầu từ tháng 2/2022, được coi là chiến tranh ở Châu Âu lớn nhất kể từ Đại Thế chiến II. Đã có không ít các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho cuộc chiến này, nhưng chưa một nỗ lực nào thành công. Cả hai phe tham chiến đều đưa ra cái gọi là bản “kế hoạch hòa bình” của mình, nhưng trong bản nào cũng có những yêu sách mà phe đối thủ không cách nào đồng ý.
Trong khi chiến tranh đang diễn ra với hình ảnh những khu dân cư đang biến thành các đống gạch vụn, thì thế giới đang chứng kiến các hoạt động tuyên truyền cho chiến tranh chưa từng có của các phương tiện truyền thông phương tây kể từ thời Đại Thế chiến I và II của thế kỷ trước, cùng các nỗ lực kêu gọi đầu tư vào chiến tranh lớn chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…